Bạn học cũ

28/04/2015 16:30

(Baonghean) - Thấy người nhà không cho xem bệnh án treo trên đầu giường và sau mỗi lần khám, các bác sỹ lại hội chẩn hồi lâu, Lệ linh cảm mình bệnh nặng. Khi nghe tin bác sỹ Huỳnh Lâm sẽ mổ cho mình, cô thẫn thờ. Vậy là sự sống của Lệ giờ đây phó thác cho người mà theo những bệnh nhân cùng phòng, là bác sỹ phẫu thuật giỏi nhất bệnh viện này. “Chị gặp may rồi”- lời động viên của họ không làm giảm nỗi lo mơ hồ đang khiến cô mất ngủ. Và những đêm lê thê, một mình với tĩnh lặng, chuyện xưa lại hiện về khiến cô rùng mình.

...Một sáng mùa thu khi trời vừa hửng sáng cách nay hơn bốn mươi năm, Lệ giật mình choàng dậy khi nghe tiếng súng rộ lên từ phía bờ sông gần đồn lính. Chuỗi âm thanh ghê rợn như đám mũi nhọn trùm lên không gian, nghe đến nhức óc. Lệ co rúm, nhét hai ngón tay vào lỗ tai bởi tiếng đạn pháo chiu chíu rít qua đầu. Chừng ba mươi phút sau, tiếng súng im, đám lính về đồn khiêng theo một xác chết. Viên lính đứng trên vọng gác cao ngất nghểu như chuồng cu, đưa loa lên miệng, giọng phấn khích: “Alô, alô! Đây là tin chiến quả- tên Việt Cộng gộc Huỳnh Châu, kẻ được mệnh danh là “hùm xám miền đông Châu Sơn” đã bị hạ sát. Mời bà con đến chứng kiến!”

Cô bé mười tuổi là Lệ lúc đó, ôm chặt các bà trong khu gia binh khi lần đầu thấy người chết. Người đó mặc quần áo bà ba màu rêu, đầu vẫn đội mũ tai bèo, vùng ngực bị một vết đạn. Một thuộc hạ của ba Lệ khúm núm bước tới trước ông, xổ giọng lấy lòng hơn là thán phục: “Đã nghe nhiều nhưng giờ em mới thấy sự thiện xạ của thiếu uý đồn trưởng. Chỉ cần một phát...” Kẻ ấy chỉ vào xác chết, cười nham nhở. Giọng ba Lệ đắc thắng: “Tụi mày sẽ còn ngạc nhiên nhiều!”

Minh họa: Nam Phong
Minh họa: Nam Phong

Với chiến tích ấy mà ba Lệ liên tục nhận những tờ giấy được bí mật ném ngay trước cổng nhà hằng đêm. Sáng sáng, Lệ quét ngõ, mở những tờ giấy lạ ra đọc, rụng rời chân tay. “Trần Bình! Mày phải đền tội!” “Toà án Cách mạng vùng đông Châu Sơn tuyên phạt tử hình tên ác ôn Trần Bình!” Lính bảo vệ được tăng cường cả ngày đêm với vòng ngoài vòng trong dày đặc và ba Lệ liên tục thay đổi chỗ ngủ nhưng đã mấy lần suýt chết. Có lần xe ông đụng mìn lăn quay, may mà ông được máy bay trực thăng đưa đi cấp cứu kịp. Mẹ Lệ mời thầy cúng về cúng mấy ngày liền, những mong tai qua nạn khỏi. Nhưng ba Lệ được bảo toàn chẳng phải nhờ thần linh mà nhờ quê hương được hoà bình.

Nghĩ về ngày khủng khiếp ấy, Lệ nhớ mãi hình ảnh cậu bé ôm xác cha, khóc ngất. Cậu bé chừng mười hai tuổi, áo quần tả tơi, nỗi đau tột cùng, gạt đám lưỡi lê tua tủa, nhào tới bên cha. Tiếng kêu khóc thảm thiết của cậu khiến nhiều người rơi nước mắt, cả đám lính cũng quay mặt đi. Phía sau cậu là bà con dân làng đang rần rần đòi được đưa người chết về mai táng.

Sau ngày quê hương giải phóng, khi cùng học cấp ba trường huyện, Lệ mới biết cậu bé ấy tên Huỳnh Lâm. Lúc Lệ vào lớp mười, Lâm đã lớp mười hai. Ngay thời đi học, Lâm nổi tiếng khắp trường. Cùng lớn lên bên rơm rạ và quen với cuốc cày, khoai sắn nhưng Lâm trắng trẻo, đẹp trai như một công tử trong chuyện đời xưa tái thế. Cậu là học sinh giỏi Toán của tỉnh, là tiền đạo sáng ngời trên sân cỏ. Mỗi đêm văn nghệ, mỗi lần lửa trại, Lâm nâng ghi ta lên bập bùng là thu hút bao ánh nhìn mê say, ngưỡng mộ. Lâm được nhiều người biết còn vì trường này mang tên ba anh-Anh hùng Huỳnh Châu. Ngày đầu tựu trường, Lệ cúi mặt trong suốt buổi nghe nói chuyện về người anh hùng mà trường được mang tên. Đoạn kết bi tráng của đời ông khiến Lệ bên nỗi đau và khâm phục còn có cả sự xấu hổ và nỗi lo sợ mơ hồ.

