Giải pháp phục hồi vùng chè nguyên liệu

07/07/2015 10:38

(Baonghean) - Tổng hợp từ Sở NN&PTNT, đợt nắng hạn gay gắt vừa qua đã làm trên 2.260 ha chè cháy lá, thiệt hại từ 30 - 70%; gần 850 ha chè bị “xóa sổ” hoàn toàn. Hiện tại, người dân và chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp phục hồi vùng chè nguyên liệu.

Tìm về xã Thanh Hương, địa phương đang sử dụng hệ thống tưới bep (tưới phun mưa) có hiệu quả chống hạn cao cho cây chè. Mặc dù hệ thống này hiện chưa được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên khảo sát từ những hộ áp dụng phương pháp này cho thấy chè phát triển tốt. Qua tìm hiểu được biết, hệ thống phun tưới nước tưới này được cấu tạo gồm 3 bộ phận chính, bao gồm ống bep phun nước tự động có thể xoay 3600 với đường kính khoảng 6m, hệ thống đường ống dẫn nước từ nguồn về và một đầu máy bơm để kích nước. Do nước được dẫn trực tiếp đến hệ thống vòi phun qua đường ống nên đã giảm thiểu tối đa việc thất thoát nước, duy trì được độ ẩm thường xuyên cho cây phát triển. Hiện các xóm trong xã đều có từ 4 đến 6 hộ sử dụng hệ thống này. Anh Nguyễn Văn Thìn ở xóm 12 cho biết: “Tận dụng nguồn nước từ hồ Dún cách đồi chè 200m, gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động này với tổng chi phí là 20 triệu đồng. Với thời gian phun 10 tiếng mỗi ngày, toàn bộ diện tích đất trồng luôn được giữ ẩm nên cây chè phát triển rất tốt. Chi phí tiền điện mỗi tháng cũng chỉ dao động từ 300 đến 400 ngàn đồng. Còn hệ thống máy móc và đường dẫn có thể sử dụng trong thời gian dài, nếu bảo dưỡng tốt có thể lên tới 20 năm”. Hiện toàn xã Thanh Hương có tổng diện tích trồng chè là 180 ha, trong đó có hơn 50 ha đang trong thời gian kiến thiết cơ bản. Đợt nắng vừa qua đã gây thiệt hại cho gần 37 ha. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch UBND xã thì nếu người dân tận dụng nước từ hồ Hóc Dầu, Tháp Bút, Vũ Thờ để nhân rộng hệ thống tưới tự động trên thì có thể bảo đảm cho cây chè phát triển tốt ngay cả trong mùa hạn.

Người dân xã Thanh Hương (Thanh Chương) lắp đặt hệ thống tưới cho chè.
Người dân xã Thanh Hương (Thanh Chương) lắp đặt hệ thống tưới cho chè.

Mặc dù bắt đầu từ hệ thống tưới phun mưa có hiệu quả chống hạn cho cây chè, song không phải gia đình nào cũng có điều kiện lắp đặt. Với tổng diện tích hơn 4.500 ha, đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã gây thiệt hại hơn 1.200 ha chè, khiến nhiều hộ trồng chè ở Thanh Chương lao đao. Thanh Mai, Thanh Tùng, Thanh An, Thanh Thịnh… là những xã có nhiều vùng chè bị chết cháy trên 70%. Trước thực trạng trên, huyện và xã cùng bà con trồng chè đang vào cuộc gấp rút để tìm ra những phương án ứng phó kịp thời. Ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Trước mắt, huyện đang vận động bà con tận dụng nguồn nước tại 7 hồ đập lớn và hơn 200 hồ đập lớn nhỏ trong huyện để bơm nước tưới cho chè. Đồng thời, hạn chế khai thác chè trong những thời điểm nắng hạn cũng như điều chỉnh độ dài của búp khi khai thác để tránh tổn hại cho cây. Mặt khác, trong vụ tiếp theo, huyện khuyến khích người dân trồng xen các cây họ đậu để tái tạo đất cũng như tránh nắng cho cây chè”.

