Nâng cao tính liên kết trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN

10/07/2015 07:24

(Baonghean) - Khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy tốc độ và chất lượng của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống và sản xuất thu hút sự quan tâm chú ý của toàn xã hội - thể hiện qua phiên chất vấn giàu nội dung và tính trao đổi giữa Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ với các đại biểu HĐND tỉnh trong kỳ họp thứ 14.

Ươm giống chanh leo tại Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga.  Ảnh: Trần Hải
Ươm giống chanh leo tại Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga. Ảnh: Trần Hải

Tại phiên chất vấn, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ nhận được 11 câu hỏi của các đại biểu HĐND, xoay quanh 3 vấn đề như sau:

Thứ nhất, tình trạng “đề tài trong ngăn kéo” - có nghĩa là những đề tài, dự án không đạt hiệu quả trong thực tiễn, không thể triển khai trên diện rộng hoặc triển khai được nhưng không mang lại giá trị cao. Trên thực tế, đây cũng là tình trạng chung của hoạt động KHCN trên phạm vi toàn quốc, được Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đề cập đến trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 9. Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Thanh Chương) và đại biểu Đỗ Đình Quang (Thành phố Vinh) cũng đặt câu hỏi về việc triển khai và hiệu quả của các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn. Theo ý kiến của đại biểu, vai trò của khoa học công nghệ trong sự phát triển, chuyển biến của các lĩnh vực như văn hoá dân tộc, văn hoá tâm linh,… không thể hiện rõ nét và dễ nhận thấy như trong lĩnh vực sản xuất, kinh tế. Đối với một vùng đất có nền văn hoá đa dạng và bề dày lịch sử như Nghệ An, phát triển văn hoá - xã hội cũng là một vấn đề cần được quan tâm trong thời đại mới này.

Thứ hai, đối với những đề tài, dự án đã thành công và đưa vào nhân rộng, các đại biểu Lê Văn Trí (Anh Sơn) và đại biểu Trần Tấn Quý (Đô Lương) đều quan tâm đến khâu “hậu” mô hình. Cho đến thời điểm hiện tại, cơ chế tác động KHCN vào sản xuất còn mang tính “mắt xích” và nặng về tư duy đầu vào. Có nghĩa là, tác động riêng rẽ vào một khâu, một “mắt xích” trong chuỗi sản xuất chứ chưa đồng bộ. Ví dụ, hỗ trợ người dân sử dụng KHCN trong khâu cây, con giống và quy trình sản xuất, nhưng chưa chú trọng nhiều đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đây là những “mắt xích” quan trọng khép lại chuỗi sản xuất và có tính quyết định đối với sự phát triển và duy trì của một mô hình. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng khi nguồn hỗ trợ ban đầu không còn nữa, người dân bỏ mô hình và trở lại với cách thức sản xuất cũ.

Cuối cùng, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, tồn tại trong việc đưa KHCN vào thực tiễn, những định hướng, giải pháp trong thời gian tới để KHCN tạo được sức ảnh hưởng sâu, rộng và đột phá, đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Các đại biểu Nguyễn Chí Nhâm (Nam Đàn), Lê Văn Cầm (Diễn Châu) nêu lên 2 lý do giả thiết là khâu khảo sát, tham mưu đề tài chưa sát với thực tiễn hoặc do cơ chế, chính sách thực hiện chưa gắn với thị trường, doanh nghiệp. Các đại biểu Phan Nhật Phương (Nghĩa Đàn), Lê Thị Nhan (Diễn Châu), Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) và Trương Văn Hiền (Yên Thành) nêu lên những giải pháp như điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KHCN cho địa phương, doanh nghiệp; gắn với các chương trình trọng điểm như xây dựng nông thôn mới, cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN.

“Khoa học công nghệ là một lĩnh vực rộng, sâu và nhiều rủi ro”

Giải trình và trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu, đối với vấn đề thứ nhất, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho biết, hoạt động KHCN của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2011 - 2015 được đánh giá là tương đối tốt so với mặt bằng chung cả nước. Trong số gần 190 đề tài, dự án cấp tỉnh và 6 đề tài, dự án cấp Trung ương, có trên 70% được đánh giá đạt hiệu quả tốt, gần 30% ít có hiệu quả. Tỷ lệ này ở phạm vi trung bình cả nước là 60 - 65% so với 40 - 35%. Đồng thời, từ sau năm 2013, tỷ lệ đề tài, dự án thành công có xu hướng tăng lên.

