Ông chủ trẻ ở Giáo họ Văn Thai

06/08/2015 17:38

(Baonghean) - Mới 28 tuổi, anh Hồ Văn Tứ đã là chủ một cơ sở lắp đặt các sản phẩm nhôm kính, in phun quảng cáo, tạo việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên địa phương. Anh còn là hạt nhân tích cực trong các phong trào văn hoá, thể thao; gương thanh niên giáo dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi, sống tốt đời đẹp đạo ở xã miền biển Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.

Xưởng lắp đặt các sản phẩm nhôm kính và cơ khí mang tên Thiên Văn nằm cạnh con đường làng chạy thẳng qua trung tâm xã Sơn Hải, nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân địa phương khi có nhu cầu xây dựng nhà cửa. Xưởng hiện đang tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, với thu nhập trên 200 triệu đồng năm. Đây là cơ ngơi của ông chủ trẻ Hồ Văn Tứ, một thanh niên xóm giáo Văn Thai.

Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong làm ăn, anh từ tốn: “Bí quyết của mình đơn giản chỉ là quyết tâm và chăm chỉ”. Quê anh một làng quê miệt biển, bao đời người dân quanh năm dãi nắng, dầm sương nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn trăm bề. Từ bé đã biết đến vị mặn mòi, cực nhọc của cuộc sống ngư dân ra khơi vào lộng. Học hết lớp 9, Hồ Văn Tứ đi học nghề, phụ giúp bố mẹ. Anh lặn lội vào tận Vũng Tàu để học nghề thiết kế, vẽ quảng cáo tại gia đình cậu ruột. Vốn có “tài lẻ” và đam mê vẽ nên Tứ tiếp thu rất nhanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Tứ đã có thể phụ việc rồi trở thành thợ của xưởng sản xuất. 5 năm vừa học vừa luyện tay nghề, Tứ không chỉ tự lo cho bản thân mà còn gửi tiền về phụ bố mẹ lo cho 3 em ăn học.

Xưởng sản xuất nhôm kính của anh Hồ Văn Tứ (Sơn Hải, Quỳnh Lưu).
Xưởng sản xuất nhôm kính của anh Hồ Văn Tứ (Sơn Hải, Quỳnh Lưu).

Khi đã thạo nghề, Tứ bắt đầu nuôi dự định về quê tự mở xưởng sản xuất. Năm 20 tuổi, anh đi xuất khẩu lao động, với ý nghĩ tích luỹ ít vốn về phát triển nghề. Thế nhưng, lao động ở nước ngoài cũng gặp rất khó khăn, sau hơn 1 năm đi lao động trở về anh vẫn “tay trắng”. Không từ bỏ ý định bám quê lập nghiệp, Tứ xin vào làm thuê cho một cơ sở chuyên làm quảng cáo ở Thị trấn Diễn Châu để vừa tích luỹ vốn, vừa tìm hiểu thị trường, tìm kiếm bạn hàng. Chỉ sau hơn 1 năm, khi đã tự tin có được các mối quan hệ công việc, Tứ mạnh dạn mở cửa hàng chuyên sản xuất các biển hiệu, in, phun quảng cáo ngay tại xã nhà. Chỉ với chút vốn liếng ít ỏi, anh vay mượn thêm bạn bè được gần 30 triệu đồng để đầu tư một bộ máy tính và một máy in quảng cáo.

Một thời gian sau, nhận thấy nghề làm biển hiệu quảng cáo ở quê khó phát triển vì nhu cầu ít. Trong khi nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều. Anh bắt đầu có ý tưởng làm các loại sản phẩm nhôm kính lắp đặt các công trình xây dựng tại địa phương. Nhưng, cái khó là chuyên môn về lĩnh vực này anh lại hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Anh khắc phục bằng cách thuê thợ làm nhôm kính và gò hàn giỏi về làm cho xưởng của mình, với mức lương khá hấp dẫn. Tứ vừa làm quản lý, chịu trách nhiệm về đầu vào, đầu ra của sản phẩm và anh không ngần ngại trực tiếp học hỏi nghề từ những người thợ của mình. Đồng thời hỗ trợ cho thợ làm các sản phẩm đòi hỏi tinh xảo, với những chi tiết khó.

