Thêm yêu và tự hào
(Baonghean) - Những ngày tháng Năm này, bên cạnh những “đại tiệc” âm nhạc như Liên hoan dân ca Việt Nam và Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn quốc, những người yêu mến nghệ thuật xứ Nghệ còn có thể thưởng thức một “món ăn” tinh thần khác là điện ảnh với Đợt phim kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TIN LIÊN QUAN
Đợt phim do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức công chiếu từ ngày 12-20/5 trên địa bàn Thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, Thị xã Cửa Lò, gồm 3 bộ phim điện ảnh về đề tài cách mạng và lãnh tụ Hồ Chí Minh là: “Thầu Chín ở Xiêm”, “Những đứa con của làng” và “Đường xuyên rừng”, cùng bộ phim tài liệu: “Đỉnh cao chiến thắng”. Đây là những phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng sản xuất theo đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong đó, “Thầu Chín ở Xiêm” là bộ phim lịch sử mới nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh, kể về quãng thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (có biệt danh Thầu Chín) trong những năm 1928-1929 ở Thái Lan, xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Phim đã ghi lại khá chân thực cuộc hành trình của Bác từ Băng Cốc đến Phì Chịt, Udon Thani, Sacon Nakhon…, đồng thời diễn tả sinh động những tâm tư rất cá nhân nhưng cũng rất cao đẹp, rất con người, rất lãnh tụ ở Bác. Đặc biệt, những chi tiết “đắt” như Bác nhờ người bạn về quê đem sang cho mình một chút đất lấy từ xứ Nghệ khiến người xem vô cùng xúc động. Đạo diễn Bùi Tiến Dũng đã xây dựng thành công nhân vật lịch sử Nguyễn Ái Quốc - một con người có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp bình dị đời thường và vẻ đẹp của một vĩ nhân mang tầm thời đại.
Bộ phim về đề tài chiến tranh “Đường xuyên rừng” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Con đường xuyên rừng” của nhà văn Lê Văn Thảo, tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012. Bộ phim khắc họa hình ảnh những người lính dũng cảm, mưu trí, có trách nhiệm với đồng đội khi bị rơi vào hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh như đói khát, bệnh tật, bom đạn, những trận càn khủng khiếp. Bộ phim tiếp cận và phản ánh chiến tranh trung thực, giản dị, sống động với góc nhìn đa chiều và nhân văn, mà ở đó nổi bật là tình đồng chí, đồng đội, đồng bào và cả tình yêu đôi lứa. Còn bộ phim “Những đứa con của làng” lại khai thác đề tài hậu chiến, xoay quanh câu chuyện tại một làng quê miền Trung, với những người dân nghèo nỗ lực vượt qua nỗi đau quá khứ để có một tương lai tươi sáng.
Bộ phim tài liệu duy nhất trong đợt phim này “Đỉnh cao chiến thắng” phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Bộ phim đưa đến một cái nhìn toàn cảnh về mưu đồ xâm lược của Mỹ, từ việc gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ (1964) tới việc mở cuộc tổng không kích vào miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 12/1972. Bốn tập phim (120 phút) đã khái quát được bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược phi nhân tính của đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh vĩ đại, chính nghĩa, mang đậm chất anh hùng ca của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bốn bộ phim với những đề tài khác nhau nhưng đều hướng đến tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Minh Quân