Có giải pháp giải quyết vấn đề tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức
(Baonghean) - Ở nội dung phần chất thứ hai tại kỳ họp, HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Nội vụ về các vấn đề liên quan lĩnh vực quản lý của ngành.
Tăng trách nhiệm đơn vị trực tiếp sử dụng lao động
1 trong 3 nội dung được HĐND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ giải trình làm rõ, đó là tình trạng hợp đồng lao động không đúng quy định trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Bà Cao Thị Hiền, Giám đốc sở, thừa nhận thực trạng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt việc ký kết hợp đồng lao động; khi không có nguồn thu hoặc không có nhu cầu cũng không tiến hành thanh lý hợp đồng, dẫn đến tình trạng hợp đồng kéo dài, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Về trách nhiệm, bà Cao Thị Hiền nhấn mạnh, trước hết thuộc về Sở Nội vụ với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của UBND tỉnh, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra chưa được nhiều và việc đôn đốc, yêu cầu giải quyết sau thanh tra, kiểm tra chưa thật sự quyết liệt; tiếp đó là trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động hoặc cho ý kiến để đơn vị trực thuộc ký hợp đồng lao động chưa đúng quy định.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Cao Thị Hiền trả lời chất vấn |
Trên cơ sở làm rõ trách nhiệm, giải pháp được triển khai để chấn chỉnh tình trạng trên, trước hết Chủ tịch UBND cấp huyện và thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương liên quan đến việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; văn bản Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, lao động; phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời rà soát lao động hiện đang hợp đồng và đề xuất hướng xử lý phù hợp. Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không được tuyển dụng, hợp đồng lao động khi không có chỉ tiêu biên chế, số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao và khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tuyển dụng, hợp đồng lao động.
Phần giải trình của Giám đốc Sở Nội vụ khá rõ ràng, nên phần chất vấn chỉ có 3 đại biểu quan tâm. Đại biểu Đỗ Đình Quang (Thành phố Vinh) nêu băn khoăn liên quan đến 4.212 hợp đồng trong toàn tỉnh nhưng mới chỉ có 1.041 trường hợp được các cơ quan, đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hợp đồng, còn 3.171 trường hợp còn lại hướng giải quyết như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời vấn đề này, bà Cao Thị Hiền khẳng định: Hiện tại, Sở Nội vụ đang chỉ đạo các huyện, ngành, đơn vị tiếp tục rà soát 3.171 lao động còn lại để xử lý theo hướng ưu tiên tuyển dụng nếu đơn vị còn chỉ tiêu biên chế và cá nhân đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực; điều chuyển lao động hợp đồng từ nơi thừa sang nơi thiếu trong các đơn vị, bộ phận trực thuộc.
Đối với cơ quan, đơn vị không có nhu cầu, không có nguồn thu, hợp đồng không đúng số lượng, cơ cấu được UBND tỉnh phê duyệt thì tiến hành thanh lý hợp đồng. Nghĩa là trong số 3.171 hợp đồng hiện nay không hoàn toàn được tuyển dụng tiếp và cũng không hoàn toàn bị chấm dứt hợp đồng. Còn chất vấn của đại biểu Vi Xuân Giáp (Con Cuông) quan tâm việc tuyển dụng đối với đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện theo Quyết định số 59/QĐ – UBND, ngày 12/8/2010 của UBND tỉnh? Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Quyết định số 59 là một chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh đối với 42 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, trong đó có chính sách thu hút trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn. Do liên quan đến con người, cho nên trong quá trình thu hút, sở đã phối hợp chỉ đạo các huyện phải có hợp đồng lao động rõ ràng, khi địa phương không có nhu cầu sử dụng thì sẽ được giải quyết chế độ theo hợp đồng thỏa thuận. Việc thi tuyển công chức xã đối với đội ngũ trí thức trẻ vẫn thực hiện đầy đủ theo quy định chung và được cộng điểm ưu tiên.
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Châu nhấn mạnh: Để khắc phục tình trạng hợp đồng sai quy định, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy hợp lý nhất, hiệu quả nhất; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ hiện có, lấy chất lượng bù số lượng. Đề nghị các cơ quan thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm túc, mặc dù thời gian qua nói có nhiều sai phạm nhưng chưa xử lý được ai cả.
Từng bước bố trí việc làm cho học sinh cử tuyển sau tốt nghiệp
Theo báo cáo từ Giám đốc Sở Nội vụ tại phần giải trình của mình, từ năm 2008 đến năm 2014, toàn tỉnh có 704 học sinh đào tạo hệ cử tuyển, trong đó có 439 học sinh đã tốt nghiệp. Trong số học sinh tốt nghiệp thì có 56% được bố trí việc làm và tỷ lệ chưa bố trí được việc làm còn cao với 44%, gây lãng phí đào tạo của Nhà nước và của người dân. Để xảy ra tình trạng cử tuyển chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động, trách nhiệm liên quan đến Sở Giáo dục & Đào tạo - cơ quan thường trực Hội đồng cử tuyển; Sở Nội vụ và Ban Dân tộc tỉnh với tư cách là thành viên Hội đồng cử tuyển tỉnh chưa làm tốt công tác tham mưu trong công tác cử tuyển và tuyển dụng sau tốt nghiệp. Đặc biệt, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm cử học sinh đi học cử tuyển gắn với trách nhiệm tiếp nhận sau tốt nghiệp nhưng thực tế mới chỉ quan tâm khâu cử đi học, chưa quan tâm cân đối nhân lực để bố trí việc làm sau khi các em ra trường.
