Xã hội hóa đầu tư đường ống: Giải pháp cho Thị trấn Anh Sơn?
(Baonghean) - Nước máy đun sôi dùng om chè xanh không được nước, lại có váng, nước máy để lâu đọng cặn… là tình trạng khá phổ biến ở thị trấn Anh Sơn. Bởi vậy, nhiều hộ dân thị trấn Anh Sơn ái ngại dùng nước máy của Trạm cấp nước huyện. Hiện tượng đó phản ánh chất lượng nước sạch của Trạm cấp nước có vấn đề.
Điều băn khoăn này được ông Nguyễn Nguyên Đông - Trưởng Trạm cấp nước Anh Sơn giải thích: “Nguồn nước thô cung cấp cho trạm là nguồn nước ngầm được khai thác từ độ sâu 120m, sau đó được xử lý theo quy trình là ngâm, giàn phun, lọc, khử khuẩn bằng Javel… Với quy trình xử lý đó, nước sinh hoạt bảo đảm tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã kiểm nghiệm đạt chất lượng. Tuy nhiên, do vùng đất này có nhiều đá vôi, nguồn nước thô khoan sâu dưới lòng đất, nên nước có độ cứng, tuy nhiên, độ cứng này được giới hạn cho phép Limit là nhỏ hơn 300, kết quả kiểm nghiệm tại Anh Sơn là 200”.
Vận hành cấp nước tại Trạm cấp nước Anh Sơn. |
Mặc cho đơn vị cung cấp nước sạch khẳng định là nước bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng người dân vẫn sử dụng nguồn nước theo cách truyền thống là nước giếng khơi, xây dựng bể chứa nước mưa (nhất là dùng trong việc om chè xanh, nước uống). Gia đình chị Huyền Hải ở khối 4a cho hay: Do ở một số vùng của thị trấn đào giếng khơi hay khoan giếng không gặp nước, hoặc có nước bị ô nhiễm không dùng được, nên lựa chọn là om chè xanh thì dùng nước mưa cho được nước, uống ngon; còn tắm, giặt… thì sử dụng nước máy của Trạm cấp nước Anh Sơn.
Trạm cấp nước Anh Sơn xây dựng từ năm 2001 với công nghệ và thiết bị sản xuất nước sạch của châu Âu (từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB). Sau khi đi vào hoạt động, người dân Thị trấn Anh Sơn đã phản ánh tình trạng nước sinh hoạt qua nấu ăn, nước uống thấy có váng, nhưng không khắc phục được, vì vậy Trạm cấp nước Anh Sơn với công suất 600 m3/ngày hoạt động chưa hết năng lực và gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển khách hàng sử dụng nước. Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An (đơn vị chủ quản) và huyện Anh Sơn cũng đã từng có phương án chuyển đổi nguồn nước thô từ nước ngầm sang khai thác nước mặt sông Lam. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nguồn khai thác nước thô cần vốn đầu tư lớn, phía doanh nghiệp và địa phương chưa có nguồn đầu tư.
Hiện nay, Trạm cấp nước Anh Sơn có 751 khách hàng ở thị trấn và xã Thành Sơn (có 34 hộ), Phúc Sơn (13 hộ) sử dụng nước máy, với số lượng khách hàng ít ỏi này cho thấy việc phát triển hộ dân sử dụng nước đang rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Anh Sơn cho biết: “Trên địa bàn thị trấn hiện có 1.419 hộ dân, nhưng tỷ lệ sử dụng nước máy chưa đến 50% số hộ. Ngoài việc người dân còn băn khoăn về thành phần độ cứng của nước, thì còn một nguyên nhân nữa dẫn đến việc khó khăn khi phát triển khách hàng là hệ thống mạng đường ống cấp nước còn thiếu, tại những khối ở vùng đất lèn không xa trung tâm mà đường ống nước vẫn chưa đến được và những vùng này lại rất cần nước sinh hoạt, nhất là vào mùa hè”.
Phát triển đường ống hiện đang là vấn đề rất khó khăn đối với Trạm cấp nước Anh Sơn. Hiện tổng các loại đường ống của trạm là hơn 13,5 km (trong đó đường ống cấp 1 dài 7,6 km, đường ống cấp 2 là 1,3 km và ống cấp 3 là 5 km). Từ đầu năm 2015 đến nay, tại Thị trấn Anh Sơn chỉ phát triển được 700m đường ống cấp 3 và nguồn vốn do Công ty may Khải Hoàn đầu tư để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, còn phát triển đường ống cấp nước tại khu vực dân sinh không triển khai được. Chị Nguyễn Thị Loan ở khối 7 phản ánh: “Vì ở gần lèn đá vôi, nên chúng tôi rất khó khăn về nước sinh hoạt, rất muốn được sử dụng nước của Trạm cấp nước Anh Sơn nhưng vẫn không được cấp nước”.
Được biết, mới đây 40 hộ dân thuộc xóm vạn chài bên sông Lam (thuộc khối 1) cũng làm đơn đề nghị được sử dụng nước của trạm và muốn cung cấp nước cho những hộ này cần nguồn vốn lớn mở tuyến đường ống phi 63 dài 1 km, mà huy động vốn của các hộ dân nghèo, hoặc kinh phí của trạm cấp nước cũng đều rất khó, vậy là mong muốn của các hộ dân xóm vạn chài không thực hiện được.
Tại Thị trấn Anh Sơn, hiện có nhiều khối do gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, bởi đào giếng khơi, khoan giếng không có nước, hoặc có nước không sử dụng được, nên rất cần được sử dụng nước máy của Trạm cấp nước Anh Sơn. Tuy nhiên, họ lại đòi hỏi nước sạch đạt tiêu chuẩn. Nhu cầu sử dụng nước máy rất lớn và trạm cấp nước có đủ công suất phục vụ. Để giải quyết được vấn đề này, thì thực tế việc xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạng đường ống cấp nước hiện nay được nhiều địa phương ở tỉnh ta thực hiện tốt, do vậy ở Thị trấn Anh Sơn có thể học tập, áp dụng.
Hoàng Vĩnh