Làng nghề- Thách thức và cơ hội mới
(Baonghean) - Nghệ An có 133 làng nghề và gần 400 làng có nghề, mỗi năm xuất khẩu đạt giá trị khoảng 8 triệu USD. Thách thức và cơ hội mới đang đặt ra thời gian tới khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động như một khối thống nhất, liệu làng nghề trên địa bàn tỉnh có chiếm lĩnh được thị trường nội địa và giữ vững NGÀNH HÀNG xuất khẩu?
Thị trường tiêu thụ khó khăn
Trong những năm qua, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách quan tâm hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Cụ thể từ 2011 đến 2014 tổng số chi chính sách phát triển TTCN, làng nghề: 23 tỷ đồng/KH 23 tỷ đồng (nguồn XDCB tập trung 14 tỷ đồng; khuyến công: 4 tỷ đồng; vay tín dụng ưu đãi 5 tỷ đồng). Mỗi một làng nghề được công nhận, UBND tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Khoảng 50% làng nghề đã được đầu tư hạ tầng giao thông. Mỗi năm đầu tư cho hạ tầng giao thông khoảng 20 tỷ đồng như năm 2014 đạt 14 tỷ đồng.
Số liệu của Liên minh HTX tỉnh cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề toàn tỉnh đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 triệu USD; Liên minh HTX tỉnh đã tiếp nhận 8 làng có nghề của địa phương đăng ký xét công nhận làng nghề năm 2015; đồng thời hướng dẫn 7 làng nghề được công nhận năm 2014 đón nhận bằng công nhận làng nghề, nâng tổng số lên 133 làng nghề của 18/21 huyện, thành, thị trong tỉnh. Dù còn những khó khăn khách quan và chủ quan song các làng nghề đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.
Hoạt động ở làng dệt bản Đan (Tiền Phong, Quế Phong). |
Nghị quyết số 06 - NQ/TU ngày 4/11/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh đã mở ra những thuận lợi lớn cho làng nghề, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 06/2011, kết quả đến nay cho thấy: Đổi mới trong chỉ đạo phát triển TTCN, làng nghề chậm. Việc tháo gỡ khó khăn do thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề kết quả thấp, thu nhập của người lao động thấp. Một số làng nghề, ngành nghề nông thôn không duy trì được sản xuất, thậm chí không còn tồn tại (lĩnh vực mây tre đan, mũ nón, chiếu cói). Số lượng làng nghề đạt tiêu chuẩn và công nhận ngày càng giảm, khả năng không đạt mục tiêu đề ra 150 làng vào năm 2015.
Nổi tiếng với sản phẩm kẹo dồi, kẹo cu đơ và nhiều loại kẹo thơm ngon khác, 2 làng nghề sản xuất bánh kẹo Xuân Bắc và Đông Hà (xã Diễn Vạn, Diễn Châu) hiện có gần 240 hộ với 510 lao động gắn bó với nghề. Trung bình mỗi ngày cả 2 làng nghề xuất bán ra thị trường xấp xỉ 3 tấn kẹo. Tại Hội thi bánh kẹo do Liên minh HTX tỉnh tổ chức vào tháng 5 vừa qua, sản phẩm kẹo lạc của làng đã đạt giải kẹo ngon nhất. Hiện sản phẩm của làng nghề đã vươn tới một số tỉnh miền Bắc như Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội… nghề sản xuất bánh kẹo mang lại cho xã Diễn Vạn doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động từ 1,7 - 1,8 triệu đồng/người/ tháng. Chất lượng kẹo được đánh giá khá thơm ngon nhưng về mẫu mã sản phẩm vẫn còn đơn giản và chưa bắt mắt. Sản phẩm bánh kẹo đã khẳng định được uy tín nhưng chưa thể mở rộng được thị trường và xây dựng được thương hiệu vững chắc. Nếu so với các thương hiệu bánh kẹo danh tiếng khác thì mức độ cạnh tranh còn thấp.
