Thắp lên ngọn lửa đam mê
(Baonghean) - Hiện tại, Nghệ An có trên 1.000 môn sinh của môn phái Vovinam (Việt võ đạo). Điều gì khiến Vovinam được giới trẻ Nghệ An nhanh chóng đón nhận như vậy? Phải chăng nhờ nghiêm lễ mở đầu "Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái" đã là “lực hấp dẫn” về một môn phái đầy tính nhân văn?
Trên sàn đấu của CLB Vovinam Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, chúng tôi được xem những màn biểu diễn xuất sắc của các môn sinh đến từ nhiều nơi. Những màn Long hổ quyền, Quyền binh khí nhật nguyệt đao, 21 đòn chân tấn công... tất thảy đều mạnh mẽ và uyển chuyển, uy lực mà mềm mại. Khi xong màn đấu, các võ sinh lại để bàn tay lên phía trái tim với một nghiêm lễ "Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái".
Đồng diễn quyền nhập môn. |
Để có được phong trào Vovinam phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều môn sinh như hiện nay, Việt võ đạo tại Nghệ An đã đi qua khá nhiều thăng trầm, nếu như không có tâm huyết cháy bỏng của những người mở đường thì khó có thể thành công và định hình của một môn phái võ thuần Việt. Một trong những người như vậy là HLV Trần Văn Biên, thầy giáo trẻ sinh năm 1983 chính là người có công khai phá, mở đường cho môn phái này về với xứ Nghệ. Biên "bén duyên" môn võ này năm 18 tuổi, trong một dịp vào chơi nhà chú ở Vũng Tàu. Mặc dầu chú là người dạy môn Thiếu lâm tự, nhưng Biên lại có ấn tượng sâu sắc với Việt võ đạo qua cuộc trò chuyện với người dạy võ Vovinam tại Nhà thi đấu đa năng Vũng Tàu khi được chú đưa qua chơi tại đó.
Sau một thời gian ngắn luyện tập môn phái này, Biên đành tạm gác đam mê để theo đuổi cơm áo, gạo tiền. Cuối năm 2006, cơ duyên cùng Vovinam lại một lần nữa mỉm cười với anh khi anh được làm quen với võ sư Phạm Quang Long (Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Hà Nội) qua internet. Chính ông đã hướng dẫn, động viên anh đi trọn đam mê của mình cũng như hỗ trợ về tài liệu, sách vở. Khi ngọn lửa đam mê đã được thổi bùng trở lại thì khó có gì dập tắt được nữa. Năm 2007, Biên tìm ra Hà Nội gặp võ sư Long, được ông nuôi ăn học trong nhà và nhận làm đệ tử. Thời gian ngắn ngủi bên thầy đã giúp Biên định hướng rõ ràng con đường đi của mình. Khi giã biệt trở về, Trần Văn Biên được thầy dặn dò "Em có trách nhiệm là phải trở về phát triển phong trào Vovinam tại Nghệ An lớn mạnh trên nhiều mặt...".
Vượt chướng ngại vật. |
Những ngày đầu tiên, việc truyền dạy môn phái này đã vấp phải nhiều khó khăn không kể xiết. Bởi tất cả đều từ con số không: Không trụ sở, chẳng kinh phí và người dân không đồng thuận vì nó quá mới mẻ. Thậm chí, có người dân nơi quê nhà anh đã gửi đơn lên xã đòi giải tán lớp dạy của anh. Năm 2009, Biên quyết định về TP. Vinh mở môn phái. Phối hợp với thầy Thái Văn Phúc, cuối cùng CLB võ thuật Trường THPC Chuyên Phan Bội Châu - CLB Vovinam đầu tiên ở TP. Vinh đã ra đời. Nhưng cũng kèm theo đó là khó khăn nối tiếp khó khăn. Có những tháng, lương dạy học không đủ tiền trọ, phải xin ở tạm lán công trình. Biên còn phải nhận làm đủ nghề, từ tiếp thị bánh kẹo, hàn xì cho đến thợ hồ.
Trải qua 6 năm, môn phái Vovinam đã có mặt tại hầu khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Đã có 7 CLB tại các trường học, phường, xã ở TP. Vinh. Nhiều huyện khác như Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Quỳ Châu, Cửa Lò, Hưng Nguyên... dần dà đã xuất hiện các CLB võ thuật của những môn sinh và thầy giáo với trang phục mầu xanh dương - màu của hy vọng và nhân ái. Từng bước khẳng định con đường, vị thế của mình, Việt võ đạo trên xứ Nghệ đã có hơn 30 HLV và trên 1.000 môn sinh thường xuyên hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, võ sư Phan Lân, một doanh nhân người Nghệ tại Hà Nội, rất có tâm huyết và công sức với Vovinam - là Phó Chủ tịch Vovinam Nghệ An và cũng là người đảm nhận phần chuyên môn đã cho biết "Từ chỗ các phụ huynh còn e dè với Vovinam, bởi họ tưởng đây là môn võ tập đấu kháng, đánh nặng đòn. Thì đến nay, bên cạnh cho con học chữ, nhiều người đã rất ủng hộ để con cái đến với Việt võ đạo vì thấy chữ "đạo" trong môn võ này có phần đề cao hơn. Họ biết đây là môn phái nêu rõ chữ "dấn thân hiến ích".
Nữ võ sinh Dương Thị Hoa (sinh viên Sư phạm Toán - ĐH Vinh) đến từ CLB Vovinam Quân khu IV đã theo đuổi Việt võ đạo gần 2 năm, chuẩn bị lên đai lam 1 kể rằng "Lúc đầu em cũng chỉ định tập cho khỏe, nay đã đam mê thực sự. Bởi rõ ràng, đây là một môn võ thuần Việt thực sự, thuần Việt ngay từ bộ võ phục màu xanh rất có cảm tình. Điều đó làm em cảm thấy tự hào". Đến với Vovinam, chúng tôi có thể thấy ở đây không phân biệt lứa tuổi, xuất thân, ngành nghề.
HLV Trần Văn Học (Hoàng đai nhị đẳng, HLV Trường THCS Quang Trung) tâm sự: "Trước đây, tôi không được khỏe mạnh. Đến khi học xong THPT, tôi theo học ở võ đường Từ Liêm - Hà Nội của võ sư Nguyễn Đình Thắng. Nay trong cuộc sống, tôi đã rất tự tin, nhanh nhẹn trong mọi giao tiếp. Đặc biệt là thể lực được tăng lên nhiều".
Cho tới hôm nay, Vovinam - Việt Võ đạo đã phát triển mạnh mẽ cả trong và ngoài nước, trở thành môn võ duy nhất của Việt Nam được thi đấu ở đấu trường quốc tế, ở SEA Games, Asian IndoorGames. Tại Nghệ An, bên cạnh việc phát triển các CLB Vovinam phong trào, đội tuyển Vovinam thi đấu đối kháng thành tích cao của bộ môn Vovinam thuộc Sở VH-TT&DL do HLV Trần Trọng Cường phụ trách đã gặt hái nhiều thành công trong các giải thi đấu, các kỳ đại hội quốc gia. Trong những năm qua đoàn Vovinam Nghệ An luôn được xếp hạng Top 5, Top 6 trong bảng tổng sắp huy chương toàn quốc. Ngày 15/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An cho phép thành lập Hội Vovinam Nghệ An thông qua Quyết định số 3274/QĐ-UBND. Điều đó đã mở tiếp ra một trang mới tươi sáng cho môn phái Vovinam trên đất Nghệ.
Bài, ảnh: Trần Hải