Sở NN&PTNT chỉ đạo xử lý vấn đề công trình nước sinh hoạt tự chảy ở miền núi bị bỏ hoang

22/06/2015 09:20

(Baonghean) - Báo Nghệ An ngày 10/5/2015 có bài viết: "Đầu tư và sử dụng nhiều công trình nước sinh hoạt tự chảy ở miền núi: Nhiều công trình bị bỏ hoang". Ngày 12/6/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 1327/SNN-KHTC xử lý vấn đề báo nêu, nội dung như sau:

TIN LIÊN QUAN

Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện: Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Anh Sơn kiểm tra thực tế các công trình và xin báo cáo UBND tỉnh như sau:

Kết quả đầu tư xây dựng và hiện trạng quản lý sử dụng công trình:

Các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy trên địa bàn 3 huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Anh Sơn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn: ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ... theo nhiều chương trình, dự án khác nhau, trong đó chủ yếu là các Chương trình: 135/CP, CT 134/CP, định canh định cư, kinh tế mới, các tổ chức NGO..., đa số các công trình được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước những năm 2000. Hình thức đầu tư các công trình chủ yếu là dạng cấp nước tự chảy, dẫn nước đến các bể công cộng để cấp nước cho các cụm dân cư. Nguồn nước chủ yếu sử dụng nước mặt từ các khe suối, cấp nước cho từng bản hoặc nhiều bản với lưu lượng 100 - 200m3/ngày đêm.

Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, trên địa bàn 3 huyện này hiện có 212 công trình cấp nước tự chảy (Kỳ Sơn: 168 công trình, Quỳ Châu: 36 công trình và Anh Sơn: 8 công trình).

Về công tác đầu tư và hiện trạng quản lý: Các dự án cấp nước sinh hoạt tại 3 huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Anh Sơn hầu hết do UBND huyện làm chủ đầu tư, một số ít dự án giao cho UBND xã trực tiếp làm chủ đầu tư triển khai thực hiện. Sau khi hoàn thành, công trình được bàn giao cho UBND xã hoặc các đơn vị khác (như Trạm Thủy nông huyện Quỳ Châu) và cộng đồng quản lý sử dụng. Tuy nhiên công tác quản lý, sử dụng sau đầu tư còn nhiều bất cập, rất nhiều công trình chưa được tổ chức quản lý một cách bài bản, đúng quy trình: thiếu các quy chế, quy định, tài liệu hướng dẫn vận hành, không có chi phí cho công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành.

Về hiệu quả sử dụng của các công trình:

Việc xác định tình trạng hoạt động của công trình dựa vào các tiêu chí theo hướng dẫn tại Quyết định số 2570/QD.BNN.TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể là đánh giá về tổ chức, nhân sự quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình (có hay không tổ chức quản lý vận hành, công tác đào tạo, hướng dẫn...); hiệu suất hoạt động (trên cơ sở công suất hiện tại và công suất thiết kế); đảm bảo phí cho quản lý vận hành; thất thoát nước; nguồn nước cấp và chất lượng nước đầu ra. Riêng loại công trình không hoạt động được tính khi có 3 tháng liên tục không cấp nước. Tính bền vững, hiệu quả sử dụng công trình được phân loại theo 3 nhóm: Loại công trình bền vững, hiệu quả; loại công trình kém hiệu quả và loại công trình không hoạt động.

Với tiêu chí đánh giá như trên, qua kiểm tra, rà soát 212 công trình tại 3 huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Anh Sơn: hiện có 147 công trình hoạt động có hiệu quả (chiếm 69%); 44 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 21%) và 21 công trình ngừng hoạt động ít nhất 3 tháng (chiếm 10%)

Nguyên nhân các công trình hoạt động kém hiệu quả, hoặc không hoạt động

Về khách quan: - Các công trình nước tự chảy xây dựng ở vùng miền núi với địa hình phức tạp, tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá và cách xa khu dân cư nên khó bảo quản, trông coi. Những năm gần đây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên dẫn đến công trình hư hỏng nhiều, nhất là đập dâng nước, tuyến đường ống đi qua các khe suối;

- Các công trình cấp nước tự chảy sử dụng nguồn nước mặt, trong khi đó nguồn nước mặt ngày càng suy giảm, cạn kiệt, chất lưọng kém, trong lúc đó nhu cầu sử dụng ngày càng cao nên dẫn đến nhiều công trình không đủ nguồn nước cung cấp hoặc chỉ đủ cho một vài cụm dân cư, làm giảm hiệu quả đầu tư của công trình.