Thế nhưng, con đường khởi nghiệp của anh thanh niên giáo dân ấy không ít khó khăn, có những lúc bế tắc. Anh chia sẻ: “Những năm đầu lập nghiệp vừa thiếu vốn để mua các loại máy móc sản xuất. Thêm nữa, đặc thù của nghề cơ khí, nhôm kính cần nguồn vốn lớn để lấy nguyên, vật liệu cho sản xuất nên hầu như lúc nào cũng phải vay tiền ngân hàng, rồi vừa làm vừa trả nợ. Có lúc tưởng chừng không gượng nổi”.

Quê anh, người dân chỉ rặt mỗi nghề đi biển mưu sinh, cái nghề bấp bênh theo con sóng ấy giờ ít người bám trụ được. Bởi thế, anh luôn quyết tâm “đã tạo được việc làm cho thanh niên làng mình rồi thì phải luôn trăn trở để duy trì, phát triển bằng được”. Bởi thế, anh vừa lặn lội đi tìm kiếm nguồn nguyên liệu giá rẻ, vừa phải mở rộng giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Nhờ khai thác đúng nhu cầu thị trường và phát huy được năng lực của thợ làm có tay nghề tốt, cùng với phương châm lấy chữ tín làm đầu, luôn chú trọng chăm sóc khách hàng nên xưởng của anh trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong và ngoài xã. Các sản phẩm như mái tôn, cửa cuốn, cửa sổ, tủ nhôm, cổng sắt... của cơ sở do anh làm chủ ngày càng được khách hàng ưa chuộng và tìm đến đặt hàng. Sau hơn 4 năm miệt mài lao động, từ hai bàn tay trắng, đến nay Hồ Văn Tứ đã mở rộng thêm xưởng lắp đặt nhôm kính, gò hàn rộng 100m2. Cơ sở của anh đã có tổng nguồn vốn gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ giỏi giang, năng động trong phát triển kinh tế, Tứ còn đảm nhận vai trò Trưởng ban giới trẻ của Giáo họ Văn Thai, là hạt nhân của các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao của giáo họ. Nhờ sự đóng góp tích cực, tiên phong của anh mà các phong trào văn hoá của xóm giáo Văn Thai ngày một phát triển, là một trong những điểm sáng của xã Sơn Hải.

Nguyên là bí thư chi đoàn của xóm giáo toàn tòng nên anh luôn trăn trở để phát động, tổ chức các phong trào, hoạt động để góp phần tăng cường tình đoàn kết lương - giáo trong cộng đồng. Anh tiên phong kêu gọi thành lập và duy trì phát triển đội bóng của thanh niên trong xã. Mới đây anh khai trương cửa hàng đồng phục, dụng cụ thể thao ngay trung tâm xã (hỗ trợ giá cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn). Đó không chỉ là hướng kinh doanh mới của anh thanh niên giáo dân năng động giàu khát vọng mà hơn hết để thoả ước mong trẻ em có điều kiện được vui chơi, phát triển lành mạnh. Nói về đoàn viên Hồ Văn Tứ, chị Phạm Thị Tâm, Bí thư Đoàn xã Sơn Hải cho biết: “Luôn đi đầu trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, sống đẹp, sống có ích, anh Hồ Văn Tứ là một trong những điển hình thanh niên giáo dân tiêu biểu của xã. Bên cạnh ý chí lập nghiệp làm giàu cho bản thân, anh Tứ luôn ý thức tạo điều kiện việc làm cho thanh niên địa phương. Bởi thế, Đoàn xã đang tạo điều kiện để Tứ được vay vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương”.

Đinh Nguyệt