Họa sỹ Hồ Thiết Trinh: Vẽ bằng cả đắm say
(Baonghean) - Cứ ngỡ họa sỹ Hồ Thiết Trinh ra Hà Nội nhận giải thưởng sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hôm 13/5, nhưng khi gọi cho ông, nghe ông nói “mình lỡ dịp ra Hà Nội vì lý do sức khỏe. Ông hẹn tôi đến nhà, cùng uống trà xanh, nói chuyện hội họa “biết đâu sẽ khỏe hơn chăng”. Và trong căn nhà giản dị ở phường Trường Thi (TP. Vinh) của ông bữa đó, tôi được nghe ông giãi bày lòng mình về chuyện đời, chuyện nghề...
Điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là căn nhà của họa sỹ treo rất ít tranh. Ông lúi húi dẫn chúng tôi lên gác xép. Ông nói: Đó, đó mới là góc của ông, là góc của tranh. Và thật lạ, khi bước chân vào thế giới ấy, tôi có cảm giác rằng, những bức tranh như sống dậy. Chúng đang chuyển động trong những khung tranh. Chúng đang kể chuyện một dòng sông thao thiết chảy, về những cái cây vặn mình trong gió buốt, về góc chợ quê mênh mang phận người... Những vất vả, hồi sinh, những chia ly, chờ đợi. Dường như chúng đang tự hát lên đời sống mà người họa sỹ kia trao cho chúng.
Một tác phẩm của họa sỹ Hồ Thiết Trinh. |
Tôi hỏi ông về bức vẽ được giải trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vừa qua, ông chỉ cho tôi xem bức tranh chất liệu acrylic. Bức vẽ có 4 nhân vật. Ông đặt tên là “Một chiều sông Lam”. Một người lính chuẩn bị vượt sông Lam ra chiến trường. Tiễn chân anh có mẹ, có vợ, và trên vai vợ anh, một đứa trẻ đang say ngủ. Ông im lặng. Tôi cũng im lặng. Vì tự bức tranh của ông đã nói lên rất nhiều. Hàng ngàn gia đình xứ Nghệ, hàng ngàn, hàng vạn gia đình Việt Nam đã có những cuộc chia ly như thế. Con sông Lam, có thể là sông Hồng, sông Đáy, sông Trà Lý... trên nước Việt thân yêu đã làm nhân chứng cho những bịn rịn, nhớ nhung, những hy sinh, những kiêu hùng...
Câu chuyện sôi nổi hơn bên tách trà xanh. Ông kể với tôi chuyện đời mình, những kỷ niệm đến với nghề
Họa sỹ Hồ Thiết Trinh |
Nhưng rồi như một cơ duyên, tại đây ông được tham gia một lớp học vẽ 3 tháng do Công ty tổ chức. Lớp học có thầy Văn Thơ và Nguyễn Văn Toàn ở Hà Nội lên dạy. Lần đầu tiên Thiết Trinh được học một cách bài bản những kỹ thuật hội họa, với năng khiếu sẵn có, ông vận dụng một cách mau lẹ vào các bài thực tập. Những màu sắc khơi dậy niềm đam mê trong ông. Thiết Trinh thấy mình lại là đứa trẻ năm nào, háo hức đứng bên bức tường mốc rêu xanh và vẽ trước con mắt tò mò thán phục của bao bạn bè cùng trang lứa. Ông đã gửi gắm tất cả những khao khát, say mê ấy vào các bức vẽ nhỏ của mình trong thời gian ngắn ngủi được học vẽ tại Thái Nguyên. Để rồi, như một sự bứt phá, đến năm 1978, Thiết Trinh quyết định lên Hà Nội cùng một người bạn thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp. Hội họa đã rẽ ngang vào đời ông từ đấy và trở thành người bạn tri kỷ của ông cho đến tận sau này.
Tốt nghiệp trường Mỹ thuật, năm 1982, Thiết Trinh về công tác tại Nhà xuất bản Nghệ An với tư cách họa sỹ thiết kế và biên tập mỹ thuật cho đến khi về hưu năm 2011. Thời gian công tác ở Nhà xuất bản cũng là thời gian ông bắt đầu thử mình trên các chất liệu lụa, bột màu, sơn dầu và khắc gỗ. Nhưng phải đến những năm 1997, 1998, Hồ Thiết Trinh mới vẽ nhiều. Đề tài mà ông đặc biệt quan tâm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình là đề tài cách mạng và đề tài lao động.
Sinh ra trên vùng quê gió Lào nắng lửa, nơi con người cần mẫn, chịu thương, chịu khó vượt qua lam lũ, trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Thiết Trinh hiểu những cơ cực bần hàn của người dân lao động, trân trọng sức làm việc và đấu tranh miệt mài của họ, và trên tất cả, ông tìm thấy vẻ đẹp của những giọt mồ hôi rơi trên má họ, những nếp nhăn đặc quánh màu thời gian, và đôi bàn tay chai cứng vì lao động và sương gió. Thuở nhỏ, thường theo lũ bạn chăn trâu bên bờ sông Lam, Thiết Trinh thường nhìn thấy những người vác cát vất vả, những người đi nhủi, bắt cá, bắt tôm…
Ông đã đưa những cảm xúc ấy vào hội họa, như một sự giãi bày, như một khát khao tìm nơi chia sẻ, như một thôi thúc không ngừng nghỉ. Và cứ thế lặng thầm, hội họa trở thành người bạn thân thiết tri kỷ của Thiết Trinh, để mỗi sớm mai thức dậy, người họa sỹ mỉm cười bước về phía giá vẽ như đang trở về với chính mình.
