Vấn đề trong chính sách kinh tế của Indonesia
(Baonghean.vn)- Những quan ngại ngày càng tăng lên cho rằng chính quyền Jokowi không có một định hướng rõ ràng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo dường như chưa đưa ra được đường hướng rõ ràng về chính sách kinh tế cho đất nước của ông. Ảnh: Internet. |
Tin tức hồi tuần này thông báo việc Ngân hàng Indonesia sẽ cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch nội địa làm tăng thêm những quan ngại của các chuyên gia phân tích và đầu tư về nền kinh tế yếu ớt của quốc gia này, và về chính sách kinh tế của Tổng thống Joko Widodo. Như tờ Wall Street Journal đưa tin, đạo luật cấm sử dụng ngoại tệ trong thanh toán các giao dịch trong nước thực tế đã được thông qua nhiều năm trước, nhưng giống như nhiều bộ luật khác của Indonesia, nó đã không được đưa vào thực hiện trong nhiều năm - cho tới hiện nay.
Khối lượng giao dịch tại Indonesia được thực hiện bằng ngoại tệ là rất lớn - tờ Wall Street Journal khẳng định “các giao dịch trong đất nước này bằng các đồng tiền ngoài đồng rupiah chiếm khoảng 73 tỷ USD/năm”, trong một đất nước với GDP vào khoảng 900 tỷ USD. Nhiều giao dịch được tiến hành bằng ngoại tệ do các công ty - đặc biệt là các nhà đầu tư lớn tại Indonesia trong các lĩnh vực khai khoáng và các nguồn tài nguyên khác - không muốn nắm giữ các khoản lớn đồng rupiah, vốn là đồng tiền không ổn định từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. Thay vào đó, họ muốn tiến hành các giao dịch bằng đồng USD, euro, yen hoặc trong một số trường hợp là đồng nhân dân tệ. Mùa xuân năm nay, đồng rupiah đã rớt giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, ngân hàng trung ương Indonesia rõ ràng mong đợi luật lệ mới này sẽ giúp ngăn cản sự trượt dài của đồng rupiah.
Dù biện pháp này có hiệu quả ngăn ngừa sự yếu đi của đồng rupiah hay không, nó có thể làm tăng thêm những lo ngại rằng các nhà lãnh đạo Indonesia không có một đường hướng rõ ràng về chính sách kinh tế. Một số công ty không lấy làm thoải mái khi phải làm việc dưới những luật lệ mới này, vì chúng sẽ khiến họ hứng chịu rủi ro cao hơn trong các giao dịch tài chính, dù rằng các bộ luật mới khó có khả năng dẫn tới việc các nhà đầu tư lớn sẽ rời bỏ quốc gia này. Nhưng luật này cũng góp phần làm rối rắm thêm đường hướng chính sách của Jokowi. Tổng thống Jokowi đã đưa ra viễn cảnh nâng cấp cơ sở hạ tầng vật lý của Indonesia - đường sá, cảng biển, nhà máy năng lượng và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác - và thu hút đầu tư nước ngoài tương xứng với quy mô thị trường tiêu dùng lẫn quy mô lực lượng lao động của Indonesia.
Tuy nhiên, dưới thời Jokowi tăng trưởng đã chững lại và khoản đầu tư hết sức cần thiết nọ vẫn chưa trở thành hiện thực. Trong quý I năm nay, tăng trưởng của Indonesia đã rơi xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Chi tiêu tiêu dùng dường như cũng đang chậm lại, có lẽ là phản ứng trước một nền kinh tế yếu hơn và một thị trường việc làm cũng đang suy vi.
Trong khi Jokowi thường được đánh giá là quyết đoán khi còn nắm giữ cương vị thị trưởng Jakarta, ông và chính quyền của mình nhiều lần tỏ ra thiếu quyết đoán từ khi trở thành tổng thống, và đường hướng chính sách của ông về các vấn đề kinh tế đã biến động rõ rệt nhất. Buộc các công ty chỉ được phép sử dụng đồng rupiah có thể là một động thái cần thiết, nhưng nó lại diễn ra sau khi các biện pháp khác không được các nhà đầu tư hoan nghênh. Vị tổng thống này cũng đã quyết đình tái đàm phán các hiệp ước đầu tư song phương với nhiều nước, bao gồm cả Singapore, nước đầu tư nhiều nhất vào Indonesia trong năm 2014. Ông đã tích cực tán thành ý tưởng về các dự án sản xuất quy mô lớn, do nhà nước điều hành, chẳng hạn tạo ra một “chiếc xe thương hiệu quốc gia” như xe hơi Proton của Malaysia. Nhưng hầu như không có bằng chứng nào cho thấy một dự án xe hơi quốc gia như vậy rốt cuộc sẽ đem lại lợi nhuận; quả thực, bất chấp những khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước, Proton đã liên tiếp phải vật lộn mới có thể tồn tại. Trong khi đó, chính quyền Jokowi lại không giải phóng đủ mạnh Danh sách Đầu tư âm, là danh sách các lĩnh vực tại Indonesia mà các nhà đầu tư nước ngoài bị cấm đoán hoặc các khoản đầu tư của họ bị hạn chế gắt gao. Jokowi đã sử dụng một số bài diễn văn thu hút sự chú ý, chẳng hạn như bài phát biểu của ông trước hội nghị thượng đỉnh CEO của APEC mùa thu năm ngoái, để quảng bá Indonesia như là nơi không có nạn quan liêu - rằng ngay bây giờ là thời điểm để đầu tư vào Indonesia. Jokowi đã nói với các nhà đầu tư tiềm năng: “Chúng tôi đang mong đợi các ngài đến với Indonesia”.
Trong năm đầu tiên nắm quyền, Jokowi có thể đơn giản là đang cảm nhận đường hướng về chính sách kinh tế của ông, cũng như cố gắng lèo lái một hệ thống lập pháp mà đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (PDI-P) của ông không giữ vai trò chi phối và phải kiềm chế các phe phái không hẳn lúc nào cũng hòa hợp với nhau. Jokowi là một chính trị gia thiên bẩm hiểu rõ rằng sự kiềm chế đối với chủ nghĩa dân tộc, sự luận bàn về chủ nghĩa bảo hộ đã luôn hiện hữu trong xã hội Indonesia và vẫn còn tồn tại rất mạnh mẽ đến tận hiện nay. Tuy nhiên, Indonesia không thể nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước này, tự định vị mình là một trung tâm vận tải, sản xuất lượng điện năng đáng tin cậy, hay bổ sung giá trị cho các ngành công nghiệp sản xuất mà không có số vốn đầu tư lớn, cả từ các công ty trong nước lẫn các công ty lớn của nước ngoài.
Thu Giang
(Theo The Diplomat)
TIN LIÊN QUAN