Về chủ quan: - Công tác truyền thông, vận động cộng đồng chưa được chú ý trong quá trình thực hiện dự án. Chưa tạo được ý thức trách nhiệm của người sử dụng về trách nhiệm bảo vệ, nghĩa vụ đóng góp trong quá trình sử dụng, bảo quản công trình. Quá trình triển khai dự án chỉ chú trọng công tác xây lắp mà không tập trung triển khai các hoạt động khác như: đào tạo, hướng dẫn cộng đồng về sửa chữa, bảo dưỡng công trình, hướng dẫn về công tác tổ chức quản lý vận hành, xây dựng và thông qua quy chế sử dụng;

- Công tác quản lý vận hành sau đầu tư xây dựng không được chính quyền địa phương, đơn vị sử dụng quan tâm cả về hình thức tổ chức quản lý, đào tạo hướng dẫn, chu cấp các công cụ, dụng cụ sửa chữa hiện trường đến hỗ trợ ban đầu một phần chi phí cho công tác này. Do không có tổ chức quản lý sử dụng nên người hưởng lợi, thụ hưởng dự án chỉ biết khai thác sử dụng, thiếu ý thức bảo vệ giữ gìn. Các hư hỏng sự cố ban đầu nhỏ không được khắc phục kịp thời đã ảnh hưởng đến các hạng mục khác, và đôi khi làm cả công trình xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến "bỏ hoang" như báo đã nêu. Nhiều công trình xảy ra hiện tượng tự đào, tháo lắp thêm đường ống dẫn nước cho các mục đích khác nhau, dẫn đến thiếu nước tại một số điểm, cụm dân cư;

- Trong kế hoạch thực hiện hàng năm, các địa phương ít chú ý đến việc sửa chữa, nâng cấp các công trình, hầu hết chỉ tập trung đầu tư xây dựng mới. Chất lượng công trình từ khâu khảo sát điều tra ban đầu đến thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng chưa thật chặt chẽ, làm giảm tính bền vững của công trình.

Kiến nghị hướng xử lý

Việc phản ánh của Báo Nghệ An là đúng với tình hình thực tế; những tồn tại về công trình nước sinh hoạt tại 3 huyện nói trên là tình trạng chung của hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn các huyện miền núi. Kết quả đánh giá theo hướng dẫn của Thông tư 54/2013/TT-BTC Bộ Tài chính do Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện như sau: Trong tống số 490 công trình trên toàn tỉnh đã đầu tư đưa vào sử dụng, hiện có 119 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 24%) và 111 công trình ngừng hoạt động (chiếm 23%).

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tại miền núi và khắc phục các các tồn tại nói trên, trước mắt đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã kiểm tra, đánh giá cụ thể và cho sửa chữa ngay các công trình hư hỏng để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung triển khai các nội dung sau:

- Trình UBND tỉnh cho thực hiện Đề án điều tra, khảo sát nâng cấp, sửa chữa 227 công trình nước sạch bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có các công trình của 3 huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Anh Sơn (theo thỏa thuận hỗ trợ số 71668 được ký ngày 22/5/2015 giữa Đại sứ quán Úc và Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT NT Nghệ An).

- Phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương tiếp tục thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính để giao đơn vị quản lý, sử dụng công trình nước sạch theo quy định.

Trên đây là nội dung giải trình những vấn đề liên quan đến công trình nước sinh hoạt mà Báo Nghệ An nêu ngày 10/5/2015, Sở Nông nghiệp & PTNT xin báo cáo để UBND tỉnh được biết và chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý Báo.

Sở NN&PTNT Nghệ An