Kỳ thú du lịch hang động
(Baonghean) - Theo thống kê của học giả Trần Kim Đôn trong công trình “Địa lý tỉnh Nghệ An” xuất bản năm 2009: Với sự phân bố chủ yếu của địa hình núi đá vôi ở các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Con Cuông, Anh Sơn và một phần rải rác ở Yên Thành, Quỳnh Lưu thì Nghệ An hiện có 61 hang động đẹp phục vụ cho mục đích dân sự và quân sự, có thể kể đến như Thăm Bua, Thăm Ồm (Quỳ Châu), hang Poòng (Quỳ Hợp), hang Mặt Trắng (Bài Sơn, Đô Lương), Thung Khiển (Tân Hợp, Tân Kỳ)… Mỗi hang động đều mang một vẻ đẹp riêng.
Hang núi Rồng (xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu) nằm sát bãi tắm Quỳnh Nghĩa tập hợp tất cả vẻ đẹp quyến rũ độc đáo, sự lãng mạn của bậc thầy kiến trúc “đá, gió và sóng nước”. Tất cả các cửa hang đều thông ra biển, vậy nên người ta ví von rằng hang núi Rồng chính là cái miệng của một con Rồng hóa đá đang hút nước biển khơi.
Động Lèn Voi - Tường Sơn (Anh Sơn); |
Trước hang núi Rồng có bãi tắm cát trắng, nước trong xanh mát lành, bên trong hang có giếng trời thông thoáng đủ để du khách chiêm ngưỡng hệ thống thạch nhũ “kỳ quái”, muôn hình vạn vẻ, lấp lánh sắc màu. Đá, gió và sóng biển đã sắp đặt thạch nhũ nơi đây tạo nên những đường nét hoa văn kỳ thú, những hình khối, bức phù điêu độc đáo theo một “ý đồ” nghệ thuật độc đáo mà thiên nhiên ban tặng. Đến với hang núi Rồng để thử cảm giác mạnh, được thưởng thức hải sản, rong biển, được đánh bắt và chế bến ngay tại chỗ.
Hang Núi Rồng - Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu); |
Cũng mang vẻ đẹp mê hồn, quần thể hang động núi đá ở miền Tây Nghệ An là những thắng cảnh kỳ vĩ, song điều khác biệt ở đây là những hang đá này đều mang hơi ấm, dấu ấn của con người tiền sử. Đó là hang Bua được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Hang rộng rãi, nằm ở núi Phà Én, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Nhũ đá trong hang được kiến tạo rất kỳ lạ với nhiều hình thù sinh động như ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ, bồ đựng lúa, giường công chúa, chậu nước, ruộng bậc thang, tượng phật, chim chóc, con ếch, bầu vú đá… Ngoài ra, còn có nhiều dụng cụ sinh hoạt của đồng bào Thái như cái liềm, lưỡi hái. Từng giọt nước lấp lánh rỏ từ nhũ đá như khắc khoải kể về bao huyền thoại.
Hang Bua có vẻ đẹp của huyền sử, huyền tích, của không gian có chiều sâu được hình thành bởi văn hoá và lễ hội văn hoá, các nghi thức trọng thể đậm màu sắc tộc người. Theo sử sách ghi lại, vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã từng đến vãn cảnh hang Bua. Hàng năm, vào ngày 21, 22 và 23 tháng Giêng âm lịch diễn ra Lễ hội Hang Bua. Lễ hội quy tụ đông đảo bà con đồng bào dân tộc các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, với những hoạt động đặc sắc trong Lễ hội như: thi người đẹp vùng sơn cước, nhảy sạp, thổi khèn, bắn nỏ, ném còn… luôn đem lại không khí tươi vui, sôi nổi cho ngày hội.
Thăm Bua - Châu Tiến (Quỳ Châu); |
Không xa Thăm Bua là Thăm Ồm, Thăm Chạng (xã Châu Thuận) - Hai hang này là di chỉ khảo cổ quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, nơi đầu tiên phát hiện được di cốt răng hóa thạch của người vượn, có kèm theo công cụ lao động bằng đá thô sơ, cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác. Qua đó đã chứng minh được sự tồn tại liên tục của con người trên mảnh đất Châu Thuận từ thời đại đồ đã cũ (25.000 năm trước) cho đến nay. Hiện tại, Thăm Ồm là thắng cảnh thu hút nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Hang động cao ráo, thoáng đãng. Càng vào sâu, hang càng rộng, chia làm nhiều ngách, nhánh tạo ra một mê cung. Trần hang là vô vàn thạch nhũ, xung quanh là những lớp trầm tích màu đỏ, màu vàng xếp lớp tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền ảo. Đi vào sâu, có khá nhiều dòng suối ngầm, lộ thiên chảy qua, tạo nên những trảng cát phẳng mịn. Bên cạnh đó, Quỳ Châu còn có nhiều hang động đẹp khác như hang Cỏ Ngụn, hang Dơi ở xã Châu Bính. Có thể nói, tất cả các hang đá ở Quỳ Châu và 16 hang lớn nhỏ ở huyện Quế Phong đều tuyệt đẹp, huyền bí khiến người đến một lần cứ ngẩn ngơ.
Thăm Nàng Màn - Yên Khê (Con Cuông). |
Ngoài ra còn có quần thể hang động kỳ thú ở các huyện dọc Quốc lộ 7: Lèn đá Thung Bò (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) với nhiều ký tự chưa được giải mã khắc chìm trong đá và ít nhất có 4 hình người được khắc bằng những nét khắc khá giản đơn; động lèn Voi ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) với những khối trụ đá to, tràn hang cao choáng ngợp với nhiều nhũ đá, măng đá, ruộng bậc thang, hình tượng muông thú; là quần thể hang động dài hơn 1,6 km mới được tìm thấy tại khu vực núi Thung Khiển xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ với vô số thạch nhũ với muôn vàn kiểu dáng khác nhau; là Thăm Nàng Màn tuyệt đẹp ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông với huyền tích nghịch cảnh tình yêu cấm đoán.
Ngược dòng Nậm Nơn, du khách sẽ đến với hệ thống hang động Thăm Lạn ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Hang động này gắn liền với chuyện tình đôi lứa giữa cô gái Thái xinh đẹp và chàng trai con Trời. Thăm Lạn theo tiếng Thái là “hang vạn người” ý nói sự rộng rãi. Bước vào nơi đây là đến với một thế giới riêng của nhũ đá, màng rêu lấp lánh hấp dẫn. Mùa hè, vào trong hang không khí trong lành, mát lạnh, mùa đông, hang ấm áp với hơi sương mờ ảo. Trước vẻ đẹp hấp dẫn đó, huyện Kỳ Sơn đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng tuyến du lịch kết nối các vùng miền đến thị trấn Mường Xén vào thung lũng Mường Lống (có khí hậu giống SaPa), tham quan “Thẳm Đạn” và du thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ phía thượng nguồn dòng Nậm Nơn.
Theo nghiên cứu của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thì tiềm năng khảo cổ học ở Nghệ An là rất lớn. Những kết quả khảo sát bước đầu ở 20 hang động tại 4 huyện cho thấy hệ thống các di tích khảo cổ ở Nghệ An có vị trí nhất định trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc và có giá trị rất lớn về mặt phát triển du lịch địa phương…Hang động Nghệ An đậm dấu tích tiền nhân - khi chưa có đủ điều kiện để thực hiện một lễ hội hang động như ở Quảng Bình thì nên chăng cần một sự quy hoạch quần thể các hang động để làm phong phú điểm đến du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ và danh thắng của tỉnh.
Thanh Sơn