Hiệu quả "kép" từ phát triển thể thao dân tộc

12/07/2015 11:51

(Baonghean) - Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, huyện Quỳ Châu còn quan tâm phát triển các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn như ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy... không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa.

Xã Châu Thuận là một trong những địa bàn còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái Quỳ Châu và cũng là “cái nôi" của nhiều VĐV thể thao dân tộc nổi bật, đóng góp vào thành tích chung của ngành thể thao huyện nhà. Chúng tôi gặp anh Vi Thanh Hoài, cán bộ văn hóa xã Châu Thuận, đồng thời là VĐV ném còn tiêu biểu, đạt thành tích cao trong nhiều hội thi các cấp. Nghe anh chia sẻ về môn ném còn, dễ nhận thấy tình yêu và niềm đam mê ánh lên trong những chuyện kể từ thuở ấu thơ. Rằng, cũng như nhiều người dân tộc Thái khác, quả còn rực rỡ màu sắc đã gắn bó với anh từ tuổi lên 5, lên 7, từ những buổi chiều quanh quẩn bên bà, bên mẹ may những mảnh thổ cẩm làm vỏ còn; lớn hơn chút nữa, theo anh chị lớn hòa vào hội chơi ném còn ngày mừng xuân, ngày lễ, Tết...

Đến năm 2001, khi ngành thể thao huyện nhà tổ chức cuộc thi ném còn tại Lễ hội Hang Bua, anh được xã Châu Thuận chọn tham gia. Đến nay, đã gần 15 năm “chinh chiến” tại các hội thi, giải đấu các cấp, anh Hoài gặt hái được những thành tích đáng kể: HCV tại Ngày hội văn hóa các dân tộc ở Nghệ An nhiều năm liên tục, HCĐ tại Ngày hội văn hóa dân tộc Thái toàn quốc tại Lai Châu năm 2014, HCV môn ném còn cá nhân và đồng đội tại Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung năm 2015 … “Nói là thi, nhưng thực ra ném còn là trò chơi, là môn thể thao quen thuộc với đồng bào Thái nên tôi và mọi người tham gia rất thoải mái, vui vẻ. Ném còn có cái hay là mọi người đều thuộc thể thức chơi, lứa tuổi, giới tính nào cũng chơi được, không tốn nhiều kinh phí đầu tư sân bãi, dụng cụ... nên mang tính quần chúng, lan tỏa cao. Bà con ai cũng nhiệt tình hưởng ứng các hội thi ném còn” - anh Vi Thanh Hoài chia sẻ.

Thi ném còn tại Lễ hội Hang Bua 2014. Ảnh: Trần Ngọc Lan
Thi ném còn tại Lễ hội Hang Bua 2014. Ảnh: Trần Ngọc Lan

Không chỉ ở xã Châu Thuận, mà trên nhiều địa bàn khác của huyện Quỳ Châu, các môn thể thao dân tộc như ném còn, đẩy gậy... phát triển mạnh mẽ, nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo nhân dân. Ở xã Châu Hạnh, chị Lương Thị Thảo (bản Minh Tiến) “nổi tiếng” bởi tài ném còn “bách phát bách trúng” và sự khéo léo, hiệu quả trong môn đẩy gậy, giành nhiều thành tích cao tại các hội thi. “Ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ... thì trong bản, trong xã còn nhiều người biết chơi lắm, không chỉ riêng mình đâu. Đây là môn thể thao truyền thống của đồng bào Thái, nên bà con vừa chơi để rèn luyện sức khỏe, vừa để lớp trẻ nhớ đến nét văn hóa của ông cha” - chị Lương Thị Thảo tâm sự.

Nhiều năm về trước, lớp thanh, thiếu niên trên địa bàn bản Minh Tiến nói riêng, xã Châu Hạnh nói chung bị cuốn theo vòng xoáy của các phương tiện giải trí hiện đại, dẫn đến một số hệ lụy về an sinh xã hội cũng như ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, xa rời văn hóa truyền thống. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Minh Tiến, chị Thảo tham mưu với hội phụ nữ và các ban, ngành, đoàn thể xã Châu Hạnh tổ chức nhiều cuộc thi đấu thể thao, lồng ghép tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa, không chỉ vào dịp đầu xuân, năm mới, mà còn kết hợp hoạt động tại các ngày lễ kỷ niệm trong năm như 8/3, 30/4, 1/5, 2/9... Chị cho biết, những ngày có hoạt động thể thao như vậy, sân bãi thi đấu đều chật kín người dân đến xem như trẩy hội, ai ai cũng háo hức bàn luận, chờ đợi. Đặc biệt, sau một thời gian dài duy trì hoạt động, phần lớn giới trẻ trên địa bàn đã quay trở lại với các hoạt động cộng đồng, hòa mình vào các môn thể thao truyền thống.

Hiệu quả “kép” từ việc phát triển các môn thể thao dân tộc ở Quỳ Châu đến từ quá trình dài quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Trần Việt Đức, Trưởng phòng VH&TT huyện Quỳ Châu cho biết, những năm gần đây, huyện Quỳ Châu đổi mới trong cách tổ chức các hội thi thể thao truyền thống. Theo đó, thay vì tổ chức theo quy mô cấp huyện, từ đầu năm, ngành thể thao lên kế hoạch tổ chức các giải đấu hướng về cơ sở, chia thành 3 cụm. Việc tổ chức các giải đấu theo cụm tạo điều kiện cho đông đảo bà con tham gia hơn so với tổ chức tại trung tâm thị trấn như trước đây, được nhân dân hồ hởi đón nhận. Qua đó, tăng tính lan tỏa cho các hoạt động văn hóa, thể thao, phát hiện được nhiều nhân tố xuất sắc.

Đặc biệt, với đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Quỳ Châu, các môn thể thao như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ... không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, mà còn là “món ăn” tinh thần, là bản sắc văn hóa. “Việc phát triển thể thao dân tộc là hướng đi đúng, hiệu quả, có tác động tích cực đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực đẩy mạnh hoạt động này để tạo điểm nhấn, xây dựng thương hiệu của thể thao dân tộc trên địa bàn huyện Quỳ Châu” - ông Trần Việt Đức khẳng định.

Phước Anh