Tác phẩm đầu tiên đoạt giải của Hồ Thiết Trinh là bức “Ngày trắng”, lấy cảm hứng từ những lần đi ngoài đường họa sỹ thấy những người lang thang nơi góc phố. Đó là thời chuyển đổi cơ chế, hàng loạt người bị giảm biên, mất việc làm trong nhà nước, phải lang thang ngoài đường chờ xin việc. “Tôi thấy những ánh mắt đau đáu chờ đợi, những ánh mắt buồn”, Thiết Trinh nói.
Rồi khi trở về nhà, họa sỹ lao vào vẽ. Bức tranh sơn dầu mang cái tên thật ngắn gọn và xúc động “Ngày trắng” đã ra đời như thế và được tặng thưởng về mỹ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam năm 1999. Sau này, Thiết Trinh còn đoạt nhiều giải thưởng nữa như giải Ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2000, giải C năm 2002 và năm 2004 trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải A Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An năm 2002 và 2005, Giải thưởng Quỹ Phát triển Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005, tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV năm 2006, giải C, Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV năm 2013, tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV năm 2014…
Tôi hỏi họa sỹ, rằng trong rất nhiều giải thưởng của mình, ông thấy tâm huyết, có nhiều kỷ niệm nhất với tác phẩm và giải thưởng nào. Thiết Trinh kể cho tôi nghe về hai kỷ niệm của ông gắn với bức “Ngày trắng” và “Bác Hồ với nông dân”. Nếu như bức “Ngày trắng” lấy cảm hứng từ lịch sử, từ lao động, thì bức “Bác Hồ với nông dân” (bột màu) lấy cảm hứng từ cách mạng và lãnh tụ. Thiết Trinh không vẽ nhiều tranh về lãnh tụ, các tác phẩm có đề tài cách mạng của ông chủ yếu vẽ trận chiến, những anh bộ đội, những giờ khắc lịch sử như “Phút cuối” (khắc gỗ) vẽ giờ phút hào hùng của các chiến sỹ tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975, “Đường chiến dịch” (khắc gỗ) vẽ các chiến sỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, “Nghỉ chân” (khắc gỗ) vẽ giờ phút nghỉ giải lao của các chiến sỹ trên sườn núi, gắn với kỷ niệm thời nhỏ của Thiết Trinh trong những lần chăn trâu, nhìn thấy các chú bộ đội đang luyện tập… Nhưng ở bức “Bác Hồ với nông dân”, Thiết Trinh vẽ mà không hề bị gò bó bởi đề tài. Bức tranh mượt mà, ấm áp với những gam màu nóng, hài hòa đã mang lại cho người xem một xúc cảm đẹp, một niềm kính trọng và tự hào đối với Bác.
“Là người con xứ Nghệ, tôi tự hào được sinh ra trên quê hương của Bác. Bức tranh đó tôi vẽ từ một nỗi đắm say. Đắm say với vẻ đẹp của quê hương, với những người nông dân chân chất, mộc mạc mà cần cù, đôn hậu. Đắm say với vẻ đẹp của tình lãnh tụ với nhân dân”. Họa sỹ Thiết Trinh tâm sự như vậy về bức tranh được tặng thưởng của Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2012.
Ông cũng quan niệm rằng, người làm hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung không chỉ có kỹ thuật tốt mà điều quan trọng hơn là phải đưa được cái tình vào trong tác phẩm. Khi sáng tác, Hồ Thiết Trinh rất chú trọng đến cấu trúc của bức tranh, và các bức vẽ của ông luôn có bố cục vững chắc. Ông không gò mình vẽ theo một trường phái nào, nhưng tự trong cách vẽ của ông mang hơi hướng hiện thực và thoảng chút phong cách biểu hiện.
Thời gian sau này ông thiên về chất liệu khắc gỗ, và quả thực tranh khắc gỗ của Thiết Trinh đã gặt hái được khá nhiều thành công. Tuy nhiên, ở các chất liệu khác, thậm chí ở cả chất liệu acrylic vốn được coi là lĩnh vực “rẽ ngang” trong sáng tác của Hồ Thiết Trinh, ông cũng được bạn bè trong giới đánh giá cao. Giờ đây, tuy sức khỏe không cho phép được dành quá nhiều thời gian để vẽ, tuy hội họa không phải là nơi mà Thiết Trinh có thể coi là nghề kiếm sống, ông vẫn hài lòng, vì theo như ông nói, “dù từng đi lệch hướng sang một ngành khác, cuối cùng tôi vẫn trở về với hội họa và sống trọn đời với nó”.
Chia tay ông, tôi chúc cho ông sức khỏe. Ông nói, đó là cái ông đang cần nhất lúc này, để có thể tiếp tục vẽ. Mà vẽ, là để được sống, để được đắm say...
T.V