Hạn chế tác động đến mặt bằng giá

06/08/2015 09:29

(Baonghean) - Ngày 28/7, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về tình hình giá cả thị trường tháng 7/2015, dự báo tình hình tháng 8/2015. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, do tình hình thiên tai diễn biến phức tạp nên các công tác quản lý, kiểm soát giá cả thị trường càng cần phải chặt chẽ, tránh tác động tiêu cực lên tâm lý tiêu dùng và mặt bằng giá cả chung của năm 2015.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng 6/2014. Mức tăng CPI tháng 7/2015 thấp hơn so với tháng trước, và mức CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây. Chỉ số giá vàng tháng 6/2015 giảm 1,24%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,09% so với tháng 6/2015. So với tháng 12/2014, chỉ số giá vàng giảm 1,07%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,01%.

Mặt bằng giá tương đối ổn định

Bộ Tài chính nhận định, xét theo cơ cấu nhóm hàng thì trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, 9 nhóm có CPI tăng so với tháng trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%; chỉ số giá nhóm giáo dục gần như không tăng. Đồng thời, chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông tháng 7/2015 giảm 0,02% so với tháng 6/2015. Xét theo khu vực thành thị, nông thôn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2015 khu vực thành thị tăng 0,12%, khu vực nông thôn tăng 0,14% so với tháng 6/2015. So với tháng 12/2014, CPI tại khu vực thành thị tăng 0,66%, khu vực nông thôn tăng 0,71%.

Quầy hàng gia dụng tại siêu thị Metro (TP.Vinh).Ảnh: Ngọc Anh
Quầy hàng gia dụng tại siêu thị Metro (TP.Vinh). Ảnh: Ngọc Anh


Theo Bộ Tài chính, trong những yếu tố hỗ trợ giá cả thị trường tăng thấp, đáng chú ý là cung cầu hàng hóa dịch vụ thị trường trong nước bảo đảm được cân đối: giá thịt lợn giảm 0,13%, giá thịt gia cầm giảm 0,2% do sản lượng dồi dào, các hộ chăn nuôi đồng loạt xuất chuồng. Đồng thời, công tác quản lý, bình ổn giá tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt, liên tục trong tháng. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường cũng góp phần bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế lạm phát.

Vẫn còn yếu tố tác động lên mặt bằng giá

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, trong tháng 7, do diễn ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên nhu cầu đi lại và ăn uống ngoài gia đình tăng. Ngoài ra, các chi phí về điện, nước, công dịch vụ, chi phí thuê địa điểm, nhân công tăng cũng là nguyên nhân tác động khiến giá một số mặt hàng tăng. Mặt khác, theo quy luật hàng năm vào tháng 7 và tháng 8 sắp bước vào khai giảng năm học mới 2015-2016 nên nhu cầu và sức mua các mặt hàng như quần áo, giày dép tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2015 giá vải các loại tăng 0,38%, mũ nón tăng 0,26%, giày dép tăng 0,18%... so với tháng 6/2015.

Ngoài ra, thời tiết thất thường cũng là một trong những yếu tố quan trọng gây sức ép lên mặt bằng giá. Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu về điện, nước, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng. Nắng nóng cũng gây bất lợi cho việc thu hoạch thủy hải sản, rau củ quả, trái cây… nên giá một số mặt hàng này tăng so với tháng trước. Thêm vào đó, nhu cầu nguyên liệu chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp rằm Trung thu tăng khiến giá một số nguyên liệu tăng (trứng các loại tăng 0,54%, đường tăng 0,58%...).

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 8, dự báo giá thế giới một số mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu thành phẩm, LPG, gạo xuất khẩu tháng 8 giảm hoặc ở mức thấp, tạo thuận lợi cho điều hành giá thị trường trong nước. Trong nước, cung cầu hàng hóa tiếp tục được bảo đảm về số lượng. Tuy nhiên, do chuẩn bị vào năm học 2015-2016 nên nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép và sách vở, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm... được dự báo sẽ tăng nhưng mức tăng không lớn do chương trình bình ổn giá phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả từ đầu năm tại một số địa phương (điển hình là TP Hồ Chí Minh). Mặt khác, tháng 8 tiếp tục là mùa mưa bão, với các tác động đến đời sống và sản xuất có thể ảnh hưởng đến nguồn cung, làm tăng giá cục bộ tại các địa phương bão đi qua.

Trong các kiến nghị biện pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ. Chủ động phòng chống bão, lũ theo chỉ đạo của Trung ương, kịp thời có biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, đời sống. Đồng thời, tiếp tục quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (điện, than, xăng dầu, dịch vụ công...).

Trong trường hợp phải điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp, tránh điều chỉnh dồn vào một đợt hoặc điều chỉnh đồng thời với các mặt hàng khác để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý, hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường năm 2015. Trong đó, đặc biệt đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần phối hợp điều hành hài hòa trong quá trình xây dựng và điều hành giá Dịch vụ khám chữa bệnh và giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình. Song song với đó, cần tiếp tục thực hiện triệt để công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt kiểm soát chặt chẽ ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới và thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.

Sông Hồng