Hiệu quả ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt

09/06/2015 08:28

(Baonghean) - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là yêu cầu bức thiết để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Những năm qua, huyện Tân Kỳ thực hiện thành công một số mô hình ứng dụng KHCN vào trồng trọt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu cho người dân.

Với gần 8.000 ha mía, Tân Kỳ được xem là một trong những vùng trọng điểm về sản xuất mía của tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn diện tích mía nguyên liệu quy hoạch trồng trên đất đồi, độ phì của đất kém cùng với thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc trồng mía nơi đây gặp khá nhiều khó khăn. Trong những ngày này, các diện tích trồng mía tại Tân Long, Giai Xuân, Tân An… có thể thấy nhiều diện tích mía của bà con đã bị cháy lá, còi cọc do thiếu nước trong thời tiết nắng nóng kéo dài.

Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía (chạy ống cao su dưới gốc) ở xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ).
Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía (chạy ống cao su dưới gốc) ở xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ).

Tuy nhiên, về Nghĩa Dũng, trên cánh đồi Mua, lại bắt gặp hình ảnh trái ngược khi cả ngọn đồi là bạt ngàn mía xanh tươi. Hỏi ra mới biết đây là diện tích mía của gia đình ông Thiều Thanh Long với diện tích 7,3 ha. Nhờ có phương pháp tưới nhỏ giọt mà trong những ngày nắng hạn vừa qua cây mía ở đây vẫn phát triển bình thường. Ông Long cho biết: “Những năm trước, vào thời gian nắng nóng cao điểm cây mía bị chết cháy rất nhiều, số còn lại cũng còi cọc vì thiếu nước. Để tưới, chúng tôi phải kéo vòi cả chục mét trong khi diện tích lại rộng và nằm trên địa hình đồi nên cực kỳ phức tạp và đòi hỏi nhiều nhân công thực hiện. Vậy mà hiệu quả mang lại không cao, mặt khác, để bón phân cho cây thì phải cày rạch hàng, bỏ phân rồi lấp đất rất công phu nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể rửa trôi hết tất cả. Giờ đây, nhờ phương pháp tưới nhỏ giọt được Công ty Mía đường Sông Con đầu tư nên đồi mía của gia đình xanh tươi, đảm bảo cho thu nhập trong vụ tới”.

Tìm hiểu thêm về hệ thống nước tưới nhỏ giọt này tại một hộ trồng mía khác của xã Tân Long là ông Lưu Quang Minh chủ của hơn 3ha chia sẻ: “Hệ thống tưới nước theo phương pháp này có hai phần chính là trạm bơm và đường ống dẫn nước. Ở trạm bơm có các thiết bị điều khiển chế độ tưới, trộn phân bón và thuốc bảo vệ thực. Khi vận hành, nước và các hỗn hợp trên sẽ được dẫn theo từng ống nhánh rồi phân ra theo các ống nhỏ để tưới sâu cho từng gốc cây. Do vậy, chúng tôi có thể kiểm soát chính xác lượng nước tưới và phân bón mà không sợ bị rửa trôi khi có mưa. Vậy nên dù trong thời tiết nắng nóng nhưng mặt đất vẫn có độ ẩm vừa phải, cây mía chắc khỏe và xanh tốt. Chỉ mới trung tuần tháng thứ 4 mà cây đã ra lóng chắc khỏe, trong khi thông thường phải tới tháng thứ 5”.

Chăm sóc mía tại đồi Mua, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ).
Chăm sóc mía tại đồi Mua, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ).

Được biết, các diện tích trồng mía trên được Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con đưa vào thử nghiệm cho vùng nguyên liệu mía phát triển ổn định. Bằng cách cung cấp giống, phân bón và đầu tư hệ thống tưới thử nghiệm, đến cuối vụ người trồng sẽ thanh toán qua sản lượng mía của mình. Anh Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng ban phát triển vùng nguyên liệu Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: “Đây là vụ mía đầu tiên áp dụng phương pháp này trên 20ha cho 4 hộ dân tại các xã có điệu kiện khắc nghiệt nhất của huyện. Qua đánh giá bước đầu sau 5 tháng thử nghiệm cho thấy mô hình mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Ước tính, tổng chi phí đầu tư cho hệ thống tưới này dao động từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chỉ cần đầu tư một lần thì hệ thống có thể sử dụng tốt trong thời gian từ 5 đến 7 năm sau. Thông thường, năng suất mía chỉ đạt mức trên dưới 60tấn/ha nhưng với phương pháp tưới này thì có thể nâng cao sản lượng mía lên tới 100 tấn mỗi ha.”

Về cách vận hành và sử dụng hệ thống cũng khá đơn giản. Chỉ cần người dân mở máy bơm mỗi ngày 6 tiếng và kiểm tra đường ống không bị đóng cặn gây ách nước là có thể yên tâm. Về nguồn nước tưới thì có thể tận dụng từ các khe, hồ đập tự nhiên gần với diện tích trồng. Hoặc đắp ao, khoan giếng để trữ nước. Trung bình mỗi van tưới trong một giờ sẽ nhỏ giọt vào gốc khoảng gần 1 lít nước, tính ra mỗi ha sẽ mất khoảng từ 1,5 đến 2 khối nước mà thôi. Từ hiệu quả công nghệ này, bên cạnh mô hình tưới cho cây mía, bà con ở xã Tân Phú cùng một số xã của huyện Tân Kỳ đang áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt, phun mưa trên cây bí và các cây trồng khác đem lại năng suất, hiệu quả cao. Quá trình quản lý vận hành hệ thống này bằng cách mở van từng vùng, tiết kiệm công lao động, tăng năng suất gấp 1,5 đến 2 lần so với trước đây. Nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên bà con có điều kiện tăng vụ sản xuất trong năm, kể cả mùa khô.

THANH QUỲNH