Giải pháp được bà Cao Thị Hiền đưa ra, trước mắt triển khai thực hiện ngay Nghị định số 49/2015/NĐ-CP, ngày 15/5/2015 của Chính phủ, kiên toàn Hội đồng cử tuyển của tỉnh, theo đó, phân công trách nhiệm rõ ràng từng cấp, từng ngành. Chỉ đạo các huyện rà soát số học sinh cử truyển đã tốt nghiệp trên địa bàn, đồng thời phối hợp các sở, ngành liên quan khi có kế hoạch xét tuyển cần quan tâm ưu tiên đối tượng cử tuyển. Về phía bản thân đối tượng cử tuyển cũng cần nhận thức sự quan tâm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để học tập, khi ra trường chưa bố trí được việc làm cần chủ động tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.
Chất vấn vấn đề này, đại biểu Moong Văn Hợi (Tương Dương) quan tâm việc tuyển dụng các học sinh cử tuyển của Tương Dương trước đây nay đã chuyển về khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, huyện Thanh Chương, bởi hiện nay, cả 2 huyện này đều từ chối việc giải quyết của mình. Trả lời ý kiến đại biểu nêu, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Chính sách cử tuyển là chính sách chung của cả nước, nếu Thanh Chương hay Tương Dương có vị trí và bố trí được thì bố trí. Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho biết, cho đến thời điểm này Sở Nội vụ chưa nhận được thông tin nào về số học sinh cử truyển ở Tương Dương về Thanh Chương đã ra trường mà chưa bố trí được việc làm.
Các cán bộ trẻ xã Yên Na (Tương Dương) xuống đồng cùng với người dân bản Bón. Ảnh: Nhật Lân |
Giám đốc Sở Nội vụ đã trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu Moong Văn Hợi và Vi Xuân Giáp về việc triển khai Thông tư số 02/2014 của Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Bà Hiền thừa nhận việc triển khai Thông tư 02 có hiệu lực năm 2014 trên địa bàn tỉnh là chậm. Tuy nhiên, dù chưa có văn bản triển khai, nhưng quá trình thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức đã được sở chủ động chỉ đạo các địa phương thực hiện, đảm bảo tỷ lệ công chức, viên chức trong các cơ quan tương ứng với dân số của dân tộc thiểu số ở từng địa phương như tuyển dụng giáo viên mầm non ở Quế Phong, tỷ lệ người dân tộc Mông 30%, thì tỷ lệ giáo viên mầm non được tuyển dụng cũng tương ứng; hay như vừa qua sở cũng đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tuyển dụng 1 công chức về Ban Dân tộc là người Khơ mú... Trong thời gian tới, các địa phương, các ngành liên quan sẽ phối hợp tốt hơn để bố trí học sinh cử tuyển có việc làm.
Giám đốc Sở Nội vụ cũng bày tỏ băn khoăn: Mục đích chính sách cử tuyển nhằm thu hút con em đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan hành chính, sự nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các địa bàn miền núi, vùng cao. Mặc dù đã có quy định tiêu chuẩn điểm sàn đối với người đi học cử tuyển, nhưng thực tế đầu vào cử tuyển hiện vẫn hạn chế, trong khi hiện tại có nhiều con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số học rất giỏi và tự thi đậu vào các trường đại học có chất lượng chưa có việc làm. Đây cũng là bài toán cần được xem xét, nghiên cứu để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ, vừa thực hiện được chính sách cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Giám đốc Sở Nội vụ cũng đã giải trình cụ thể thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công với cách mạng còn chậm. Chỉ đạo về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Châu cho rằng, Nghệ An là tỉnh có nhiều đối tượng có công, thời gian qua các cấp, các ngành đã cố gắng thực hiện nhưng vẫn còn bộc lộ rất nhiều vấn đề. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tích cực rà soát, xem xét, giải quyết một cách kịp thời các đối tượng có công cần phải giải quyết, không để sót.
Đẩy mạnh cải cách các thủ tục tiếp nhận, xử lý, xây dựng các phần mềm quản lý hồ sơ và giải quyết bằng công nghệ thông tin, giải phóng công sức, thời gian của cán bộ và giải quyết nhanh, kịp thời cho đối tượng có công, tránh phải đi lại nhiều lần. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm túc các trường hợp sai phạm, kể cả người không thuộc đối tượng hưởng và người tiếp tay cho việc làm sai phạm để những người có công đều được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Đồng thời tích cực bám sát chỉ đạo của Trung ương để tháo gỡ, giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra.
Mai Hoa