Nâng chất lượng đàn vật nuôi từ quản lý tốt nguồn giống

05/05/2015 11:23

(Baonghean) - Trong năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ NN&PTNT đưa ra là tăng cường quản lý lợn giống làm tiền đề cho công tác quản lý giống vật nuôi nói chung. Tuy nhiên, tại Nghệ An, vấn đề này hiện tồn tại khá nhiều bất cập.

Là huyện trung du miền núi, Thanh Chương có nền chăn nuôi khá phát triển. Trong tổng số hơn 300 trang trại, gia trại trên địa bàn, chủ yếu là chăn nuôi gia súc và gia cầm, một số ít trồng rừng. Theo ông Lê Đình Thanh (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương), thì hiện tại việc cung ứng nguồn lợn giống trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn.

Ở các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, người dân chủ yếu tự túc về nguồn lợn nái, dùng hình thức truyền tinh nhân tạo để sản xuất giống lợn con hoặc mua lợn giống của các cơ sở sản xuất giống. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng ở một số thời điểm, nguồn giống không đủ cung, bà con phải đi mua giống từ các tỉnh khác, vừa "đội" chi phí, vừa không ổn định. Các hộ nuôi nhỏ lẻ hầu hết đều nhân giống lợn bằng hình thức thuê lợn đực nhảy trực tiếp, chất lượng con lợn đực giống cũng như đàn lợn giống chưa được kiểm soát, an toàn dịch bệnh không đảm bảo.

Quản lý giống vật nuôi là vấn đề được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định đến sự thành bại của cả quá trình nuôi. Trong đó, có hai đối tượng cần chú trọng là con nái mẹ và con đực cho giống, bởi nếu một con đực giống được kiểm soát tốt về chất lượng, sẽ giúp kiểm soát được 50% tiến độ di truyền của đàn vật nuôi sau này, kể cả nuôi thương phẩm và nuôi giống. Xác định được tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, tạo và quản lý nguồn giống vật nuôi nói chung, nguồn lợn giống nói riêng đã được tỉnh ta quan tâm thực hiện. Theo ông Lưu Công Hòa (Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở NN&PTNT), việc triển khai chương trình truyền tinh nhân tạo được coi là biện pháp chủ lực của công tác này, thực tế một con lợn đực giống sẽ có thể "phụ trách" việc phối giống cho 300 - 500 con lợn nái/năm.

Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được hệ thống các trạm truyền tinh nhân tạo ở các huyện, đồng thời duy trì các trại giống tư nhân ở Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành... Tại đây, hàng năm vẫn tiến hành bình tuyển, kiểm tra để đánh giá, chọn lọc những con lợn giống có chất lượng tốt, nguồn tinh tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh và có tính trạng di truyền cao để sản xuất tinh. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở chăn nuôi lợn giống gốc; 10 trang trại sản xuất giống lợn ngoại và 10 điểm giống sản xuất lợn Móng Cái. Hàng năm, các cơ sở này sản xuất được khoảng 4.000 con lợn nái giống và 180 nghìn con giống lợn nuôi thương phẩm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nuôi lợn thịt cũng như thay thế và phát triển đàn nái bố mẹ hằng năm.

Riêng tại Công ty TNHH giống lợn ngoại Thái Dương, ông Trần Quang Trung - Quản đốc Công ty cho biết: Với quy mô 7 trại giống và hàng chục trại gia công, mỗi năm Công ty cung cấp 60 nghìn con lợn giống ra thị trường. Các giống lợn được sản xuất bởi các giống gốc từ các nước phát triển về chăn nuôi như Canada, Đan Mạch…, nhìn chung đảm bảo chất lượng, đàn vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình nên đảm bảo về an toàn dịch bệnh.

Tuy vậy, có thể thấy, dù nguồn cung ứng giống vật nuôi của tỉnh khá dồi dào thì cũng chỉ mới đáp ứng được hơn một nửa nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh và vẫn còn khoảng 40% nhu cầu nguồn giống hiện nay phụ thuộc vào các hộ gia đình, các trang trại có xuất xứ từ lợn thương phẩm tự nuôi với quy trình sản xuất không đạt yêu cầu, dẫn đến con giống kém chất lượng. Ông Lê Công Lai, ở xóm 7, xã Thượng Sơn (Đô Lương) có gia trại chăn nuôi quy mô 70 con lợn thịt, chia sẻ: Do gia đình chưa tự túc được nguồn giống lợn nên phải lấy tại các hộ sản xuất giống tại địa phương và một phần của trạm giống huyện Đô Lương, nhìn chung chất lượng giống chưa cao, sản phẩm lợn thịt chưa đáp ứng được yêu cầu.

Là một trong những địa phương có nền chăn nuôi khá phát triển, đến cuối năm 2014, Hưng Nguyên có trên 22.500 con lợn. Theo thống kê từ phòng Nông nghiệp huyện, toàn huyện có gần 15 trang trại chăn nuôi có từ 100 - 150 con lợn, đặc biệt trong đó có trang trại của gia đình ông Trần Quốc Trung (xã Hưng Đạo) có tổng đàn lên tới gần 1.000 con, mỗi năm xuất bán 200 - 300 con lợn thịt, ngoài ra là lợn giống. Số còn lại, bà con chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ hoặc mỗi hộ có 50 - 70 con lợn được đưa ra nuôi tập trung ở các cánh đồng theo quy hoạch của địa phương.

