Tiếng kẻng...

18/04/2015 15:35

(Baonghean) - Tiếng kẻng từ bao giờ đã trở thành một âm thanh quen thuộc ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân quê tôi. Kẻng báo giờ đi làm đồng; kẻng tập trung mọi người mỗi khi có việc làng, việc nước; kẻng báo động khi có việc chẳng lành xảy ra…

Cùng với thời gian, tiếng kẻng dần lui vào dĩ vãng và chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của những người già. Hiện nay, ở xã Nam Cát (Nam Đàn) kẻng làng vẫn còn, tiếng kẻng như một nét đẹp văn hóa gắn kết cộng đồng. Nội tôi bảo, kẻng làng có từ lâu lắm rồi, từ cái thời Mỹ dội bom xuống làng. Quả bom rơi giữa đồng làng nên chẳng ai bị thương. Dân làng nhặt xác bom về dùng dây sắt móc nó lên cái cần gỗ rồi bắt ngang cột điện kia, đặt giữa làng làm kẻng. Bao đời nay, tiếng kẻng vẫn ngân vang như thế...

Kẻng làng ở xóm Thọ Mới - xã Nam Cát (Nam Đàn).
Kẻng làng ở xóm Thọ Mới - xã Nam Cát (Nam Đàn).

Ở Nam Cát, có đến 12 cái kẻng với hình thù khác nhau. Cái là xác quả bom dài đến 2m, hình trụ, cái chỉ như cái nắp chum, ngắn cũn. Nhưng bao đời này, chiếc chày sắt vẫn đánh đều đặn lên thân hình nó, ngân lên những tiếng vang thúc giục cả xóm làng. Thường, mỗi xóm sẽ cắt cử ra một người, chuyên làm nhiệm vụ đánh kẻng làng mỗi khi có việc. Với mỗi công việc khác nhau, kẻng làng lại phát ra những thanh âm đặc trưng.

Nội tôi kể, hồi xưa, ngày còn đánh Mỹ, mỗi lần nghe tiếng máy bay ù ù từ xa, kẻng làng lại gióng lên liên hồi. Những lúc như thế, người già, trẻ con lại vội vã chui xuống hầm tránh đạn. Ngày ấy, không có loa phát thanh như bây giờ, tiếng kẻng đã cùng dân làng đi qua những năm bom đạn ác liệt. Hòa bình lập lại, kẻng lại cùng bà con tăng gia sản xuất. Những năm còn hợp tác xã, kẻng làng vang lên là lúc bà con nông dân cùng nhau ra đồng, cùng cấy, gặt, cùng hội họp. Kẻng làng đã chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này.

Còn đối với lũ trẻ chúng tôi, kẻng làng là nơi chứa đựng cả những ký ức tuổi thơ. Tôi còn nhớ hồi bé, đường đi học thường qua nơi treo chiếc kẻng làng. Lúc đó, trẻ con nghịch lắm mỗi đứa cứ cầm lấy một cục đá chờ đi qua kẻng ném vội vào rồi chạy vù thật nhanh. Và lại hả hê cười mỗi khi thấy mấy bà cụ cạnh nhà tỉnh giấc trưa bực bội. Cứ thế, tuổi thơ của chúng tôi lớn lên trong veo và hồn nhiên cùng những trò nghịch ngợm…

Hợp tác xã không còn, loa phát thanh đến từng thôn xóm, nhưng tiếng kẻng vẫn được dùng làm tín hiệu: khi tập hợp dân quân, kẻng làng vang lên mạnh mẽ như thúc giục; khi trong làng có nhà bị cháy kẻng được đánh nhanh, gấp gáp như bước chân người chạy, kêu gọi cả làng cùng nhau giúp sức…Và khi có ai đó trong làng qua đời, kẻng làng lại gióng lên để cả làng cùng đưa tiễn người đã khuất về với đất mẹ. Tiếng kẻng làng đã bao đời gắn kết cả dân làng nơi đây lại với nhau…

Nam Cát hôm nay đã đổi thay, nhà cao tầng nằm san sát, đường làng được bê tông hóa… nhưng nơi mảnh đất này vẫn còn mãi những giếng làng, ao chuôm, và tiếng kẻng thân thương. Đó là mảnh hồn làng để những người con xa xứ tìm lại tuổi thơ nơi quê mình.

Nguyễn Xoài