Khéo huy động sức dân trong xây dựng NTM
(Baonghean) - Mục tiêu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2020 trong điều kiện là một huyện miền núi đã thể hiện sự nỗ lực, bứt phá, quyết tâm cao của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi phải vận dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó cần chú trọng huy động sức dân, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Về Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) thời điểm này dễ dàng nhận thấy một không khí rạo rực phấn khởi của Đảng bộ, nhân dân nơi đây khi xã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đường liên thôn từ trụ sở xã về các xóm bản như ngắn lại bởi sự thoáng rộng, bê tông thay thế hoàn toàn con đường nhỏ hẹp ngày trước. Ông Lê Văn Xuyên, Xóm trưởng xóm Nam Sơn, một trong những xóm thuộc Chương trình 135/CP khoe: Nam Sơn đi đầu trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Một xóm nhỏ chỉ có 67 hộ, 232 nhân khẩu mà đã hiến hơn 4.000m2 đất các loại, 300 cây xanh và mỗi khẩu đóng góp hơn 1 triệu đồng. Những thành quả về đóng góp sức người, sức của của bà con Nam Sơn đã tạo nên bộ mặt nông thôn mới trên nền xóm cũ.
Thi công đường GTNT tại xã Nghĩa Long. Ảnh: h.n |
Rời Nam Sơn, đến với Nam Thắng, Xóm trưởng Hồ Thị Châu vẫn chưa hết ngỡ ngàng bởi “kỳ tích” mà ban chi ủy, ban cán sự xóm đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đạt được. Kết thúc 5 tháng “chiến dịch”, xóm đã vận động nhân dân ra quân làm đường GTNT hoàn thành đường nội xóm dài 1,8 km, rộng 7 m và xây dựng nhà văn hóa xóm đạt chuẩn. Với phương châm “bám dân, kiên trì vận động thuyết phục”, chị Châu đã cùng Ban công tác Mặt trận xóm Nam Thắng không những trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu hoàn thành các tiêu chí của Nghĩa Long mà uy tín người cán bộ, đảng viên cũng được nâng cao.
Nghĩa Long là xã miền núi nghèo (trước đây thuộc Chương trình 135/CP của huyện Nghĩa Đàn) đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới. Để đạt được thành tích này, ngoài sự chỉ đạo sát sao, sự quan tâm đầu tư của huyện, yếu tố quyết định vẫn là sự đồng thuận của hệ thống chính trị, sự đoàn kết, huy động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, UBND xã cụ thể hóa bằng đề án chỉ đạo các xóm thực hiện. Ở Nghĩa Long, để trở thành phong trào sâu rộng có hiệu quả, cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu thực hiện trước, tạo chuyển động, làm gương để nhân dân hưởng ứng, tích cực đóng góp chung tay xây dựng. Qua gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, nhân dân hiến đất và cây cối để mở rộng đường giao thông liên xã, liên xóm, làm mới được 42,7 km đường giao thông, đồng ruộng được chỉnh trang, hệ thống mương máng, hồ đập được nâng cấp, cơ giới hóa được đưa vào phục vụ sản xuất... Tổng số tiền đầu tư xây dựng NTM là trên 180 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp đến 67,6 tỷ đồng, chiếm 36,5%. Đầu năm 2015, Nghĩa Long đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, ngày 22/5/2015, xã Nghĩa Long đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Trương Đình Thống, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Tất cả là từ sức dân. Thực tế tại Nghĩa Long là biết kế thừa và phát huy kinh nghiệm thành công từ các chương trình, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chúng tôi luôn coi trọng nguyên tắc phải để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân hưởng thụ”.
Về đích nông thôn mới cùng thời điểm với Nghĩa Long, xã Nghĩa Bình thực hiện các tiêu chí trong bối cảnh xã mới chia tách để thành lập Thị trấn Nghĩa Đàn nên cũng bộn bề khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của Đảng ủy, UBND xã, sự đồng thuận của toàn dân mong muốn gây dựng lại một xã Nghĩa Bình mới hoàn toàn đổi khác đã tạo thành những phong trào thi đua tại mỗi cụm dân cư, mỗi thôn xóm. Đảng ủy ra Nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình hành động theo nguyên tắc “Tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ”, chọn xóm Bình Thành làm điểm, từ đó nhân rộng, rút kinh nghiệm. Chỉ 4 năm sau đó, Nghĩa Bình đã làm mới được 18,418 km đường bê tông GTNT, xây mới trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hóa đa chức năng, trạm y tế xã; xây dựng và nâng cấp, sửa chữa 6 nhà văn hóa xóm và 7 phòng học... Đồng chí Phạm Hải, Bí thư Đảng ủy xã đúc rút: “Xây dựng thành công xã nông thôn mới, chúng tôi thấy yếu tố quan trọng nhất đó là sự kết hợp ý Đảng, lòng dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, sự tranh thủ được ngoại lực, sự đầu tư của cấp trên, sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp, đặc biệt là đã khơi dậy được sức dân..”. Từ thành công xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Nghĩa Đàn đang tạo khí thế, tiền đề quan trọng cho mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghĩa Bình thành xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện.
Rõ ràng yếu tố quyết định cho sự thành công trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nội lực, là sự huy động công sức, tiền của của nhân dân. Điều này, không chỉ đúng và là bài học kinh nghiệm thành công tại 2 xã đạt chuẩn mới được UBND tỉnh quyết định công nhận mà các xã còn lại của huyện Nghĩa Đàn cũng đã và đang vận dụng vào thực tiễn một cách có hiệu quả. Xã Nghĩa Tân, một trong những xã đạt được 14 tiêu chí, đang đăng ký về đích nông thôn mới vào năm 2016. Về xóm Tân Hồng nghe câu chuyện vận động toàn dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả đã trở thành mô hình cho các xóm khác làm theo. Dẫn chúng tôi dọc theo con đường thoáng rộng mà mới hơn 2 tháng trước phần lớn còn là đất vườn của các hộ dân, đồng chí Nguyễn Văn Sâm, Bí thư Chi bộ Tân Hồng chia sẻ: Tân Hồng là xóm vùng sâu, vùng xa nên chi bộ và nhân dân xác định rõ chỉ có làm GTNT mới rút ngắn được khoảng cách, nhanh đưa xóm phát triển hòa nhập với các xóm vùng trung tâm. Rồi vào cuộc, cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi trước tạo phong trào. Rồi đồng chí viện dẫn thực tế ở Tân Hồng có những cán bộ, đảng viên đi đầu như: đảng viên Nguyễn Thị Phương tự nguyện tháo dỡ 75m bờ rào, hiến hơn 100m2 đất, hay như CCB Hồ Bá Tình dỡ gần 50m tường rào xây, hiến gần 100m2 đất...
Có thể nói, mục tiêu của Nghĩa Đàn phấn đấu đến 2020 sẽ về đích nông thôn mới là thể hiện rõ sự quyết tâm chính trị cao, một bước bứt phá mạnh mẽ toàn diện. Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi phải có lộ trình, giải pháp phù hợp cho từng năm, đặc biệt phải phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn nội lực. Đồng chí Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Nghĩa Đàn cho biết: Huyện sẽ rà soát từng xã để xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời huy động các nguồn lực, trong đó chú trọng huy động nội lực sức dân một cách hợp lý. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo phong trào sâu rộng và khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hưng Châu