Những vấn đề cử tri quan tâm

08/07/2015 08:08

(Baonghean) - Trước kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14, khóa XVI, Báo Nghệ An tiếp tục nhận được các ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp. Trong đó, các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ và văn hóa - xã hội có nhiều ý kiến đáng chú ý.

Chậm vì thất lạc, sai lệch hồ sơ!

ông-lê-van-dào.jpg

Cử tri Lê Văn Đào (xóm 5, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương): “Tôi từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1964 - 1975, đã nhận được 3 Huân chương Kháng chiến của Nhà nước trao tặng, vùng tôi tham gia chiến đấu nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Hiện tôi vẫn còn giấy khám sức khỏe đơn vị cấp trước khi trở về quê. Do tôi đã quá tuổi đi nghĩa vụ nên đã khai năm sinh khác để được ra chiến trường. Bây giờ các giấy tờ của tôi không khớp ngày tháng năm sinh, một số giấy tờ khác thì bị thất lạc nên hiện tại tôi chưa được hưởng chế độ thương, bệnh binh. Rất nhiều lần tôi mang hồ sơ lên gặp chính quyền nhưng đều bị trả về. Tôi nghĩ cần có hình thức phù hợp để không để bỏ sót quyền lợi của những người xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ”.

Cử tri Phan Bá Đồng (xóm 1, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương): “Tôi đã tham gia chiến đấu tại Campuchia từ năm 1984 - 1987. Trước đây, do giấy tờ thất lạc nên tôi không được hưởng bất kỳ chế độ hỗ trợ nào từ Nhà nước. Nhưng cách đây gần 10 năm, khi quay lại đơn vị cũ, tôi may mắn gặp lại được các thủ trưởng đơn vị trước đây và được mọi người giúp đỡ làm lại hồ sơ, giấy tờ. Do đó, hiện tại, tôi đã được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng. Nhưng trên thực tế thì cũng không có nhiều người được may mắn như tôi. Tôi nghĩ cần có hình thức phù hợp để xét đúng người thực, việc thực”.

Đừng để dự án “nằm trong tủ kính”

Cử tri Ngô Hoàng Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học & công nghệ: “Trên thực tế, hầu hết các tiến bộ khoa học & công nghệ mà đơn vị lựa chọn và làm đầu mối chuyển giao về địa phương đều cho kết quả nghiệm thu tốt, số lượng đề án không thành công chỉ chiếm thiểu số. Vậy thì tại sao chúng ta nghe nói nhiều đến bất cập của các “đề án, nghiên cứu nằm trong tủ kính”? Tôi cho rằng, một phần là bởi từ chỗ các mô hình thành công về mặt khoa học đến giá trị kinh tế cao và sản xuất đại trà, vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ. Ví dụ, một mô hình cây, con phát triển rất tốt ở các địa bàn vùng núi cao, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn - là một tín hiệu tích cực và là bước đầu thành công của việc đưa tiến bộ KHCN vào thực tiễn. Nhưng nếu quy trình thương mại hoá sản phẩm chưa tốt thì việc duy trì và nhân rộng mô hình là điều vô cùng khó. Như vậy, bên cạnh trách nhiệm nghiên cứu, chọn lọc dựa trên tình hình thực tế địa phương của nhà khoa học, còn cần phải có sự “tiếp sức” của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp”.

Cử tri Hoàng Văn Bình, ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu): Các nhà khoa học vẫn chưa thật sự đồng hành cùng người dân trong vấn đề vươn khơi, bám biển. Để tăng năng suất đánh bắt xa bờ, ngư dân cần có thuyền to, máy lớn và ngư cụ hiện đại, và không có hàng nội, phải mua hàng ngoại nên giá rất cao. Ngư dân rất muốn các nhà khoa học có các dự án cải tiến công nghệ trực tiếp đầu tư nghiên cứu các loại máy này để giúp hạ giá thành sản phẩm, người dân có thể dễ dàng trang bị cho tàu cá của mình. Kể cả những vấn đề sát sườn, đơn giản, thì lâu nay các nhà khoa học ở trong nước còn rất ít quan tâm, ví như vấn đề cải tiến ngư cụ và phương tiện đánh bắt...

Thiệt thòi cho người lao động

Cử tri Trần Thị Lan, nhân viên Trường Trung cấp nghề KT-KTCN Vinh phản ánh: Trước đây tôi công tác ở Trường THCS Công Thành (Yên Thành), đến năm 2009 tôi viết đơn xin chuyển về giảng dạy tại Trường Trung cấp nghề KT-KTCN Vinh. Trong quãng thời gian này, tôi được hưởng đầy đủ mọi chế độ, được UBND TP. Vinh ký quyết định tăng lương định kỳ... Tuy nhiên, đến tháng 7/2014, tôi cùng 22 giáo viên, nhân viên khác trong trường bị buộc yêu cầu thanh lý hợp đồng lao động do hợp đồng lao động giữa nhà trường và chúng tôi (tất cả đều là hợp đồng lao động không xác định thời hạn) đều không đúng quy định.

Tôi rất băn khoăn là tại sao trong suốt thời gian dài, các cơ quan chức năng lại không phát hiện và xử lý? Và, tại sao danh sách người lao động đã được nhà trường ký tuyển dụng không xác định thời hạn khi trình lên các phòng, ban của Thành phố Vinh lại được chấp thuận tăng lương theo niên hạn, hưởng mọi chế độ theo Luật Lao động?

Cử tri Võ Ngọc Tân, Trưởng phòng Nội vụ Thành phố Vinh: TP. Vinh là địa bàn dân cư đông, số học sinh nhiều nhưng lại có sự mất cân đối giữa số lượng học sinh ở các phường, xã, nên để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ, một số trường đã phải “lách luật” để ký hợp đồng lao động với giáo viên. Năm học 2015 - 2016 này, TP.Vinh tăng thêm 2.316 học sinh so với năm học trước, tức là tăng thêm 70 lớp, như vậy cần thêm gần 100 giáo viên. Như vậy, nếu không có sự điều chỉnh về mặt chính sách thì trong thực tiễn sẽ phát sinh thêm nhiều trường hợp ký kết hợp đồng lao động không đúng quy định.

PV- CTV