Dưới tán cây mùa hạ…
(Baonghean) - Bạn tôi từng bảo đời mỗi con người ít nhất cũng được trú ngụ dưới 3 tán cây. Đó là tán cây tuổi thơ, tán cây tình yêu và tán cây của tuổi xế chiều.
Ở đó, những người có duyên phận ắt sẽ gặp nhau, cũng có khi người này vừa đi thì người kia tới. Chúng tôi gặp nhau dưới tán cây mùa hạ, tán cây của tuổi thơ những tháng năm răng sún, tóc đuôi gà vắt vẻo và làn da ngăm đen vì dãi nắng. Cái thuở buồn vui đôi khi chỉ phụ thuộc vào viên bi ve nhiều màu, mấy sợi dây thun xanh đỏ hay ngôi nhà bằng diêm xếp cho chú dế bị cầm tù rên rỉ hát bài ca tìm đồng loại suốt những đêm trăng. Bây giờ tôi đang đứng dưới bóng râm của tán cây tình yêu nhưng vẫn thường trở về ngủ nhờ một giấc trưa dưới tán cây mùa hạ. Để thấy lòng mình mềm như tiếng chim chuyền, dịu dàng như suối và bay bổng như đám mây trời…
Ảnh minh họa: Internet |
Làng tôi giống như dải lụa thướt tha vắt qua một triền đồi trung du. Vào mùa xuân, dải lụa mang màu xanh của những cánh đồng ngô lúa mướt mát gió. Mùa hè, khi cánh đồng lúa chín thì dải lụa chuyển màu vàng nằm xôn xao giữa bạt ngàn sắc tím của hoa sim. Tôi hay cùng đám bạn lang thang luồn lách tìm hái từng chùm quả đũm chín đỏ mọng trên rừng rồi lại xuống đồng bắt muồm muỗm về nướng thơm lừng góc xóm. Trò chơi đầu tiên mà chúng tôi chơi ấy là đặt tên cho nhau. Tôi gọi Quỳnh là Sẻ Nâu, gọi Diệp là Lá, gọi Minh là Thóc, như cách mà chúng thường gọi tôi là Mộc. Dường như dưới tán cây tuổi thơ ấy chúng tôi được run rủi gặp nhau không chỉ để cùng chơi đuổi bắt, bịt mắt bắt dê, cô dâu chú rể… Mà đến để an ủi nhau trước những nỗi buồn vừa chớm. Sẻ Nâu không bố, Lá xa cha mẹ từ nhỏ bỏ phố về ở với bà, Thóc có bàn tay sáu ngón lúc nào cũng nắm chặt không dám duỗi ra. Còn tôi thỉnh thoảng lại chui vào gậm giường mỗi khi cơn sợ ánh sáng và đám đông lại nhấn chìm trái tim bé nhỏ của tôi. Thế nên nếu tuổi thơ là một bức tranh thì trên nền bức tranh ấy không chỉ là những gam màu rực rỡ…
Chúng tôi ngồi dưới tán cây nghe chim hót líu lo, tiếng hót mát như suối chảy trong lòng. Những lúc ấy Sẻ Nâu hay thở dài, đôi mắt đen láy của bạn cụp xuống, tay di di trên nền cỏ. Mùa đông, những vết vá víu trên áo bạn không làm cho tuổi thơ thấy nghèo nàn khi mà trong túi áo ấy luôn có vài nắm hạt đỗ rang nóng hổi để chia cho lũ bạn của mình. Mùa hè, Sẻ Nâu hay cặm cụi nấu chè đỗ đen rồi cho vào chai thòng dây thả xuống giếng sâu, là thể nào tối đó chúng tôi cũng được thưởng thức món chè mát lạnh. Vì không có bố nên Sẻ Nâu tự lập từ nhỏ, thay mẹ quán xuyến chuyện nhà cửa cơm nước chăm chỉ như ong mật. Mỗi khi chúng tôi nói về những ước mơ diệu vợi lớn lao thì Sẻ Nâu chỉ im lặng mỉm cười. Mãi cho đến sau này bạn mới bảo ước mơ lớn nhất đời bạn là tìm thấy bố. Dù bố bạn không ở đâu xa, ngay trong làng thôi nhưng chưa bao giờ người đàn ông ấy nhận Sẻ Nâu là con. Lần nào đi học về qua nhà bố cũng thấy thương cái dáng lầm lũi lúc tần ngần líu ríu lúc lại đi nhanh như chạy trốn của Sẻ Nâu.
