Tăng giá trị sản phẩm nghề biển ở Quỳnh Lập
(Baonghean) - Phát huy lợi thế vùng ven biển, xã Quỳnh Lập đẩy mạnh khai thác hải sản, xem đó là ngành kinh tế mũi nhọn. Chính vì vậy, ngư dân nơi đây đã nỗ lực đóng tàu to, máy lớn, vươn khơi đánh bắt xa bờ, cùng đó, đẩy mạnh liên kết trong khâu dịch vụ nghề cá, đảm bảo cho nghề biển phát triển bền vững.
Những năm 2005 trở về trước, Quỳnh Lập là một xã khó khăn trong giải quyết đầu ra cho sản phẩm đánh bắt hải sản, bởi xã chưa có bến cá. Hàng trăm tàu, thuyền sau khi từ biển trở về, phải đưa sản phẩm sang phường Quỳnh Phương để bán; khâu tiêu thụ chậm, ảnh hưởng đến sản xuất. Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, những năm qua, chính quyền địa phương đã chú trọng đẩy mạnh 3 lĩnh vực: Khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Lao động làm việc tại cơ sở hấp sấy cá Hội Châu, xã Quỳnh Lập. |
Để thực hiện các mục tiêu, UBND xã Quỳnh Lập có chủ trương đấu thầu, cho thuê đất xây dựng các bến cá. 2 bến cá được xây dựng với sự đồng ý của UBND tỉnh, đó là bến cá của Hợp tác xã Đoàn Kết và Công ty cổ phần Liên Thành. 2 bến cá này đi vào hoạt động từ năm 2008, tạo thuận lợi trong bao tiêu sản phẩm cho ngư dân, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên bờ, đặc biệt là phụ nữ.
Chị Trần Thị Hoa ở xóm Hợp Tiến tâm sự: “Trước đây chị em Quỳnh Lập chỉ biết trông cậy vào từng chuyến biển của chồng bởi xã không có bến cá, thuyền về phải sang tận Quỳnh Phương để bán... Giờ thuyền về tại địa phương, có việc làm ổn định. Trên địa bàn xã còn có các lò hấp sấy lớn, chưa kể các cơ sở thu mua hải sản luôn cần lao động, nên mỗi ngày chị em có thể kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng, có thời điểm 500 nghìn đồng/người/ngày...”.
Còn chị Nguyễn Thị Hải có “thâm niên” 5 năm làm công tại cơ sở hấp sấy cá Hội Châu cho biết: Mỗi tháng có thu nhập ổn định 5 triệu đồng, chị em phấn khởi lắm, bởi có việc làm, thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Cơ sở hấp sấy cá Hội Châu đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho trên 100 lao động, chủ yếu là phụ nữ trên địa bàn xã.
Hiện trên địa bàn xã Quỳnh Lập có 5 lò hấp, sấy cá, 1 nhà máy chế biến bột cá, 7 kho đông lạnh, tiêu thụ hải sản từ 25.000 đến 29.000 tấn/năm. Bên cạnh đó còn có các cơ sở thu mua hải sản nhỏ lẻ cũng hoạt động hiệu quả.
Ông Trần Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi thành lập được 2 bến cá, xã đứng ra hỗ trợ bà con ngư dân vay vốn ngân hàng để phát triển nghề cá; tạo điều kiện, chính sách hỗ trợ cho ngư dân mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghề biển. Toàn xã có 265 tàu, thuyền, trong đó, đánh bắt xa bờ 165 chiếc, tổng sản lượng đạt trên 30.000 tấn/năm. Từ khi có 2 bến cá, nhà máy xay bột cá, các lò hấp sấy cá, kho đông lạnh... sản phẩm đánh bắt của ngư dân được tiêu thụ hết và tạo thêm việc làm cho lao động trên bờ.
Thu Hương