Tổ hợp tác dịch vụ: Khi xóm trưởng "2 trong 1"

02/07/2015 18:00

(Baonghean) - Cung ứng giống, phân bón và vật tư nông nghiệp cho nông dân là “nhiệm vụ” của HTX nông nghiệp, nhưng ở xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ từ khi HTX nông nghiệp giải thể đến nay, đã giao cho ban xóm đảm nhiệm (gọi tắt là tổ hợp tác dịch vụ) và hoạt động khá hiệu quả.

Nghĩa Thái là địa phương đất chật người đông, nhưng có diện tích đất sản xuất 2 lúa cùng với kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của người dân được đánh giá là nhất huyện. 2/3 số dân Nghĩa Thái nguyên gốc Diễn Châu lên đây lập nghiệp từ cách đây 40 - 50 năm trước. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu bám đất phát triển kinh tế, do vậy chính quyền địa phương luôn coi trọng sản xuất nông nghiệp, gắn với chăn nuôi. Trước đây, mọi dịch vụ về nông nghiệp cho bà con nông dân, do HTX nông nghiệp đảm nhiệm. Thế nhưng, do hoạt động kém hiệu quả, năm 2002, HTX nông nghiệp giải thể, chính quyền xã có cách làm sáng tạo, khác với nhiều địa phương là giao cho ban xóm có nhiệm vụ cung ứng giống, phân bón và vật tư nông nghiệp cho bà con, nghĩa là xóm trưởng trở thành “2 trong 1” (xóm trưởng kiêm tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ). Do sâu sát, gần gũi và có trách nhiệm với nông dân nên tổ hợp tác dịch vụ hoạt động hiệu quả thiết thực.

Nông dân xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) sản xuất lúa vụ mùa.
Nông dân xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) sản xuất lúa vụ mùa.

Ông Hà Văn Thành – Xóm trưởng xóm Vĩnh Lộc, là người được tín nhiệm làm xóm trưởng từ năm 2003 đến nay, trao đổi với chúng tôi: Làm xóm trưởng đã nhiều việc, lại thêm “vai” ở tổ hợp tác dịch vụ càng vất vả hơn nhiều. Xóm có 229 hộ, trong đó 114 hộ làm nông nghiệp. Cung ứng giống, phân bón và vật tư nông nghiệp cho bà con, chúng tôi phải đảm bảo cho bà con được 3 yếu tố: đầy đủ, kịp thời và giá cả. Cách làm là, hàng năm, thông qua sự chỉ đạo cơ cấu giống lúa của xã, ban xóm tuyên truyền cho bà con đăng ký lượng giống, phân bón qua ban xóm. Ban xóm báo cáo ban nông nghiệp xã, sau đó trực tiếp liên hệ đăng ký với các đơn vị, như: Trạm Vật tư nông nghiệp; Trạm BVTV huyện… để vận chuyển giống, phân bón về tận nơi cho nông dân. Theo đó bà con được mua giống, phân bón và vật tư nông nghiệp với giá bán tại các đơn vị cung ứng, không bị tác động về giá qua khâu trung gian. Ông Thành bộc bạch: “Chúng tôi làm như vậy không mang tính kinh doanh, nên nông dân không bị nâng, ép giá. Chúng tôi chỉ được hưởng khoản tiền hoa hồng ít ỏi do các đơn vị cung ứng, chứ không thu thêm bất cứ khoản gì của dân. Thêm việc, vất vả, nhưng được chính quyền địa phương tin tưởng, bà con tín nhiệm nên mình cứ làm, chứ không nghĩ gì đến lợi nhuận”.

Nói về khó khăn, ông Thành cũng cho hay: Công việc của xóm trưởng hàng năm rất bộn bề, từ nhiệm vụ chính là phải đôn đốc bà con thực hiện các quy định của nhà nước, địa phương, còn phải cung ứng kịp thời phân bón, giống và vật tư nông nghiệp cho bà con trong xóm. Trong quá trình làm dịch vụ giống, phân bón cho bà con, nhiều lúc cũng gặp khó khăn, do không có tiền mặt. Phân bón được đơn vị cung ứng cho vay, sau khi thu hoạch mùa màng, bà con mới trả, nhưng với giống lúa, đòi hỏi phải có tiền mặt, do vậy nhiều lần xóm trưởng phải mang sổ đỏ ra ngân hàng thế chấp để vay tiền, thanh toán tiền giống lúa trước cho nông dân kịp thời sản xuất.

Lão nông Vi Văn Hưng, xóm Vĩnh Lộc tâm sự: Nhà có làm hơn 1 mẫu ruộng. Trước đây tôi phải đến HTX nông nghiệp mua phân bón, giống lúa và các loại vật tư nông nghiệp khác, giá cả cao hơn đã đành, nhiều khi giống hết, phân bón, vật tư nông nghiệp thiếu, nên thường xuyên phải lo lắng làm sao cho kịp mùa vụ. Từ khi ban xóm được giao làm tổ dịch vụ, bà con trực tiếp đăng ký với xóm trưởng lượng giống lúa, phân bón gia đình cần dùng, sau đó ban xóm đưa về tận nơi cho nông dân, giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo, bà con không phải đi xa. Năm nào cũng vậy, tổ dịch vụ chủ động làm việc rất tích cực, đầy đủ và kịp thời.

Ông Phan Kim Vân – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, cho biết: Từ năm 2003 đến nay, xã giao cho các ban xóm kiêm thêm việc “tổ hợp tác dịch vụ”, họ hoạt động hoàn toàn vì dân, không được kinh doanh lấy lãi như HTX nông nghiệp trước đây. Theo đó, 8/8 xóm của xã đều có tổ hợp tác dịch vụ, hoạt động rất tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Do phải đảm nhiệm một lúc nhiều công việc, nên bà con bầu chọn xóm trưởng là những người năng động, nhiệt tình. Nhiệm vụ của tổ hợp tác dịch vụ là hàng năm phối hợp với các đơn vị cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp có uy tín, cung ứng kịp thời cho bà con sản xuất. Kết hợp với đó là trực tiếp điều hành, chỉ đạo bà con sản xuất. Qua 12 năm hoạt động, hiệu quả cho thấy là nông dân và tổ hợp tác không phải đóng góp vốn để kinh doanh nuôi bộ máy ban quản lý cồng kềnh như HTX, mà tổ hợp tác mang tính phục vụ là chủ yếu. Mặc dù không kinh doanh, nhưng vì trách nhiệm của ban xóm, dù khó khăn đến mấy, họ luôn cung ứng giống, phân bón và vật tư nông nghiệp một cách đầy đủ, kịp thời vụ, được người dân tin tưởng.

Từ hoạt động hiệu quả của tổ hợp tác dịch vụ xóm lâu nay, ông Phan Kim Vân nói rằng, trong bộ tiêu chí xây dựng NTM các địa phương phải có HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Do vậy, với xã Nghĩa Thái sẽ không thành lập HTX nông nghiệp mà tới đây sẽ đề nghị cấp trên chính thức công nhận là tổ hợp tác dịch vụ xóm hoạt động thay cho HTX nông nghiệp, để chương trình xây dựng NTM của địa phương được thuận lợi hơn.

Xuân Hoàng