Về kiến nghị mở đường của người dân Khai Sơn: Đảm bảo hài hòa lợi ích!
(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An nhận được đơn của người dân xóm 4, xã Khai Sơn (Anh Sơn) phản ánh việc từ khi triển khai Dự án Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu trên địa bàn thì việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Nguyện vọng tha thiết của họ là được giữ lại con đường dẫn xuống phà Tri Lễ, một chứng tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và cũng là đường đi lại sản xuất của người dân hàng chục năm qua.
Nguyện vọng giữ đường
Ông Thái Đình Túc, Xóm trưởng xóm 4, xã Khai Sơn – thay mặt cho nhân dân trong xóm viết đơn cho biết: Từ những năm 1970, nhân dân xã Khai Sơn và đặc biệt là người dân ở các xóm 4, 5, 6 đã canh tác, sản xuất ổn định trên diện tích đất bãi bồi ven sông. Hàng ngày, người dân phải đi qua con đường dẫn xuống phà Tri Lễ mới đến được đất sản xuất của mình. Nhưng từ khi có Dự án Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu hoạt động trên địa bàn thì việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Đặc biệt, con đường ngoài giá trị thực tiễn còn mang nhiều dấu tích lịch sử trong quá khứ. Đây là con đường dẫn xuống phà Tri Lễ, nơi mà trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là địa điểm tập kết, vận chuyển quân, lương thực, vũ khí phục vụ cho chiến trường miền Nam, nhân dân xã Khai Sơn luôn tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của phà Tri Lễ. “Nếu như bây giờ nhà máy rào chắn đường thì chúng tôi vừa không có đường đi lại sản xuất, đồng thời những giá trị lịch sử cũng bị xóa mờ. Vì vậy, nguyện vọng tha thiết của người dân là được giữ lại con đường như trước đây” ông Túc cho biết.
Đường xuống phà Tri Lễ có nguy cơ bị chặn khi nhà máy đã đóng cọc và chuẩn bị rào thép gai. |
Dẫn chúng tôi ra thực địa, các ông: Thái Đình Túc (Xóm trưởng), Phan Hữu Thục (Xóm phó), Nguyễn Văn Hoa (Phó Bí thư chi bộ) xóm 4 đều khẳng định rằng, khi biết sắp có một nhà máy về xây dựng trên mảnh đất này thì người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi và đồng tình. Vì thế, khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, người dân đồng lòng ủng hộ.
Tuy nhiên, họ có chút lo lắng là con đường mà lâu nay thường đi lại sản xuất nằm gọn trong đất của nhà máy. Người dân đề nghị được giữ lại con đường nhưng huyện hứa là sau khi xây dựng xong nhà máy sẽ mở một con đường khác. “Chúng tôi thấy như thế cũng hợp lý vì dù sao cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho 2 bên. Phía nhà máy có đất để sản xuất, còn người dân chúng tôi vẫn có con đường đi lại làm đất, vận chuyển sản phẩm về nhà. Trong khi chưa có đường mới thì chúng tôi vẫn đi qua con đường nằm trong đất của nhà máy. Nhưng vừa rồi, nhà máy cho đóng cọc, đổ đất cao hơn so với mặt đường 2 mét, nhân dân phải thuê xe chở đất để đắp thành con dốc thì mới đi được. Sắp tới, khi nhà máy rào thép gai lại thì chúng tôi sẽ không còn đường để đi sản xuất nữa. Trong khi đó, nguồn thu nhập chính của 40 hộ dân xóm 4 chủ yếu dựa vào diện tích hơn 25 ha đất bãi bồi ven sông mỗi năm 3 vụ (2 ngô, 1 lạc). Nếu rào lại rồi thì chúng tôi đi trỉa ngô, thu hoạch lạc, làm đất bằng con đường nào?”, ông Thục lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Cần lại có một “mối lo” khác. Năm 2009, anh Cần hợp đồng thuê lại diện tích 7 ha đất công ích của xã với thời gian 10 năm để xây dựng trang trại; trở thành tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh của địa phương. Mỗi năm, anh đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, đầu tư con giống, thức ăn. Hiện trang trại của anh có hơn 50 con lợn, hàng trăm con gà, ngỗng, và hàng ngàn mét vuông ao cá, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhưng lúc này đây, anh đang lo lắng, đứng ngồi không yên. Anh Cần cho biết: Để xây dựng nhà máy, Nhà nước đã thu hồi hơn 2.000m2 đất trong hợp đồng của tôi với xã. Là người dân, tôi chấp hành chủ trương của Nhà nước không một chút do dự. Nhưng con đường lâu nay tôi vẫn đi vào trang trại đã nằm gọn trong khuôn viên nhà máy. “Bây giờ, nhà máy chưa rào lại thì còn đi ké được nhưng khi rào lại thì tôi chỉ còn nước lội qua ruộng để vào trang trại”.