Sản xuất đồ mộc tại làng nghề Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu). |
Đây không chỉ là vấn đề của riêng làng bánh kẹo Diễn Vạn mà đang đặt ra đối với hầu hết các làng nghề trong tỉnh. Việc khẳng định thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường hiện nay là không hề đơn giản khi mà hàng hóa của nhiều nước đang xâm lấn thị trường nội địa. Thách thức lớn nhất của các làng nghề khi tham gia AEC (cộng đồng kinh tế ASEAN) đến từ sự cạnh tranh toàn diện, nghĩa là cạnh tranh không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn trên thị trường trong nước. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan khiến nguy cơ hàng ngoại áp đảo hàng nội là điều cần phải lường trước. Trong khi, sản phẩm của hầu hết các làng nghề còn sản xuất nhỏ lẻ, theo quy mô gia đình, mẫu mã thường đơn điệu, thiếu tinh xảo, thiếu sự hấp dẫn.
Còn đối với các mặt hàng xuất khẩu, tính đến thời điểm hiện tại thì cũng chỉ có một số lượng hạn chế sản phẩm của ngành mây tre đan, nước mắm và mộc mỹ nghệ được xuất sang các nước. Nhìn lại lĩnh vực mây tre đan, trong tổng số các làng nghề hiện có một bộ phận lớn với hơn 30% hoạt động không có hiệu quả, có gần 10 làng nghề gần như đã ngừng hoạt động. Trước đây toàn tỉnh có hơn 10 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các làng nghề mây tre đan, nhưng trong thời điểm hiện tại thì chỉ còn 6 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, có 5 doanh nghiệp quy mô nhỏ có khả năng thích nghi với thị trường.
Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Đức Phong (đơn vị đầu mối liên kết với hơn 30 làng nghề trên địa bàn tỉnh trong vấn đề bao tiêu sản phẩm mây tre đan), cho biết: “Để có thể tiêu thụ được các mặt hàng mây tre đan, ngoài chất lượng sản phẩm thì yếu tố mẫu mã, thiết kế kỹ thuật là một điều hết sức quan trọng. Đặc biệt, khi xuất khẩu ra các thị trường khó tính như châu Âu buộc doanh nghiệp phải tuân thủ hàng loạt quy định khắt khe. Do đó, tay nghề của người lao động phải không ngừng nâng cao, trong khi đó lao động của ta lại chủ yếu xem đây là nghệ phụ làm trong thời gian nông nhàn nên phần lớn vẫn chưa có ý thức nâng cao tay nghề. So với các nước, chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã của chúng ta còn yếu và kém. Các cơ sở đào tạo tay nghề cao đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chưa thật sự chuyên nghiệp”.
Lao động làng nghề ngày càng ít dần, giới trẻ ngày càng không muốn làm nghề. Chính vì vậy, sự hẫng hụt nguồn nhân lực kế cận về số lượng cũng như chất lượng ở các làng nghề truyền thống đang trở nên báo động. Sự thiếu về số lượng và kém về chất lượng trong nguồn nhân lực của các làng nghề chủ yếu do thu nhập của người lao động làng nghề còn thấp. Việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối truyền nghề trong các gia đình, cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày cho con em trong địa phương. Mặt khác, mỗi nghệ nhân truyền nghề theo một kiểu nên không có sự thống nhất. Chính vì vậy nên việc sản xuất ra được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khó, đặc biệt đáp ứng đủ về số lượng.
Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong khi đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nước mắm truyền thống Vạn Phần (Diễn Châu) là một điển hình, mặc dù đã có thương hiệu nhưng vẫn bị cạnh tranh khốc liệt với hàng trong nước, chưa nói tới thực phẩm của các nước ASEAN. Thống kê trong 6 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu được hơn 10 ngàn lít nước mắm sang Lào và 50 tấn mắm tôm sang Hàn Quốc và Nga. Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ qua ủy thác.
