Một số lưu ý trong sản xuất vụ hè thu 2015
(Baonghean) - Sản xuất vụ hè thu chiếm tỷ trọng gần 30% sản lượng lương thực sản xuất cả năm của tỉnh. Để vụ sản xuất vụ hè thu được mùa, đòi hỏi khi gieo cấy phải đúng thời vụ thời tiết không quá hạn hán, quản lý sâu bệnh tốt và cuối vụ thu hoạch không gặp mưa to gió lớn. Sau khi kiểm tra tình hình ở các địa phương và theo dõi dự báo thời tiết, dưới góc độ nhà chuyên môn, chúng tôi thấy để triển khai vụ hè thu năm nay, cần nhận định, đánh giá được những thuận lợi, khó khăn sau đây:
Về thuận lợi, vụ xuân 2015 thu hoạch sớm hơn các vụ xuân trước 7 - 10 ngày, đây là thuận lợi cơ bản để gieo cấy vụ hè thu sớm đảm bảo thời vụ. Về khó khăn, theo kiểm tra và báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi sau khi rà soát thì nguồn nước tại các hồ, đập và tại các công trình đầu mối hiện nay đều thấp hơn thiết kế và thấp thua so với 2014.
Dự báo của cơ quan Khí tượng thuỷ văn thì khả năng trong vụ hè thu này (từ tháng 3 đến tháng 8) lượng mưa ở Nghệ An có khả năng sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 8/2015, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông tiếp tục giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm trước từ 30 - 60%, có nơi thấp hơn. Hiện nay kiểm tra lượng nước ở các hồ đập ở TX. Thái Hoà chỉ đạt 55 - 60%, ở Nghĩa Đàn đạt 30%, ở Nghi Lộc đạt 30% so với thiết kế. Vì vậy, nguy cơ xảy ra hạn hán trên địa bàn tỉnh là hiện hữu.
Khó khăn nữa là xuất hiện nhiều sâu bệnh, nhất là sâu đục thân, rầy nâu, bệnh bạc lá cuối vụ, sâu cuốn lá, chuột… Mùa lụt bão ở tỉnh thường diễn ra sau ngày 10/9 hàng năm cho đến đầu tháng 11 mới giảm dần. Vì vậy việc bố trí cơ cấu giống, gieo cấy sớm để thu hoạch trước mùa mưa bão, khoảng vào ngày 30/8 (toàn tỉnh có 20.000 ha phải thu hoạch trước) có tính quyết định đến thắng lợi của vụ lúa hè thu. Từ những khó khăn thách thức trên, để đảm bảo sản xuất vụ hè thu an toàn, thắng lợi chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất: Sử dụng giống lúa cho vụ hè thu với phương châm thu hoạch an toàn trước mùa mưa lụt xảy ra. Toàn tỉnh có vùng sản xuất lúa thấp trũng chạy lụt diện tích hơn 20.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành, với yêu cầu sản xuất an toàn là hàng đầu, phải thu hoạch trước 30/8. Như vậy, yêu cầu bắt buộc là phải sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn đối với lúa thuần như: PC6, nếp 352, RVT, SL9, VS1; đối với lúa lai sử dụng các giống như: LC 270, TH 3-5, VL 20, VL 24 và đặc biệt ưu tiên giống cực ngắn (P6 đột biến), để đảm bảo năng suất nhất thiết phải sử dụng mạ non, phân bón cần ưu tiên bón thúc và bón nhiều đầu vụ.
Ở chân đất vàn (vùng đất ít ngập lụt) nhưng khi gặp mưa lớn dễ ngập cần đảm bảo thu hoạch trước ngày 10/9. Diện tích này có thể bố trí nhóm giống có thời gian sinh trưởng dài hơn để khai thác năng suất nhưng yêu cầu không quá 110 ngày cụ thể lúa thuần như: Thiên ưu 8, HT, Vật tư NA2…; lúa lai như TH 3-3, Kinh sở ưu 1588. Trên cơ sở định hướng bộ giống trên cho các vùng sản xuất, bà con nên chọn giống lúa nào cho ruộng lúa của mình còn phải căn cứ vào tình hình thực tế giống đó đã sản xuất mấy vụ có năng suất, chất lương không? có phù hợp với chân đất ruộng mình không? có phù hợp với khả năng đầu tư của mình không?… để quyết định chọn giống vào sản xuất.
Thứ hai: Cần chủ động thu hoạch lúa vụ xuân xong là tranh thủ làm đất và triển khai cấy ngay lúa hè thu để tranh thủ kịp thời vụ. Không nên gieo thẳng trong vụ hè thu vì gieo thẳng sẽ gây ra tình trạng lãng phí nước (vì gieo thẳng do phải tháo nước cạn để gieo), trong khi đó chúng ta cần tiết kiệm nước để chống hạn; gieo thẳng không đảm bảo được mật độ, chỗ dày, chỗ thưa gây khó khăn cho chăm sóc làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu bệnh.
Thứ ba: Phải quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời phải tính giờ nước tại ruộng để gieo cấy tránh tình trạng tháo nước khô kiệt trong ruộng trước khi thu hoạch, cần tranh thủ nạo vét kênh mương chuẩn bị mọi phương tiện chống hạn, ngăn mặn, nhất là vùng tưới nước bằng bơm điện và vùng các cửa sông ven biển.
Thứ tư: Do ảnh hưởng gián tiếp của biến đổi khí hậu thời gian gần đây và sắp tới sẽ phát sinh nhiều loại dịch hại nguy hiểm trên các đối tượng cây trồng một cách khó lường và không theo quy luật. Vì vậy, thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời, nhất là sâu cuốn lá nhỏ.
Đối với chuột, các địa phương và bà con nên ưu tiên sử dụng các biện pháp thủ công và phát động phong trào ra quân đồng loạt (do vụ này chuột phân tán, nguồn thức ăn trên đồng ruộng còn nhiều nên việc sử dụng biện pháp hoá học, sinh học kém hiệu quả).
Thứ năm: Vấn đề chuyển đổi giống cây trồng. Khả năng hạn hán xảy ra với vụ hè thu này là hiện hữu do vậy để “ăn chắc”, các địa phương, cùng với bà con nông dân nên rà soát đối với những đồng đất không thể gieo cấy lúa được thì chuyển sang trồng đậu đỗ, ngô và cây trồng khác an toàn, đảm bảo có thu hoạch.
Trương Minh Châu
(Sở NN&PTNT)