Bà Bá Thị Dung (cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên) cho biết: Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, nguồn giống lợn được tự túc bằng đàn lợn nái của trang trại hoặc nhập từ các đơn vị sản xuất giống như công ty CP, các trại giống ở Thanh Chương, Nam Đàn. Tuy nguồn cung có lúc lâm vào tình trạng thiếu, thừa cục bộ, nhưng nhìn chung chất lượng nguồn lợn giống này khá đảm bảo, các trang trại hầu hết rất chú trọng đến vấn đề phối giống đúng quy trình, chọn con giống đảm bảo chất lượng cũng như tiêm phòng đầy đủ. Nhưng với các hộ dân nuôi nhỏ lẻ, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập và không kiểm soát được. Người dân hoặc cho lợn nhảy trực tiếp, hoặc mua nguồn tinh không đảm bảo chất lượng với mức giá thấp hơn. Đó là chưa kể, trong quá trình đi lấy tinh, việc bảo quản nguồn tinh không đảm bảo đúng yêu cầu về kỹ thuật khi vận chuyển cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tinh. Việc tiêm phòng cho con giống cũng hầu như chưa được bà con quan tâm tự giác thực hiện.

Nghệ An có tổng đàn gần 1 triệu con lợn, chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chiếm khoảng 80%. Phương thức sản xuất giống lợn chủ yếu mang tính tự phát, kết quả lai tạo giống không cao. Cộng với đó, người dân vẫn có thói quen mua giống không kiểm soát kỹ chất lượng, nguồn gốc nên hạn chế rất lớn đến năng suất, chất lượng tổng đàn cũng như an toàn dịch bệnh. Thực tế, chương trình truyền tinh nhân tạo, cung ứng nguồn giống lợn đảm bảo mới chỉ thực hiện tốt ở vùng đồng bằng và một số xã ở các huyện miền núi thấp, còn lại gần 50% con nái vẫn đang phải sử dụng hình thức nhảy phối giống trực tiếp thông qua những con đực được nuôi trong dân. Với hình thức này, buộc phải chọn những con lợn đực giống địa phương, có tầm vóc vừa phải để phù hợp với thể trạng của con nái, dẫn đến hạn chế trong chọn lọc, đưa những con giống tốt có tầm vóc cao to, có các tính năng di truyền tốt vào nhân giống.

Cùng với đó, quá trình vận chuyển con lợn đực giống từ vùng này sang vùng khác sẽ dễ dẫn đến khả năng nhiễm và lây truyền các loại bệnh dịch. Chưa kể khả năng đáp ứng phối giống của con lợn đực giống qua hình thức nhảy trực tiếp là rất hạn chế so với phương pháp truyền tinh nhân tạo, nên sẽ cần một lượng rất lớn lợn đực giống để đáp ứng đủ nhu cầu tạo nguồn giống trên địa bàn. Trên thực tế, chúng ta cũng chưa có biện pháp quản lý tốt đàn lợn nhảy trực tiếp này, đa phần hình thức này tồn tại trong người dân, hầu như chưa quản lý được về chất lượng, truy nguyên nguồn gốc, chưa thực hiện được việc ghép đôi giao phối để tránh hiện tượng giao phối cận huyết dẫn đến suy thoái cải tạo đàn giống và ảnh hưởng đến chất lượng đàn.

Trong chủ trương của Bộ NN&PTNT, thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng bình tuyển, đánh giá, phân loại đối với đàn lợn đực, chọn ra những con lợn đực giống đủ tiêu chuẩn để giới thiệu cho người dân nhằm nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi. Để có thể kiểm soát được chất lượng đàn lợn giống, trước hết cần tổ chức quản lý tốt các cơ sở sản xuất giống, các trang trại sản xuất giống thương phẩm cũng như các vùng giống, thông qua công tác bình tuyển, đánh giá hàng năm để sản xuất con giống thương phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn về dịch bệnh nhằm phục vụ nhu cầu tăng đàn cũng như thay thế đàn hàng năm của người dân.

Đồng thời, tổ chức tốt việc kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá các chương trình, dự án đưa con giống vào cho dân, cả về chất lượng và an toàn dịch bệnh. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo giống, chọn lọc và bình tuyển chất lượng các con giống tốt để xây dựng các mô hình chăn nuôi, sản xuất giống trong dân, đáp ứng nhu cầu về nguồn lợn giống. Đối với hình thức chăn nuôi nông hộ bản địa, cần xây dựng các mô hình để phát huy các tính trạng tốt cũng như bình tuyển, đánh giá chất lượng con giống địa phương. Đặc biệt, phải luôn có lượng con giống địa phương phù hợp cho địa bàn các huyện miền núi cao, dọc biên giới với các loại giống đặc sản như lợn nít, lợn đen, vừa phù hợp với điều kiện chăn nuôi thực tế của người dân, vừa mang lại hiệu quả cao về kinh tế.

Phú Hương