Chú trọng chăm sóc vật nuôi mùa nắng nóng

03/07/2015 07:54

(Baonghean) - Thời tiết nắng nóng cục bộ với nền nhiệt từ 39 đến 41 độ C đã tác động xấu đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Hiện nay các địa phương đang chỉ đạo phòng nông nghiệp, trạm thú y, các xã triển khai các biện pháp đối phó kịp thời.

Huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng trên 26 nghìn con trâu, bò, gần 45 nghìn con lợn và trên 1 triệu con gia cầm các loại, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi bán sơn địa và vùng nông giang. Từ đầu năm 2015 người dân vẫn đầu tư chăn nuôi nâng tổng số đàn vật nuôi vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên 2 tháng nay thời tiết diễn biết bất lợi, nắng nóng kéo dài đã ảnh hướng đến công tác chăn nuôi của nhân dân. Mặc dù chương trình tiêm phòng vụ xuân và vụ hè thu - mùa huyện đã chỉ đạo triển khai đạt trên 90%, các loại dịch bệnh mùa hè cũng chưa xuất hiện nhưng do tâm lý của người chăn nuôi sợ lỗ không dám đầu tư nên đến tháng 6/2015, tổng đàn gia cầm và lợn giảm khoảng 30%. Hiện tại một số trang trại chăn nuôi lớn sau khi xuất chuồng chưa dám mua con giống về thả nuôi, trong khi đó, một số hộ tiếp tục tái đàn nhưng vật nuôi biểu hiện chậm lớn, chán ăn.

Anh Mùa Bá Kỷ ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn chăm sóc bò.Ảnh: L.P
Anh Mùa Bá Kỷ ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn chăm sóc bò. Ảnh: L.P

Trước thực trạng đó, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh cho vật nuôi, vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi. Đồng thời chỉ đạo cán bộ trạm thú y bám sát địa bàn phối hợp với các xã, thị trấn trực tiếp đi kiểm tra, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, biện pháp chống nóng tạm thời như làm chuồng trại thông thoáng, cung cấp đủ nước uống và tắm mát cho vật nuôi, khuyến cáo người dân không sử dụng gia súc cày kéo vào những thời điểm nắng nóng trong ngày.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đậu Đăng Định, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Nắng nóng như hiện nay rất có hại cho sức khỏe của vật nuôi, đặc biệt là vịt và trâu bởi chúng cần được tắm mát hàng ngày, nếu trời nóng cộng với việc không có nguồn nước thì 2 loại vật này sẽ có nguy cơ háo nước, thân nhiệt giảm dẫn đến bệnh. Chính vì vậy, trạm thú y đã triển khai các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe, chống nóng - phòng bệnh cho vật nuôi. Trong tháng 6 chúng tôi đã triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh vụ hè thu - mùa và cấp trên 200 lít hoá chất Han-iodin10% ưu tiên cho những vùng trung du để phun tiêu độc, khử trùng môi trường. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho vật nuôi xuống 33 xã, thị trấn thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu tình hình dịch bệnh mùa hè đang được khống chế và chưa có thiệt hại lớn đối với vật nuôi do nắng nóng gây ra”.

Hiện nay, trên địa bàn Kỳ Sơn có tổng lượng đàn trâu, bò hơn 60 nghìn con, đàn lợn gần 32 nghìn con và hơn 130 nghìn con gia cầm... Để phòng tránh việc gia súc, gia cầm bị chết do bệnh dịch và nắng nóng, cơ quan thú y, phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông huyện đang tích cực hướng dẫn bà con chủ động phòng, chống nắng nóng và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi một cách tốt nhất để tránh lây lan, phát tán thành dịch.

Là người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, anh Mùa Bá Kỷ ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, chia sẻ: “Để phòng, chống dịch bệnh vào mùa hè cho vật nuôi, cần xây dựng chuồng trại ở nơi thoáng mát, cho trâu, bò uống nước nhiều lần trong ngày, thường xuyên tắm và dùng nước phun rửa vệ sinh chồng trại. Thời gian tắm cho gia súc nên thực hiện vào 16h chiều hàng ngày...”.

Với tập quán của đồng bào Kỳ Sơn là chăn thả rông gia súc, nên trạm khuyến nông và tram thú y huyện đang vận động các hộ chăn nuôi tích cực trồng cỏ voi, trồng ngô, sắn để chủ động bổ sung thức ăn tinh cho đàn gia súc và cho trâu, bò uống thêm nước muối. Đặc biệt, để bổ sung thức ăn trong thời gian nắng nóng kéo dài như hiện nay, Phòng Nông nghiệp huyện khuyến khích bà con cắt và thu hoạch cây ngô non làm thức ăn bổ sung cho gia súc để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, cũng như chủ động tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Đến nay, lực lượng thú y đang tiếp tục phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại; hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Ông Lê Công Tâm, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn cho biết: Hiện Trạm Khuyến nông huyện đang tổ chức tập huấn phòng trừ dịch bệnh ở một số xã vùng cao trước, sau đó sẽ mở rộng trên địa bàn huyện. Các biện pháp tập huấn ngoài các kỹ thuật chung, còn dựa trên điều kiện cụ thể của từng xã để hướng dẫn phù hợp với thực tế của địa phương, từ đó áp dụng nhanh hơn và hiệu quả cao hơn.

Như Thủy - Lữ Phú