Hỏi - đáp pháp luật

27/04/2015 14:35

Theo thông tin anh N.V.T cung cấp: Anh ký hợp đồng lao động với công ty X từ năm 2000. Tháng 10/2014, Công ty thông báo yêu cầu các nhân viên có mặt tại công ty để lao động ngoài giờ. Thời điểm này anh đang bận việc nên không tham gia được. Sau đó công ty thông báo bằng miệng sẽ phạt tiền đối với những người vắng mặt. Vì không có thông báo bằng văn bản nên anh không chịu nộp số tiền phạt trên. Cuối tháng 10/2014, Công ty ra Quyết định xử lý bồi thường vi phạm nội quy, quy chế công ty, số tiền bồi thường là 7 triệu đồng.

Hỏi:

1. Việc Công ty tự ý ra Quyết định xử lý bồi thường mà không tổ chức họp, không có sự tham gia của anh là đúng hay sai?

2. Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Trả lời:

1. Việc Công ty tự ý ra Quyết định xử lý bồi thường mà không tổ chức họp, cũng không có ý kiến của anh là sai.

Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động. Theo đó:

“Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản”

Như vậy, theo quy định này, trước khi ra Quyết định xử lý kỷ luật lao động thì Công ty X phải chứng minh được lỗi của anh. Đồng thời phải tổ chức cuộc họp về việc xử lý kỷ luật, có sự tham gia của anh.

2. Pháp luật quy định về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như sau:

Điều 132 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau:

“Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định”.

Theo quy định này, khi thấy Quyết định xử lý bồi thường vi phạm là không thỏa đáng, xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng của mình thì anh làm đơn khiếu nại đến Giám đốc công ty X (Người đã ra Quyết định) hoặc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, anh làm đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện/thành phố, nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu Tòa án giải quyết việc tranh chấp trên.

Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự