Gắn đào tạo giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động

04/05/2015 17:23

(Baonghean.vn) - Thực hiện kế hoạch giám sát việc thực hiện công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, ngày 4/5, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã có cuộc giám sát tại huyện Đô Lương.

Toàn cảnh cuộc làm việc
Toàn cảnh cuộc làm việc

Trước khi có cuộc làm việc với UBND huyện vào buổi chiều, buổi sáng đoàn công tác đã dành thời gian giám sát trực tiếp công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tại Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật; Công ty TNHH Nguyên Nghĩa và UBND xã Lưu Sơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ một số khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ một số khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện

Hiện mạng lưới dạy nghề huyện Đô Lương được thiết lập từ huyện đến các xã, thị trấn, gồm 2 cơ sở dạy nghề; Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục chính trị huyện và 33 trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã. Công tác đào tạo nghề ngày càng mở rộng về quy mô, đa dạng hóa về hình thức và cơ cấu ngành nghề. Thực tiễn đào tạo nghề trên địa bàn huyện được tập trung chủ yếu theo hệ trung cấp, sơ cấp nghề; đối tượng cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho học sinh THCS; đào tạo nghề theo nhu cầu các doanh nghiệp và đào tào nghề cho lao động xuất khẩu lao động. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên theo từng năm, từ 22,3% (năm 2011) lên 35,5% (năm 2014). Do công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu đào tạo của người học, cho nên số lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm tỷ lệ khá cao.

Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Đô Lương Trần Đình Trung báo cáo kết quả công tác đào tạo nghề của nhà trường
Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Đô Lương báo cáo kết quả công tác đào tạo nghề của nhà trường

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay số lao động được đào tạo nghề đạt thấp hơn chỉ tiêu đào tạo được tỉnh giao, nguyên nhân chính là do tâm lý người học không thích học nghề. Công tác đào tạo nghề chưa tạo được mối liên kết giữa cơ sở dạy nghề với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; định hướng đào tạo chưa sát với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường. Công tác xã hội hóa về nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề chưa được nhiều. Huyện cũng đang còn lúng túng trong công tác đào tạo nghề, chủ yếu đào tạo dựa trên kế hoạch của tỉnh giao.

Ông Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế, Thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị huyện làm rõ một số vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện

Ông Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế, Thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị huyện làm rõ một số vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện

Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tôn Thị Cẩm Hà phát biểu tại cuộc giám sát
Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tôn Thị Cẩm Hà phát biểu tại cuộc giám sát

Sau khi nghe các thành viên đoàn giám sát tham gia ý kiến làm rõ những khó khăn, bất cập trong công tác đào nghề trên địa bàn huyện, bà Tôn Thị Cẩm Hà - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cho rằng, huyện và các cơ sở đào tạo cần xác định quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo để tập trung đầu tư về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu; đồng thời tăng cường liên kết với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để đào tạo có địa chỉ, một mặt gắn với định hướng phát triển kinh tế của huyện nhằm giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Huyện cũng cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Minh Chi