Còn tại huyện Anh Sơn, trong thời gian qua đã có hơn 300 ha chè bị ảnh hưởng do hạn hán. Với đặc điểm là địa hình đồi núi phức tạp nên tình trạng hạn hán ở đây xảy ra khá nặng nề, hệ thống hồ đập đã cạn nước, trong khi hệ thống thủy lợi cấp nước vẫn còn nhiều hạn chế. Xã Phúc Sơn, trong số 240 ha chè, có hơn 40 ha là diện tích trồng mới, nắng nóng gây hại 25 ha. Theo ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã: “Để kịp thời khắc phục tình trạng chè chết vì nắng nóng, nhiều hộ đã phải khoan giếng ngay tại đồi chè để cấp nước cho diện tích trồng mới. Tuy nhiên, với độ sâu lớn từ 40m đến 70m mới đến được nguồn nước nên chi phí gần 15 triệu đồng nên chỉ một vài hộ thực hiện. Còn về giống chè bổ cứu và trồng mới sau hạn, xã khuyến khích bà con trồng chủ yếu hai giống LPD1 và LPD2. Mặc dù năng suất và chất lượng chè của hai giống trên không cao bằng giống PH1, nhưng sức chống chịu nắng hạn khá tốt nên bà con đã sử dụng rộng rãi”.

Nông dân Thanh Thủy (Thanh Chương) đầu tư máy bơm công suất lớn để bơm nước tưới chè.
Nông dân Thanh Thủy (Thanh Chương) đầu tư máy bơm công suất lớn để bơm nước tưới chè.

Ở xã Hùng Sơn, bà con cho biết diện tích trồng dặm sẽ được tiến hành vào tháng 9 âm lịch, lúc này thời tiết phù hợp cho sự phát triển của cây con. Ông Đậu Văn Nghĩa, Xóm trưởng xóm 5 chia sẻ: “Sau mùa hạn năm nay, bà con đã rút ra được một số sai lầm khiến sức chịu hạn của chè giảm sút, ví như khi trồng đã đặt bầu chè quá nông, khiến cho rễ ăn cạn trên mặt đất mà chưa cắm sâu vào lòng đất để hút nước. Mặt khác, các sườn đồi hướng Tây luôn chịu nhiệt lớn hơn nhiều so với sườn đồi hướng Đông. Do vậy, trong thời gian tới, khi trồng bổ cứu hay trồng mới thì xóm sẽ chỉ đạo bà con rút kinh nghiệm”.

Theo tổng hợp từ Sở NN&PTNT, 2.260 ha chè đã bị cháy lá đang cần được phục hồi. Sau khi có mưa, bà con nên căm sóc chè với chế độ phù hợp để chè phát triển trở lại. Theo ông Nguyễn Đình Hương, Phó phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT: Giống là một yếu tố rất quan trọng trong chống hạn cho chè, những diện tích chè trồng các loại giống chịu hạn như LDP1, LDP2 bị ảnh hưởng do hạn ít hơn. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con: Đối với những diện tích chè cháy lá, thiệt hại từ 30 - 70%, sẽ tiến hành chăm sóc, chuẩn bị cây giống khi mưa xuống sẽ trồng dặm thêm để đảm bảo mật độ với diện tích chè trồng mới; với chè kinh doanh, khi mưa xuống sẽ làm cỏ, bón phân để chè hồi phục và phát triển. Riêng với gần 850 ha chè cháy trên 70%, buộc phải phá hủy để trồng lại. Hiện tại, tỉnh đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ theo hình thức hỗ trợ thiên tai. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có các giải pháp đầu tư thủy lợi chống hạn cho chè bền vững. Bên cạnh đó cần xem xét đến việc trồng cây che bóng, nghiên cứu tìm ra các loại cây tiêu thụ ít dinh dưỡng, phù hợp để trồng tủ gốc chống hạn. Việc sử dụng máy hái chè cũng cần thận trọng, bởi bên cạnh những ưu điểm, máy hái hè làm giảm khả năng chống hạn của chè.

Thanh Quỳnh - Phú Hương