Không tăng sản lượng nông nghiệp để tránh ảnh hưởng thu nhập

29/06/2015 17:48

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,36%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng không nên đẩy sản lượng của một số mặt hàng trong thời điểm hiện tại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nói về nguyên nhân của việc tăng chậm lại trong ngành nông nghiệp trong phiên họp Chính phủ tổ chức ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, hạn hán và thị trường là hai vấn đề lớn.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, trong lĩnh vực trồng trọt, vụ Đông Xuân cho sản lượng giảm khoảng 160.000 tấn so với cùng kỳ khiến sự đóng góp của ngành bị hạn chế.

"Lúa là một nửa ngành trồng trọt mà ngành trồng trọt lại chiếm khoảng 40% giá trị toàn ngành nông nghiệp nên giảm sản lượng lúa đã ảnh hưởng tới giá trị toàn ngành," Bộ trưởng nói.

Về xuất khẩu, theo báo cáo, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, con số này đạt khoảng 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

"Do thị trường xuất khẩu khó khăn, nhất là cao su, thủy sản nên chúng tôi đề nghị không tăng sản lượng vì trong lúc khó khăn, tăng sản lượng có thể giúp GDP tăng cao nhưng thu nhập người dân sẽ bị ảnh hưởng," Bộ trưởng Phát nêu ý kiến.

Theo Bộ trưởng, định hướng trong lúc này sẽ là tập trung sản xuất những ngành có thị trường và lợi thế như cây ăn quả có múi hoặc một số cây còn thời vụ. Bộ trưởng lấy ví dụ về mặt hàng ngô là một trong những cây có thể tập trung trong những tháng cuối năm bởi trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu khoảng hơn 3 triệu tấn.

Chăn nuôi theo người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đang có thị trường khá tốt vì nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng.

Gợi ý thêm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng các địa phương có thể tập trung vào thị trường tôm khi các doanh nghiệp chuẩn bị ký hợp đồng cho mùa Giáng sinh ở nhiều nước.

Qua đó, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương nên chuyền tải sâu rộng tới nhân dân về tình hình thị trường và hỗ trợ người dân trong việc lập kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi.

Một trong những điểm mấu chốt khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Mặc dù cho rằng, tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt ít nhất bằng năm ngoái, tức là khoảng hơn 30 tỷ USD nhưng Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề thị trường.

"Làm nông nghiệp thì tới vụ phải gặt, phải trồng, không đợi được, nên nếu hoạt động thương mại không kịp thì giá sẽ giảm," Bộ trưởng nói.

Theo Vietnam+