Trưởng thôn

02/07/2015 15:36

(Baonghean) - Làng Gò có ba thôn: Thượng, Trung, Hạ thì hai thôn Thượng, Trung đều đã tổ chức bầu xong chức trưởng thôn, chỉ còn thôn Hạ là chưa bầu được vì thiếu nhân sự. Trưởng thôn cũ xin rút không ứng cử để đi vào Tây Nguyên trồng cà phê với em vợ, những người trong thôn không ai thích thú gì cái chức trưởng thôn với mức phụ cấp hai trăm ngàn đồng một tháng; hơn nữa làng quê bây giờ chẳng được yên bình như xưa, nạn cờ bạc, nghiện hút, mại dâm do những người đi làm ăn ở xa tha về đang làm làng không còn được bình yên như xưa.

Cuộc họp bầu trưởng thôn Hạ diễn ra ở nhà văn hoá thôn, có sự tham gia của phó chủ tịch xã và các ban bệ trong thôn; mấy người được giới thiệu ứng cử chức trưởng thôn đều từ chối. Cuộc họp đang bế tắc thì ông Thuấn – bí thư chi bộ thôn đề nghị bầu Phong làm trưởng thôn, ông bảo binh nhất Phong mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự về làng, rèn luyện tốt nên được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Có nhiều tiếng xì xào bàn tán, người bảo phải đấy, cần tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển, kẻ lại bảo Phong còn trẻ quá, mới hai hai tuổi mà thôn toàn bậc cha chú, nói ai nghe. Tranh luận mãi, cuối cùng người ta cũng đồng ý bầu binh nhất Phong, nhưng lúc đó binh nhất Phong còn đang đi cày ở ngoài đồng nên phải cử người đi xe máy triệu tập binh nhất Phong về ngay nhà văn hoá thôn dự họp.

Minh họa: Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại

Quần áo còn dính đầy bùn đất, chỉ kịp rửa chân tay, binh nhất Phong đi vào chào mọi người, lúc đó anh cũng mới hay là mình được gọi về dự họp để bầu vào chức vụ trưởng thôn. Sau mấy phút bất ngờ, binh nhất Phong cũng xin rút vì không có kinh nghiệm làm lãnh đạo nhưng mọi người đều thống nhất không cho anh rút, đến khi bỏ phiếu kín, binh nhất Phong trúng cử với 75% phiếu bầu. Thế là binh nhất Phong trở thành trưởng thôn Hạ có bảy trăm hộ gia đình với gần hai ngàn nhân khẩu.

Đêm đầu tiên trong cuộc đời làm trưởng thôn, binh nhất Phong thao thức mãi chẳng ngủ được, ông Thống- bố Phong bảo làm cái chân trưởng thôn, nhiệm vụ chủ yếu là đi họp, đi thu các khoản đóng góp của dân và dự đám ma đám cưới chứ có gì quan trọng mà phải thao thức? Chẳng phải đợi lâu đâu, chỉ ngày mai, ngày kia, xã sẽ cho người vào đốc thúc trưởng thôn thu phí tồn đọng cho mà xem.

Quả như lời ông Thống nói, sáng hôm sau xã đã cử ông Hanh- phó chủ nhiệm hợp tác xã kiêm phó ban thu nợ của xã vào bàn với trưởng thôn Phong về việc thu các khoản phí còn tồn đọng của thôn, cả phí năm cũ lẫn năm nay lên tới tám mươi triệu đồng. Ông Hanh bảo xã đang chuẩn bị bầu cử ban lãnh đạo mới nên rất cần kinh phí; đây là thử thách đầu tiên để khẳng định năng lực của trưởng thôn mới. Nếu thu được hết các khoản phí nợ đọng năm ngoái và các khoản phí năm nay, trưởng thôn sẽ được lãnh đạo xã đánh giá là người lãnh đạo có tài và được xã bồi dưỡng làm cán bộ nguồn!

Trưởng thôn Phong xem danh sách bảng liệt kê các loại thuế và các loại phí, quỹ lên đến mấy chục loại tất cả thì sửng sốt:

- Một hạt thóc và một con gà phải cõng ba mươi sáu loại phí, quỹ, dân nghèo chịu sao nổi?

Ông Hanh bực giọng:

- Ngân sách của xã eo hẹp nên phải tận thu, vả lại các khoản đóng góp này dân đều tự nguyện cả!

Trưởng thôn Phong bảo ngân sách xã nghèo, phải tận thu sao vẫn thấy cán bộ xã đi xe máy lên thị trấn huyện ăn nhậu ở quán thịt chó của nhà ông Tân, rồi còn rủ nhau hát Karaoke? Ông Hanh đỏ mặt không nói gì, chỉ nhắc trưởng thôn Phong phải mau chóng thu các khoản phí nộp xã, chậm nhất là đầu tuần sau.

Trưởng thôn Phong lục tìm trong đống giấy tờ sổ sách mà trưởng thôn cũ bàn giao, mở ra xem thì thấy thật lạ, trong biên bản họp thôn, phần đóng góp các loại phí, quỹ đều thấy người dân giơ tay nhất trí 100% là tự nguyện đóng góp, sao khi cán bộ thôn đi thu thì họ lại không nộp? Trưởng thôn Phong liền đi xuống một số gia đình để kiểm tra, đầu tiên là gia đình ông Cảm, tưởng trưởng thôn mới đến thu tiền quỹ vì người già, ông Cảm nói ngay:

- Hai vợ chồng tôi già yếu, con cái chúng nó cũng nghèo, chả nuôi được bố mẹ, chúng tôi làm gì có tiền mà đóng nhiều quỹ thế?