Trong mỗi chúng tôi ít nhất cũng có một nỗi buồn. Đối với Lá đó là nỗi niềm nhớ phố, nhớ những thương yêu ruột thịt trong năm tháng chia xa. Hình như cũng có lúc Lá muốn chạy trốn nỗi nhớ ấy nhưng chúng tôi thì cứ hồn nhiên khơi gợi bằng những câu hỏi tò mò về thành phố. Thành phố có những gì? Nhiều lắm, có nhà tầng, có rạp xiếc, có khu vui chơi… Bạn đang kể hồ hởi bỗng buồn thiu im bặt. Hỏi phố có thế thôi à? Bạn gật đầu, nước mắt lặng lẽ rơi. Rồi thì chúng tôi cũng hiểu ở một thành phố xa xôi nào đó còn có bố mẹ Lá, có những ký ức đầm ấm ít ỏi mà Lá đã cẩn thận gói kín trong lòng. Lúc đó dù rất nhỏ nhưng chúng tôi cũng hiểu phần nào rằng cuộc sống mưu sinh quá nhọc nhằn khiến Lá phải tạm về ở với bà. Thóc thương Lá lắm nên hay hì hụi nặn con vật, kết hoa và làm đủ loại đồ chơi cốt để nhận lại nụ cười trên môi Lá.
Dưới tán cây mùa hạ, Thóc là người con trai rất ra dáng luôn đóng vai hiệp sĩ bảo vệ và che chở cho mấy đứa con gái chúng tôi. Thóc thương bạn bè một cách cực hồn nhiên, như mỗi lúc thấy tôi sợ ánh sáng mặt trời thì Thóc nói Thóc là mặt trăng. Thấy tôi ngồi khóc vì bị điểm kém Thóc bảo những con số chẳng có ý nghĩa gì. Thấy tôi tấm tức vì bị bố mẹ mắng Thóc bảo “cậu giống con mèo lười rửa mặt” rồi cười toe toét. Nhưng không phải Thóc không có lúc buồn. Trên ngón cái bàn tay trái của Thóc có mọc thêm một đốt thịt thừa nên bạn bè vẫn trêu chọc là bàn tay sáu ngón, bàn tay quỷ. Điều đó khiến Thóc đôi khi cũng không vượt qua nổi nỗi mặc cảm rất đỗi trẻ con. Sẻ Nâu thích sờ đốt thịt thừa của bạn và khen nó dễ thương. Thóc ngẩng đôi mắt buồn rượi lên và hỏi “Có thiệt là dễ thương không?”, tất cả chúng tôi đều gật đầu lia lịa. Hôm nay ký ức vẫn còn đây mà Thóc ở nơi nào?
Chúng tôi rời khỏi tán cây mùa hạ, tán cây tuổi thơ bằng một cuộc tiễn đưa Lá về thành phố. Khi ấy chúng tôi đã để tuột trôi nhiều hồn nhiên theo tuổi. Sẻ Nâu của tôi không còn nữa, bạn mất trong mùa lũ khi đi vớt củi ngoài sông. Tôi cứ thương hoài cái mơ ước tìm thấy cha mình lẫn đâu đó trong vẻ mặt dửng dưng hờ hững suốt những tháng năm. Ở một thế giới khác có lẽ Sẻ Nâu vẫn chưa kết thúc cuộc kiếm tìm xót xa bất nhẫn này. Thế rồi người rời khỏi tán cây mùa hạ cuối cùng là tôi. Khi nhìn Thóc bỏ học giữa chừng theo dì vào Tây Nguyên trồng cà phê. Tôi đứng lại nhìn theo dáng đứa con trai mới học lớp tám, cao chưa quá cây na trước nhà đã phải lầm lũi rời quê quán để mưu sinh. Rồi tôi cũng bước đi hướng về những tán cây khác trong đời, bỏ lại sau lưng tiếng chim chuyền và mây bay ngơ ngác…
Vũ Thị Huyền Trang