Một thách thức khác đang đặt ra đó là về nguồn nguyên liệu. Hợp tác xã làng nghề Hoa Tiến (Quỳ Châu) có hơn 60 thành viên, hiện tại các sản phẩm làm ra đặc biệt đã được tiêu thụ mạnh mẽ tại nhiều địa bàn trong nước như Hà Nội, Hội An, Sài Gòn… Ở thị trường nước ngoài, các sản phẩm này đã đến được nhiều nước châu Á như Lào, Thái Lan… Tuy quy mô sản xuất ngày càng phát triển và số lượng đặt hàng lớn nhưng theo chia sẻ của chị Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm hợp tác xã: “Hiện nay, cơ sở mới chỉ đảm bảo được khoảng 40% nguyên liệu sợi từ việc trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương, còn lại phải vận chuyển từ các vùng lân cận hoặc từ Hà Tây, Thái Bình về. Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài khiến cho việc sản xuất thổ cẩm thiếu chủ động, hơn nữa chi phí cao, mặt hàng bán ra không có lãi”.
Thách thức và cơ hội
Đến cuối 2015, thị trường chung thống nhất của các nước ASEAN được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó có sự lưu chuyển tự do dịch vụ, hàng hóa, công nghệ, lao động… Cơ hội tiếp cận thị trường mới dành cho các nhà xuất khẩu ASEAN được mở rộng với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Ví dụ, trong ASEAN có "Chứng nhận xuất xứ hàng hóa", theo đó, với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN. Vì vậy, sản phẩm được hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN, hội nhập kinh tế khu vực. Các làng nghề cũng không nằm ngoài những tác động đó, cơ hội cũng nhiều mà thách thức cũng không nhỏ.
Đánh giá về những cơ hội và khó khăn mà các làng nghề trong tỉnh sẽ phải đối mặt khi Việt Nam gia nhập AEC, ông Trần Văn Huy, Trưởng phòng Tư vấn chính sách, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: “Có thể thấy, với giá nhân công lao động rẻ hơn so với các nước trong khu vực trong khi có nhiều mặt hàng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những thuận lợi của các làng nghề trong tỉnh khi xâm nhập vào thị trường AEC. Mặt khác, cắt giảm thuế quan là một thuận lợi giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi xuất khẩu, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành và tăng chất lượng của sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa... Đó là nhiều thuận lợi trong việc phát huy năng lực, lợi thế của các làng nghề.
Tuy vậy, để làng nghề có thể khẳng định được chỗ đứng khi gia nhập AEC đòi hỏi chúng ta cần thực hiện nhiều cải cách, đổi mới. Thứ nhất, là tái cơ cấu lại các làng nghề. Tuy quan điểm chung là phải bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống nhưng đối với làng nghề sản xuất các mặt hàng mà hiện nay thị trường không có nhu cầu thì cần phải mạnh dạn xóa bỏ. Đối với những ngành nghề có tiềm năng phát triển, đang mở rộng thị trường cũng cần có hướng đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh. Thứ hai, cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Thứ ba, để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống thì trước tiên các làng nghề phải tìm cách cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm theo đúng thị hiếu, yêu cầu của thị trường. Cùng với đó thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề là rất quan trọng để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng, cần xây dựng nguồn nhân lực cho các làng nghề đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để có hướng lâu dài thu hút nhiều lao động trẻ, có tài năng gắn bó với nghề”.
Theo ông Trần Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để thúc đẩy lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển hơn trong những năm tiếp theo, cần có kế hoạch, định hướng cho từng lĩnh vực, từng loại sản phẩm để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Tạo điều kiện để các làng nghề từng bước mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, tăng cường đổi mới công nghệ thiết bị phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đồng thời ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm và có giá thành hợp lý, cạnh tranh tốt trong thị trường thời kỳ mới.
Quỳnh Lan - Thanh Quỳnh