Báo Pháp coi hải quân là công cụ cho tham vọng toàn cầu của Trung Quốc
"Giờ đây lợi ích ngoài nước hầu như gắn bó với bản sắc của một Trung Quốc với tư cách một cường quốc".
Tàu hải quân Trung Quốc (Nguồn worldpress). |
Báo Thế giới (Le Monde) của Pháp ngày 28/5 có đăng bài viết với tiêu đề "Hải quân, công cụ cho tham vọng toàn cầu của Trung Quốc" của Brice Pedroletti, phóng viên thường trú của báo tại Bắc Kinh.
Theo bài viết, quan tâm đến việc bảo vệ những lợi ích ngoài nước và kiều dân ở khắp các châu lục, Trung Quốc đang khẳng định quyết tâm trở thành một cường quốc hải quân.
Trong cuốn sách trắng quốc phòng mới công bố ngày 26/5 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quan điểm của các nhà chiến lược nước này nhằm đưa quân đội nắm vai trò lớn hơn trên thế giới.
Việc công bố cuốn sách trắng này được Bắc Kinh giải thích như là một hành động quang minh, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ ở Biển Đông, nơi từ nhiều tháng nay, các công trường bồi đắp đảo của Bắc Kinh là mục tiêu của chiến dịch tố cáo của Washington.
Sách trắng quốc phòng mới xác nhận sự thay đổi cần thiết của một cường quốc thương mại (Trung Quốc) từ nay đã ở tầm vóc toàn cầu. Cuốn sách nhấn mạnh: "An ninh của những lợi ích (của Trung Quốc) về năng lượng và các tài nguyên, về các tuyến đường biển chiến lược, cũng như các cơ sở, con người và hoạt động ở ngoài nước đã trở thành mối quan tâm lớn".
Cuốn sách nhận định: "Với sự mở rộng các lợi ích của Trung Quốc, an ninh quốc gia đã trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những bất ổn khu vực và thế giới, trước chủ nghĩa khủng bố, cướp biển, thảm họa thiên nhiên và các dịch bệnh lớn".
Đây không phải là lần đầu tiên, những "lợi ích ngoài nước" được đề cập trong một văn bản chính thức của Trung Quốc. Nhưng theo tờ Thế giới dẫn lời ông Mathieu Duchâtel, Giám đốc Phòng Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thì "những lợi ích ngoài nước giữ một vị trí chủ chốt trong văn kiện mới này của Trung Quốc".
Còn nhà ngọai giao Đan Mạch Jonas Parello-Plesner thì nói: "Giờ đây lợi ích ngoài nước hầu như gắn bó với bản sắc của một Trung Quốc với tư cách một cường quốc".
Theo ông Mathieu Duchâtel, có hai điều rút ra từ văn bản này, đó là: "Các hoạt động hàng hải trong khu vực và việc bảo vệ những lợi ích ngoài khu vực của một Trung Quốc đang vươn tới tầm vóc toàn cầu hội tụ trong việc xây dựng sức mạnh hải quân Trung Quốc".
Và thứ hai, "Sự thay đổi thái độ là điều rõ ràng so với cuốn sách trắng lần trước, chỉ nhấn mạnh đến sự hợp tác quốc tế của quân đội Trung Quốc trong lòng các đội quân đa quốc gia... Bối cảnh của năm nay khác xa do có sự đối đầu Trung - Mỹ ở Biển Đông và vòng xoay nguy hiểm của giám sát và chống giám sát".
Cũng theo ông Mathieu Duchâtel, "việc giám sát biển thường xuyên mà Hải quân Trung Quốc phải chịu ở Biển Đông giải thích nhiều cho thái độ của Trung Quốc".
Cuộc trao đổi qua radio tuần qua, trước ống kính của CNN, giữa tổ lái một máy bay do thám Poseidon của Mỹ bay trên nhiều bãi đá ở vùng biển Philippines và đội kiểm soát không lưu của hải quân Trung Quốc đã khiến quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng hơn trước thềm cuộc Đối thoại Shangri-La tại Singapore (29-31/5), hội nghị lớn của các bộ trưởng quốc phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong các cuộc trao đổi qua radio ấy, phía Mỹ cố gắng đề cao tự do hàng hải tại các vùng biển, trong khi phía Trung Quốc lại yêu cầu, bằng giọng điệu ngày càng gay gắt hơn, máy bay Mỹ phải ra khỏi khu vực mà Trung Quốc cho là “chủ quyền” của mình.
Lầu Năm Góc đã thông báo dự định phái các tầu chiến và máy bay tới khu vực cách 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc, gây nên phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thậm chí còn kêu gọi "chuẩn bị kỹ càng" một cuộc chiến tranh với Mỹ.
Phát biểu nhân lễ chuyển giao quyền đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương tại Trân Châu cảng ngày 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Mỹ hãy "bay, đi lại và hoạt động ở mọi nơi mà luật quốc tế cho phép". Mỹ hy vọng "dừng ngay lập tức và lâu dài các dự án bồi đắp đảo của Trung Quốc và những nước liên quan", và lên án Bắc Kinh "qua các hành động ở Biển Đông đã đi trệch các tiêu chuẩn quốc tế nền tảng của cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương".
Ông Mathieu Duchâtel cho rằng khái niệm "tự do hàng hải" mà Mỹ bảo vệ đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh qua cuốn Sách trắng mới này với quan điểm "phòng vệ ở biển xa". Theo ông, quan điểm ấy nêu ý tưởng về "một con đường được bảo đảm an ninh cho tầu thuyền Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế". Vấn đề là xem xem Trung Quốc thực hiện ra sao./.
(Theo VOV)
TIN LIÊN QUAN