Khôi phục xác 'hóa đá' trong thảm họa núi lửa 2.000 năm trước

22/05/2015 18:43

Các nhà khoa học lần đầu tiên khôi phục các cơ thể "hóa đá", trong đó có hình ảnh người mẹ và một đứa trẻ trong trạng thái hoảng sợ, khi thảm họa núi lửa chôn vùi thành phố Pompeii của Italy cách đây gần 2.000 năm.

 Hình ảnh em bé và người mẹ trong thảm họa Pompeii. Ảnh: Splash News
Hình ảnh em bé và người mẹ trong thảm họa Pompeii. Ảnh: Splash News

Tại khu vực khai quật khảo cổ Pompeii, nhóm nghiên cứu đang khôi phục 86 phôi tượng "hóa đá". Đây là nạn nhân trong thảm họa thiên tai cách đây hơn 1.900 năm, khi núi lửa Vesuvius phun trào dữ dội vào năm 79 sau Công nguyên, chôn vùi thành phố Pompeii dưới những lớp đá và tro bụi dày.

Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện những hốc rỗng dưới lớp tro núi lửa, nơi nạn nhân bị vùi lấp bên dưới. Họ lấp đầy chúng bằng thạch cao để phác thảo hình dáng của người thiệt mạng. Trong số đó có hình ảnh một đứa trẻ đang ngồi trên bụng mẹ, trong khi người mẹ dường như rất sợ hãi. Đây có thể là một bé trai, tầm 4 tuổi, trú ẩn cùng gia đình khi thảm họa xảy ra.

Nhóm chuyên gia cho hay dựa trên hình dạng của các tượng thạch cao, họ có thể xác định nạn nhân bị mắc kẹt trong tòa nhà trú ẩn cùng gia đình, cho thấy họ đã chết hay sợ hãi như thế nào.

Theo Mirror, nghiên cứu năm 2010 chỉ ra rằng hoạt động phun trào của núi lửa Vesuvius đã tạo ra mức nhiệt lên đến 300 độ C. Cùng với Herculaneum, thành phố Pompeii đã bị phá hủy và hàng nghìn người bị người chôn vùi vĩnh viễn. Giải thích về các tư thế người méo mó, chuyên gia núi lửa Giuseppe Mastrolorenzo nhận định đây không phải tác động của một cơn hấp hối kéo dài, mà có thể do hiện tượng sốc nhiệt.

Theo VnExpress