...Người ta nhớ Lâm nhưng chắc gì anh nhớ hết năm trăm bạn cùng học cấp ba trường huyện ngày ấy. Vả lại, Lệ được học cùng anh chỉ một năm. Ý nghĩ đó khiến cô yên tâm khi gặp anh trong bệnh viện này. Tự trấn an nhưng cô vẫn bồn chồn, không yên. Hôm bác sỹ Lâm khám bệnh cho mình, Lệ không dám nhìn thẳng vào mắt anh. Hình như anh không nhận ra bạn học cũ. Cô cảm thấy điều đó qua ánh mắt thân thiện nhưng nghiêm trang cùng những câu hỏi ngắn dành cho bệnh nhân. Giá như một bạn học nào đó đang ở vị trí Lâm, chắc chắn Lệ không bỏ lỡ dịp may. Nhưng đây là người từng chịu nỗi đau do ba Lệ gây nên. Trong sự bao dung rộng lớn của dân tộc, đâu dễ ai cũng xoá được góc hẹp thù hận trong lòng mình!? Lưỡi dao cứu người trong tay anh giờ đây liệu có lệch lạc bởi ám ảnh của chuyện xưa, câu chuyện đẫm máu và nước mắt trong ngày thu ảm đạm ấy!? Càng nghĩ Lệ càng hoang mang.

Nỗi lo đến nghẹt thở được Lệ nguỵ trang bằng những lý do tưởng tượng khi cô trình bày với bác sỹ chủ nhiệm khoa ngoại. Cô vòng vo một hồi, cốt để người đối thoại hiểu rằng, cô không muốn bác sỹ Huỳnh Lâm mổ cho mình. “Chị chữa bệnh theo yêu cầu nhưng không đồng nghĩa có quyền chọn bác sỹ phẫu thuật bởi chị đâu hiểu chuyên môn - Bác sỹ chủ nhiệm khoa có vẻ bực - Thế chị biết gì về chuyên môn của bác sỹ Lâm? Nếu được giải đáp thoả đáng, tôi chiều chị ngay!” Lệ bối rối. Là kẻ nói dối cạn nghĩ, cô ú ớ quay lui với nỗi lòng chưa được giải toả. “Phải ngửa bài với Lâm, nếu anh còn nhớ, nhất định phải chuyển viện”-một kế khác chợt loé trong cô. Hôm được khám lần cuối trước khi mổ, Lệ cố trấn tĩnh, nhìn thẳng vào mắt Lâm, nở nụ cười thăm dò: “Xin lỗi, sao tôi thấy anh quen quen?” Vẫn cắm cúi ghi bệnh án, Lâm cười cười, giọng thản nhiên: “Cùng một bọc trăm trứng mà ra nên quen cả đấy mà.” Vẻ mặt xa lạ cùng câu trả lời rõ ràng không phải dành cho người quen đã cho Lệ yên tâm lên bàn mổ.

Ngập tràn niềm vui được lành bệnh, Lệ nghĩ nhiều về bác sỹ Lâm. Sau ca phẫu thuật kéo dài năm tiếng đồng hồ, hầu như ngày nào anh cũng đến thăm cô. Bấy giờ, anh đột ngột trở nên vui chuyện, vẻ thân tình, lại hài hước nữa. Lệ vui vui khi nghĩ, giữa nơi mà người đời chẳng mong đến này, cô gặp lại bạn tốt, dẫu người đó không còn nhận ra.

Đêm trước ngày ra viện, Lệ rụt rè tìm đến phòng trực của bác sỹ Lâm. Cùng lời cảm ơn ngắc ngứ trên

môi bởi niềm xúc động dâng đầy, Lệ trao anh chút quà nhỏ. Anh đưa hai tay đỡ bịch trái cây từ tay Lệ rồi mở ra lấy chiếc phong bì để phía trên đưa cho cô: “Cảm ơn chị nhưng riêng cái này xin gởi lại.” Trước vẻ bối rối của Lệ, anh hồ hởi đến không ngờ. Anh dặn cô những điều cần chú ý trong chăm sóc sức khoẻ, ăn uống sau khi ra viện rồi nhắc nhớ tái khám đúng hẹn. Anh cho số điện thoại riêng và dặn, khi nào cần tư vấn sức khoẻ thì cứ gọi, đừng ngại. Anh nhìn Lệ mỉm cười, bất ngờ đổi cách xưng hô:

- Mới rồi mình về dự ngày hội của trường, sao nghe mấy bạn bảo Lệ theo ba mẹ qua Mỹ định cư rồi?

- Tới phút chót, em quyết định chọn quê hương thay cho xứ người - Chợt nhớ, Lệ sửng sốt - Anh còn nhớ em?

- Hoa khôi của trường, quên sao được!

Lâm cười tươi. Lệ vẫn tròn mắt:

- Đã nhận ra nhau, sao lúc đầu anh lạnh nhạt, lấp lửng?

- Mình được bác sỹ chủ nhiệm khoa kể lại sau khi gặp Lệ nên biết tâm trạng của bạn trước khi mổ - Giọng Lâm chân thành - Mình muốn tránh cho bạn nỗi lo không đáng có.

Lệ ngồi lặng. Anh nén lòng để cô được thanh thản bình yên trong lúc cần những điều ấy. Vậy mà cô... Nỗi xúc động và tủi hổ dâng trào, Lệ nắm chặt tay người bạn học cũ, nước mắt rưng rưng...v

Truyện ngắn Nguyễn Trọng Hoạt

(TP. Đà Nẵng)