Hiệu quả những mô hình chuyển giao...
(Baonghean) - Với nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, hàng năm trạm khuyến nông các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã chọn những giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao để xây dựng mô hình, chuyển giao cho bà con nông dân. Những mô hình đó đã đem lại kết quả: Thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo.
Về huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai ngày Rằm, mồng Một âm lịch, các đến chợ quê thấy bà con bày bán thanh long quả nhỏ, mẫu mã không bóng bẩy như thanh long đưa từ miền Nam ra, nhưng ăn ngọt hơn, vị đậm đà hơn, từ đó được mọi người ưa chuộng hơn. Đó là sản phẩm từ kết quả của công tác khuyến nông.
Đầm tôm nuôi thâm canh ở phường Quỳnh Dỵ, TX Hoàng Mai |
Trước 2010, thanh long chưa từng có mặt ở Quỳnh Lưu, trăn trở với việc tìm giống cây gì phù hợp với loại đất sỏi của vùng bán sơn địa, với kinh phí hơn trăm triệu đồng từ nguồn ngân sách của huyện, Trạm Khuyến nông Quỳnh Lưu xây dựng mô hình thanh long ruột trắng. Sau vài chuyến tập huấn học nghề tại vùng đất Ninh Thuận - “xứ sở” của thanh long, vườn thanh long 5 sào đầu tiên được xây dựng ở Quỳnh Lộc (nay tách về TX. Hoàng Mai). Sau hơn 1 tháng trồng thanh long bén rễ, những nụ mầm vừa hé thì bị sâu bệnh tấn công, cả vườn thanh long tơi tả. Không nản chí, cán bộ kỹ thuật của trạm cùng với chủ vườn lại chắt chiu từng mồi giống, trồng dặm, chăm sóc… Cây không phụ người. Sau 1 năm trồng, lứa thanh long đầu tiên chín rộ. Hội thảo đầu bờ được tổ chức. Nếm thử thanh long sản phẩm của quê nhà ai cũng mừng vui tấm tắc: vị ngọt đậm đà, không chua như thanh long miền Nam, điều đó đã được ghi nhận. Và cây thanh long theo chân người nông dân tham dự hội thảo đi khắp vùng miền Trung; ngoài huyện.
Hôm nay về Tân Thắng, Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu)… đến đâu chúng ta cũng có thể gặp thanh long, nhà ít dăm, bảy trụ, nhà nhiều hàng chục trụ; thanh long còn tập trung thành vườn, diện tích lên đến hàng chục ha. Theo ông Nguyễn Anh Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quỳnh Lưu, hiện nay diện tích trồng thanh long tập trung, phân tán đã lên đến hơn 100 ha. Thanh long đang là cây cho thu nhập ổn định trên vùng đất đồi núi bạc màu mà khó có thể trồng được các loại cây khác; mỗi ha cho lãi ròng lên đến 50 - 70 triệu đồng/năm. Mô hình thanh long được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất của huyện từ hiệu quả kinh tế đến tốc độ lan tỏa. Từ một giống cây ngoại lai, nay thanh long đã trở thành cây bản địa của huyện Quỳnh Lưu.
Trăn trở cùng bà con để vươn lên làm giàu, Trạm Khuyến nông Quỳnh Lưu đã không ngừng tìm tòi để cây, con có hiệu quả kinh tế cao vào thử nghiệm. Từ cao su tiểu điền, dứa cay-en đến mít Thái, quýt PQ. Sau thanh long, thì quýt PQ đang được đánh giá cao. Năm 2011, gia đình anh Trần Duy Long ở xóm 26/3 xã Tân Thắng triển khai mô hình trồng quýt 2 sào, sau 3 năm trồng, đến năm 2014 đã cho thu hoạch lãi ròng hơn 12 triệu đồng. Từ kết quả đó, năm 2015 anh đã tự bỏ vốn tăng diện tích trồng quýt lên gấp đôi. Trong xã Tân Thắng hiện đã có 5 ha chuyển từ trồng dưa sang trồng cam quýt. Và diện tích toàn huyện Quỳnh Lưu thì đã lên đến hàng chục ha.