Đem những lo lắng của người dân trao đổi với ông Nguyễn Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn, ông cho biết: Việc người dân phản ánh không có đường dân sinh đi sản xuất là hoàn toàn đúng sự thật. Doanh nghiệp đã tiến hành đóng cọc và sắp tới sẽ rào luôn cả con đường mòn dẫn xuống phà Tri Lễ. “Khi triển khai dự án, nhân dân các xóm lân cận phà Tri Lễ đã đề nghị không đưa đường và phà Tri Lễ vào khuôn viên nhà máy. Xã đã đề xuất lên huyện, nhưng sau đó huyện trả lời là nằm trong quy hoạch của dự án nên giao lại cho nhà máy than củi sạch. UBND xã nhiều lần đề nghị làm con đường dân sinh xung quanh khuôn viên nhà máy để phục vụ nhân dân đi lại sản xuất mùa màng nhưng vẫn chưa được đồng ý”, ông Nguyễn Văn Lĩnh cho biết.
Hài hòa lợi ích
Được biết, Dự án Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu do Công ty TNHH Nhiên liệu sạch làm chủ đầu tư với mức vốn gần 130 tỷ đồng. Ngày 12/6/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số: 2641/QĐ.UBND-XD về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép Công ty TNHH Nhiên liệu sạch được khảo sát lập quy hoạch xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu với diện tích khảo sát 15 ha tại Khu Công nghiệp Tri Lễ, xã Khai Sơn. Ngày 2/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số: 3070/QĐ.UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu trên diện tích 15 ha. Sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch, UBND huyện Anh Sơn tiến hành thu hồi đất, đền bù GPMB để triển khai dự án.
Hiện nhà máy đã xây dựng 1 xưởng chế biến gỗ và 1 nhà ở để cán bộ, công nhân nhà máy sinh hoạt. Về việc đóng cọc, xây dựng hàng rào, ông Trương Công Thái, người được ông Trương Công Thạch (Giám đốc công ty) giao phụ trách nhà máy giải thích rằng, hiện tài sản của nhà máy được xây dựng, đầu tư nên cần phải có hàng rào để bảo vệ, ngăn chặn trâu, bò vào phá hoại. Lẽ ra, nhà máy đã rào thép gai rồi nhưng do phía người dân đang có ý kiến nên tạm thời dừng lại. Việc nhà máy đầu tư xây dựng là đúng quy định. Còn về việc giải quyết nguyện vọng của nhân dân là thuộc trách nhiệm của chính quyền.
Để đáp ứng nhu cầu người dân trong khi chưa có đường để đi lại sản xuất, nhà máy đã chủ động mở một con đường về phía Nam nằm trong diện tích đất mà nhà máy được thuê. Trong tháng 6, khi nhà máy làm hàng rào, sẽ cho máy móc về múc đất, mở đường để người dân có thể đi xuống được phía bãi bồi ven sông. Còn đối với nguyện vọng của nhân dân xóm 4 muốn được có con đường dẫn xuống phà Tri Lễ, nhà máy sẽ hỗ trợ xã mở đường cho người dân. Tuy nhiên, phía xã chưa có phản hồi. Còn đối với con đường vào trang trại của anh Cần thì trước đây, nhà máy đã đền bù 2 ha đất nằm ngoài diện tích đất của nhà máy được thuê và giao lại cho UBND xã quản lý. Số diện tích này có thể mở được một con đường vào trang trại của anh Cần bằng việc điều chỉnh lại ruộng đất, đổi chiều dài để lấy chiều ngang mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, để tạo điều kiện cho nhà máy sớm triển khai và cũng đảm bảo quyền lợi cho người dân, tháng 12/2014, UBND huyện đã có tờ trình xin chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường vành đai xung quanh khu vực nhà máy. Tuy nhiên, cho đến nay phương án trên vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Cũng theo ông Sáng, khi triển khai dự án, việc đi lại của người dân có sự xáo trộn nhưng không phải là không có lối đi. Người dân xóm 4 có thể đi ra bãi bồi ven sông từ đường mòn Hồ Chí Minh sau đó rẽ xuống lối tắt đã được mở. Tuy nhiên, người dân cho rằng quãng đường xa hơn và không thuận lợi cho việc đi lại. Phía nhà máy đã có động thái là sẽ hỗ trợ máy móc để mở một con đường trên lối mòn mà lâu nay người dân vẫn đi.
Có thể nói, việc người dân đã tích cực và đồng thuận trong chủ trương thu hồi đất để triển khai Dự án Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu là đáng được ghi nhận. Con đường dẫn xuống phà Tri Lễ, một chứng tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ sẽ tự hào hơn khi hòa mình vào sự phát triển của Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu – một dấu mốc phát triển kinh tế của huyện nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Nhu cầu, nguyện vọng của người dân về một con đường để thuận tiện đi lại, sản xuất là chính đáng. Vì vậy, lãnh đạo UBND xã Khai Sơn cần sớm vào cuộc cùng sự chỉ đạo của UBND huyện để tiến hành các thủ tục mở con đường phù hợp nhằm đảm bảo an ninh chính trị địa phương và tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phạm Bằng