- Thế sao họp thôn, các cụ đều giơ tay tự nguyện đóng góp?

Nghe trưởng thôn hỏi, ông Cảm bảo đóng góp nhiều quá, dân làng chả ai muốn đâu nhưng nếu không giơ tay đồng ý thì sợ bị cán bộ thôn, cán bộ xã làm khó dễ trong việc xin giấy tờ khai sinh, đăng ký kết hôn, lý lịch cho con cháu đi học đi làm nên cứ giơ tay đại đi; nếu mà bỏ phiếu kín thì chả ai đồng ý đâu! Năm nay, ông đã tám mươi tuổi, vợ ông bảy tám tuổi, cũng phải đóng tới ba mươi loại phí và quỹ, riêng quỹ vì người già, một năm mỗi người phải đóng năm mươi ngàn, hai vợ chồng vị chi là một trăm ngàn. Trưởng thôn Phong hỏi ông Cảm, một năm hai vợ chồng ông phải đóng một trăm ngàn cho quỹ vì người già, thế được Hội Người cao tuổi giúp đỡ những gì? Ông Cảm bảo, nếu ốm đi viện thì được cân đường, Tết thì được hộp mứt và cái giấy chúc mừng năm mới!

Rời nhà vợ chồng ông Cảm, trưởng thôn Phong đến nhà chị Tuất, người còn nợ phí, nợ quỹ nhiều nhất thôn. Chị Tuất, một mình nuôi bốn đứa con gái và mẹ chồng già, chồng chị đã bỏ nhà đi biệt tăm mấy năm nay sau khi vợ sinh đứa con gái thứ tư. Gia đình chị Tuất cấy bốn sào ruộng, một năm thu được mười hai tạ thóc, tương đương sáu triệu đồng, trừ đi chi phí giống, phân, thuốc sâu, thuỷ lợi phí, công thuê cày bừa, cấy, gặt, còn lại ba triệu; ba triệu không đủ cho sáu người sinh sống trong một năm nên chị Tuất phải đầu tắt mặt tối đi làm thuê để kiếm tiền. Vậy nên cái việc chị còn nợ thôn những ba triệu đồng tiền quỹ và phí về các khoản thuỷ lợi phí, quỹ an ninh, quỹ vì người già, quỹ vì trẻ thơ, quỹ hiếu hỉ, quỹ khuyến học, quỹ phòng chống lụt bão, quỹ môi trường… là điều tất yếu. Chị Tuất nói với trưởng thôn Phong, nhà chị chả có tiền đóng đâu, có bắt giam chị thì cứ bắt? Trưởng thôn Phong bối rối, anh bảo chị Tuất để anh bàn với thôn, xã xoá bớt nợ cho chị. Chị Tuất trợn mắt ngạc nhiên:

- Xóa bớt nợ quỹ và phí cho gia đình tôi?

- Vâng, em sẽ đề nghị!

Chị Tuất cảm động lắm, miệng luôn bảo trưởng thôn mới, trẻ người mà biết thương dân làng, đúng là bộ đội cụ Hồ có khác, chả như trưởng thôn cũ gạ gẫm… nói đến đây chị Tuất thấy mình lỡ mồm nên im lặng. Dù chị Tuất không nói ra nhưng hai từ “gạ gẫm” cũng đủ để trưởng thôn Phong hiểu được sự tình, cổ họng anh nghẹn đắng. Như vậy là đã quá rõ, cái gọi là thôn, xã áp dụng quy chế dân chủ ở nông thôn để thu các loại phí, quỹ bằng giơ tay biểu quyết tự nguyện thực chất là áp đặt; người dân phải giơ tay là do sợ cán bộ trả thù, gây khó dễ trong việc xin các loại giấy tờ, lý lịch; thậm chí có người còn bị trưởng thôn xác nhận vào lý lịch thi đại học của con cái người nợ quỹ thôn là gia đình thuộc thành phần chống đối lại chủ trương của nhà nước?

Ba hôm sau, trưởng thôn Phong cho họp thôn, mời tất cả mọi người từ mười tám tuổi trở lên đến dự. Nội dung cuộc họp bàn về việc xoá bỏ các loại quỹ, chỉ một số người dám thẳng thắn đứng lên phát biểu lên án việc thôn, xã thu quá nhiều các loại quỹ, phí, còn lại ngồi im vì họ sợ bị trả thù nhưng đến khi phát cho mỗi người một tờ giấy đánh máy vi tính liệt kê ba mươi sáu loại thuế, quỹ, phí để mọi người gạch bỏ các loại quỹ, phí vô lý rồi bỏ vào thùng phiếu mà không phải ký tên thì tất cả mọi người đều hăng hái; kết quả tổng hợp lại có tới ba mươi mốt loại phí và quỹ bị gạch bỏ. Trưởng thôn Phong bị bất ngờ nhưng thấy mọi người hoàn toàn đúng, anh đề nghị làm biên bản, kiến nghị lên uỷ ban xã, xoá bỏ ba mốt loại phí và quỹ vô lý do xã đặt ra trái với qui định của nhà nước.

Bản kiến nghị của trưởng thôn Phong đã gây chấn động trong xã, lan lên cả trên huyện, trên tỉnh. Tỉnh cử một đoàn công tác xuống thôn Hạ, qua thăm dò, khảo sát thấy hợp lý nên tỉnh nhân rộng trong cả huyện.

Truyện ngắn của nhà văn Vũ Đảm