Cán bộ Trạm Khuyến nông Diễn Châu kiểm tra mô hình dưa lê tại xã Diễn Tháp. |
Về Diễn Châu những ngày hè nóng nực, ven Quốc lộ 1 đoạn qua xã Diễn Kỷ, Diễn Hồng… những quầy bán dưa lê được tập trung ngay tại chân ruộng, để giúp cho hành khách giảm bớt cái nóng nực của những ngày hè oi bức. Bà Nguyễn Thị An ở xóm 1, xã Diễn Kỷ cho chúng tôi biết. Đã 5 năm nay bà chuyển 4 sào đất trước đây trồng lạc, ngô sang trồng dưa. Một năm 2 vụ dưa, 1 vụ lạc hoặc đậu. Mỗi sào dưa cho thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/vụ cao hơn trồng lạc nhiều lần. Trước đây, khi khuyến nông huyện chưa đưa cây dưa về là bà con chỉ trồng lạc, vừng, ngô. Từ ngày có cây dưa bà con bỏ hẳn cây trồng khác để tập trung cho cây dưa.
Theo ông Hoàng Văn Hảo, Trạm phó Trạm Khuyến nông Diễn Châu, người đã có công đưa cây dưa về đây; nhận thấy dưa lê là cây cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2010, trạm chọn làm cây để chuyển giao cho bà con. Ngày đầu triển khai, cán bộ của trạm phải đến từng hộ dân trong vùng quy hoạch để tuyên truyền, vận động, phát từng hạt giống đến tay hộ dân, chuyển giao kỹ thuật… Có những hộ trục trặc kỹ thuật hoặc bị sâu hoại cắn phá, bà con phàn nàn, chỉ trích cán bộ trạm. Nhưng với quyết tâm, đến hôm nay dưa lê đã khẳng định được vị thế, cùng với dưa hấu, lạc tạo nên những cây trồng chủ lực cho thu nhập cao trên 300 ha ruộng màu trên toàn huyện. Công thức luân canh được xác lập: Dưa (dưa hấu, lê) - ngô - lạc, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ha. Số diện tích cho thu nhập cao hiện đang được nhân rộng ra trên địa bàn huyện Diễn Châu, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Diễn Châu trước đây là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất lúa lai. Khi năng suất đã kịch trần, cái đói được giải quyết, nhu cầu của xã hội tìm đến với những sản phẩm sạch hơn, ngon hơn, Trạm Khuyến nông huyện lại tiên phong trong phong trào phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất cung ứng giống, tổ chức giới thiệu, trình diễn các giống lúa thuần chất lượng cao. Từ mô hình trình diễn các giống lúa như Thái Xuyên, Thiên ưu 8, ZDO1, Bắc thơm, nếp… đã nhanh chóng được phổ biến. Đến nay có hơn 70% diện tích là lúa thuần chất lượng cao, lúa lai chỉ chiếm không đến 30% trên địa bàn của huyện. Vụ hè thu 2014, trạm tổ chức cho các hợp tác xã tham quan mô hình trình diễn dòng Thiên ưu 8 tại Yên Thành, vụ đông xuân 2015 có gần 20 ha sản xuất bằng giống lúa này. Từ kết quả của gần 20 vụ đông xuân, vụ hè thu năm nay Thiên ưu 8 đã trở thành giống cơ cấu chính với diện tích 4.500 ha, chiếm 50% diện tích lúa của toàn huyện.
Với vai trò là cầu nối trong chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật tới tay người nông dân, trong những năm qua mạng lưới khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã chuyển giao hàng trăm tiến bộ, khoa học kỹ thuật tới tay người nông dân. Từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đã giúp người nông dân thay đổi cách làm, áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu.
Anh Tuấn