Lưu ý điều gì khi vay tiền ngân hàng?

15/07/2015 22:24

Thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại giữa người dân, DN (bên vay) với bên cho vay (ngân hàng) liên quan đến các khoản vay sản xuất, kinh doanh thương mại...

Khi xảy ra tranh chấp, cả bên vay và bên cho vay đều cho rằng, lỗi thuộc về phía kia. Vậy để tránh trường hợp “tại anh tại ả” thì cả hai bên cần phải lưu ý vấn đề gì?

Theo luật sư Nguyễn Minh Hải, Công ty Luật TNHH Everest, cần xác định bản chất của hợp đồng tín dụng là hợp đồng vay tài sản theo Điều 471 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, đây là một giao dịch phổ biến trong đời sống dân sự. Vấn đề đặc biệt ở đây là Bên cho vay tài sản là tổ chức chuyên nghiệp. Như vậy, về yêu cầu chung thì những vấn đề tư vấn là trách nhiệm của họ.

Luật sư Hải nhấn mạnh và lưu ý mức độ tư vấn thế nào là chi tiết đầy đủ chỉ thể hiện đạo đức và sự chuyên nghiệp của cán bộ tín dụng, đây không phải là “nghĩa vụ bắt buộc”.

Đối với bên vay cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu rõ các điều kiện vay, và hoàn toàn có quyền yêu cầu giải thích đầy đủ các điều khoản nếu thấy chưa hiểu rõ. Đồng thời phải cung cấp đầy đủ chính xác, trung thực thông tin mục đích, vì chỉ từ những thông tin đó NH mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn là cho vay hay không cho vay với số tiền bao nhiêu. Cũng như là cơ sở để tư vấn cho khách hàng phương án hợp lý nhất.

Đôi khi những thông tin do bên đi vay kê khai lại là những thông tin không chính xác, thiếu trung thực về mục đích vay hoặc phương án trả nợ. Hệ quả là NH thiếu thông tin, dẫn đến việc xét duyệt những dự án vay này, nhưng bên đi vay lại không trả được nợ, khiến NH phải chịu rủi ro lớn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty luật THHH YouMe đánh giá, việc cho vay giữa NH và Bên vay rất phức tạp, tình trạng kiện tụng, tranh chấp diễn ra thường xuyên. Do đó, hai bên cần phải nắm được những vấn đề mấu chốt trong quá trình giao kết và thực hiện Hợp đồng cho vay (HĐCV).

Luật sư Hà lưu ý với Bên vay, tránh “bút sa gà chết”, trong hợp đồng vay cần thỏa thuận cụ thể về các thông tin, nội dung của hợp đồng, thời gian điều chỉnh lãi suất cũng như mức tăng - giảm lãi suất được hình thành trên cơ sở nào. Bên vay cũng cần phải lưu ý để xác định mức phí, phụ phí, mức phạt phải trả cho NH.

Tuỳ vào thu nhập và số tiền vay mà bên vay nên cân nhắc kỹ thời hạn vay vốn sao cho phù hợp nhất. Nếu thu nhập thấp thì bên vay nên kéo dài thời hạn vay, khi đó sẽ giảm số tiền gốc hàng tháng phải trả cho NH.

Bên vay cũng cần cân nhắc kỹ năng lực trả nợ, cân nhắc điều chỉnh giữa thu nhập và nhu cầu tài chính trong thời gian vay. Với nhu cầu vay mua BĐS, cần tìm hiểu kỹ các dự án có sự liên kết giữa CĐT và NH.

Về phía NH, ngoài việc tư vấn cần phải đầy đủ, chính xác, cán bộ NH nên căn cứ vào nguyện vọng, hoàn cảnh của bên vay trên cơ sở dung hòa lợi ích giữa hai bên, luật sư Hà đưa lời khuyên.

Thực tế cho thấy, khi bên vay cho rằng cán bộ NH đã không có sự tư vấn kỹ càng, việc NH trưng ra những bằng chứng để phản bác điều này là không khó, bởi việc lưu lại những hồ sơ thể hiện đầy đủ quá trình giao dịch giữa hai bên là quy định bắt buộc trong hệ thống nội bộ mỗi NH, cũng như là tài liệu để báo cáo cơ quan quản lý sau này. Đây chính là bằng chứng bảo vệ NH trước Tòa án khi xảy ra tranh chấp.

Theo Zing.vn