Năng động vượt khó
(Baonghean) - Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương của huyện Nghĩa Đàn gặp không ít khó khăn. Là huyện mới chia tách, xuất phát điểm của các xã thấp, không đồng đều, trong tổng số 25 xã, có 5 xã đặc biệt khó khăn, 12 xã có thôn bản khó khăn. Thế nhưng, các xã đã phát huy được tính năng động, vượt khó, từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM.
Đột phá từ phát triển giao thông
Với thành phần thổ nhưỡng chủ yếu là đất bazan màu mỡ, thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, nhưng huyện Nghĩa Đàn lại gặp khó khăn trong giao thông đi lại, nhất là vào mùa mưa. Phát triển đường giao thông là một yêu cầu cấp thiết, nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Nghĩa Đàn xác định việc đầu tiên là phải làm giao thông.
Mô hình trồng dưa ở xóm Nam Thắng, xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn). |
Nhận diện những khó khăn ngay từ đầu, nên huyện chọn cách chỉ đạo quyết liệt để tạo tính đột phá. Về Nghĩa Bình và Nghĩa Long dịp các xã đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để được công nhận đạt chuẩn NTM, đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp; xen giữa cánh đồng lúa đã ngả màu vàng là những con mương, tuyến đường được bê tông gắn kết với nhau thành bức tranh thôn quê khởi sắc. Nghĩa Bình - xã tách ra từ thị trấn (năm 2011) dù còn nhiều khó khăn nhưng đã huy động được 142,09 tỷ đồng, trong đó trên 20 tỷ đồng để làm 18,41 km/tổng số 20,23 km đường giao thông, đạt và vượt quy định tiêu chí NTM đề ra...
Tương tự, ở Nghĩa Long, mặc dù là xã miền núi khu vực 2 nhưng đã huy động được 185,09 tỷ đồng, trong đó dành gần 45,47 tỷ đồng (nhân dân đóng góp trên 17 tỷ đồng) để nhựa hóa, bê tông và cứng hóa 64,9/64,9 km đường theo quy định. Cùng với làm giao thông, các cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất và đời sống như: kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế xã, điện lưới quốc gia… cũng được huyện ưu tiên đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Hai xã về đích NTM là Nghĩa Bình và Nghĩa Long đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên huy động được sức dân và các nguồn lực. Thế nhưng, các địa bàn khác thì đây là vấn đề nan giải. Mặc dù nhóm tiêu chí cơ sở hạ tầng, giao thông được đánh giá là nổi trội nhất tại các xã đăng ký sắp về đích NTM, nhưng đến nay, giao thông vẫn là tiêu chí mà các địa phương và huyện trăn trở nhất.
Phấn đấu để các tiêu chí bền vững
Tại Nghĩa Đàn, nhóm tiêu chí có thế mạnh và thuận lợi là các xã kế thừa được cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thể thao, sân vận động; trường học từ các nông, lâm trường trước đây. Chính vì vậy, khi địa phương phát động xây dựng NTM, ngoài lãnh đạo các nông trường ủng hộ, tạo điều kiện về đất để làm hạ tầng, thì người dân cũng ủng hộ nhiệt tình, thể hiện qua số tiền đóng góp chiếm 50% tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng...
Đường nông thôn mới ở xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn. |
Từ thực tế cũng cho thấy, một số nhóm tiêu chí trên địa bàn mặc dù đã đạt nhưng vẫn còn phải cố gắng để phát huy tính bền vững hơn. Cụ thể, ở xã Nghĩa Bình còn “nợ” tiêu chí về trường mầm non, thiết chế văn hóa sân vận động, Bưu điện văn hóa. Còn ở Nghĩa Long, các tiêu chí vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất nội thất nhà văn hóa xóm chưa đầy đủ là điều đáng băn khoăn.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của một thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Nghĩa Đàn thì cơ sở vật chất do các nông, lâm trường để lại là thuận lợi cho các địa phương, nhưng mặt khác cũng gây khó cho xã khi trình huyện, tỉnh thông qua. Nguyên do là cơ sở vật chất cũ, nếu đúng quy định của Bộ tiêu chí quốc gia thì phải đập đi xây mới, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên phải tu sửa, nâng cấp và kiểm tra, đối chiếu với tiêu chí mới... Ngoài ra, tiêu chí về vệ sinh môi trường, nước sạch, mặc dù địa bàn nông thôn miền núi rác thải chưa nhiều nhưng quá trình phát triển, vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp cần có những giải pháp đồng bộ để kiểm soát.
Một trong những nhóm tiêu chí có ý nghĩa lớn trong xây dựng NTM là phát triển các mô hình sản xuất để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Thế nhưng thu nhập bình quân đầu người ở các xã được công nhận NTM chưa cao, như Nghĩa Bình là 20 triệu đồng/người/năm; Nghĩa Long 23,4 triệu đồng/người/năm... Toàn huyện có 45 mô hình kinh tế, trong đó có một số mô hình đã phát huy hiệu quả nhưng nhìn chung chưa xứng với tiềm năng. Đến nay, huyện mới có 9 HTX cung ứng dịch vụ nông nghiệp, 8 trang trại đạt chuẩn và chỉ có 10 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.
Quyết tâm về đích đúng hẹn
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, huyện Nghĩa Đàn có 50% số xã, tương đương 12/25 xã về đích NTM, trong đó năm 2015 có 5 xã. Từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện đã huy động được tổng nguồn vốn trên 2.218 tỷ đồng đầu tư các công trình hạ tầng cho NTM. Sau 2 xã Nghĩa Bình và Nghĩa Long đạt chuẩn, huyện chỉ đạo quyết liệt để từ nay đến cuối năm có 3 xã là Nghĩa Hồng, Nghĩa Khánh và Nghĩa Hiếu về đích NTM. Tuy nhiên, ngoài các tiêu chí đã đạt, xã Nghĩa Khách phải hoàn thành 21,3 km đường giao thông; Nghĩa Hồng là 43 km, trong khi nguồn xi măng hỗ trợ từ tỉnh có hạn; nguồn vốn đối ứng của dân hạn hẹp. Đây là một thách thức cần vượt qua.
Vì vậy, huyện Nghĩa Đàn phấn đấu tự lực, tự cường, chỉ đạo cơ sở làm tốt công tác vận động nhân dân, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Từ thực tiễn chỉ đạo tại 2 xã điểm, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Xây dựng NTM là để đời sống nhân dân tốt hơn nên huyện sẽ không vì thành tích mà cố đạt. Để hoàn thành thì xã, huyện phải cố gắng và vượt khó; người dân các xã cũng phải chung tay góp sức để về đích đúng hẹn…”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguyễn Hải