Trong vòng 5 năm, tổng nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực KHCN là 161 tỷ đồng, mức đầu tư mỗi năm tăng khoảng 10% so với năm trước, nhưng tỷ lệ chi sự nghiệp/chi ngân sách lại có chiều hướng giảm. Nguồn lực cho phát triển KHCN chưa phải là nhiều, hàm lượng công nghệ trong các đề tài, dự án và sản phẩm chưa cao, chưa khai thác được tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ứng dụng KHCN đã và đang có những đóng góp tích cực đáng được ghi nhận cho phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ, trong nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, sản lượng thu hoạch của các loại nông sản chính như lúa, chè, lạc, mía (năm 2014 so với năm 2010 tăng từ 7 - 15% tuỳ loại nông sản); nhân rộng thành công các mô hình sản xuất các giống cây có giá trị thương phẩm như chè tuyết shan (Kỳ Sơn), chanh leo (Quế Phong), rau an toàn (Tương Dương),… Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ sinh học đã góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất nông nghiệp, với các chế phẩm như giống nấm (Tân Kỳ, Yên Thành), thức ăn cho gia súc từ cây ngô, lá sắn (Thanh Chương, Anh Sơn), đệm lót sinh học (Diễn Châu, Đô Lương);…

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa ở trang trại TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: C.L
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa ở trang trại TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: C.L

Riêng đối với lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, ông Trần Quốc Thành cho biết, Sở KH&CN đã triển khai một số đề tài như nghiên cứu về văn hoá các dân tộc thông qua các lễ hội truyền thống; khảo sát về đền, chùa trên địa bàn tỉnh; dạy học và xây dựng phần mềm dạy bộ chữ cái tiếng Thái;… Cụ thể, đề tài về các lễ hội dân gian đã nghiệm thu giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2 thí điểm Lễ hội Đền Chín gian; đề tài nghiên cứu khảo sát đền, chùa đã hoàn thành, xây dựng được cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh. Riêng đề tài về khôi phục, dạy bộ chữ cái tiếng Thái chưa nghiệm thu nhưng đang triển khai khá tốt ở Quỳ Hợp, Quế Phong. Có thể sẽ triển khai vào năm 2016 ở Tương Dương theo đề xuất, yêu cầu của địa phương. Kết quả nghiệm thu của những đề án hoàn thành được chuyển giao cho Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch sử dụng.

Bên cạnh những kết quả trên, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cũng ghi nhận ý kiến ở nhóm vấn đề thứ hai, theo đó sự tác động của KHCN vào sản xuất kinh tế vẫn còn mang tính chất rời rạc, chưa có sự đồng bộ và tính xuyên suốt. Có những đề tài, dự án khởi điểm được hỗ trợ về giống, sau một thời gian triển khai không thể duy trì vì nguồn giống không tự chủ được, phụ thuộc vào nguồn từ cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương. Đó thường là trường hợp của những giống cây, con mới, không phải giống bản địa, chỉ có thể thực hiện ở quy mô mô hình nhỏ. Có khi, vấn đề lại nằm ở khâu chế biến, tiêu thụ: ví dụ như mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm, cho sản lượng lên đến 30 tấn/ha nhưng chỉ có thể bán ở mức nhỏ lẻ cho các nhà hàng địa phương, không đảm bảo đầu ra ổn định nên không duy trì, nhân rộng được. Đó là những bất cập trong quá trình ứng dụng KHCN vào thực tiễn mà cơ quan chủ quản là Sở Khoa học & Công nghệ nhìn nhận trách nhiệm, rút ra bài học cho thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những lý do chủ quan đến từ đơn vị chủ quản, có cả những nguyên nhân khách quan, bởi có một thực tế là lĩnh vực KHCN là một lĩnh vực rộng về phạm vi ảnh hưởng, sâu về hàm lượng chất xám và chứa đựng nhiều rủi ro khi đi từ lý thuyết đến thực tế. Một trong số những trở ngại cho việc đưa KHCN vào đời sống là lối tư duy thụ động của một số người dân, bỏ mô hình khi không được cấp nguồn kinh phí hỗ trợ và quay trở lại với phương thức sản xuất truyền thống với hàm lượng công nghệ hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự vào cuộc, theo dõi sát sao của các cấp, các ngành và có điều chỉnh trong cách thức triển khai mô hình sau khi Sở Khoa học & Công nghệ đã hoàn thành chuyển giao. Mô hình chanh leo ở Quế Phong là một hình mẫu được thực hiện rất bài bản với mức độ, cơ chế hỗ trợ giảm từ từ mỗi năm. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một quá trình nhất định, người dân sẽ quen dần với lối sản xuất kiểu mới, tạo nên sức bền của mô hình.

Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ khẳng định: “Hiệu quả ứng dụng KHCN vào thực tiễn chưa thực sự cao, là bởi cả hai lý do. Trước tiên là ở khâu khảo sát, tham mưu, chưa thực sự sát với tình hình thực tiễn. Sở Khoa học & Công nghệ có nhiệm vụ tiếp nhận các đề xuất, kết luận của Hội đồng khoa học các cấp, các ngành; nghiên cứu, rà soát lại để tham mưu với Hội đồng khoa học cấp tỉnh. Sở nhận trách nhiệm về việc chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ sàng lọc và tham mưu, để xảy ra trường hợp đề tài, dự án không thành công do không phù hợp với tình hình thực tế địa phương”. Lý do thứ hai là ở cơ chế, chính sách phát triển KHCN còn trải dàn với 12 chương trình (Trung ương có 14 chương trình), dẫn đến phân tán nguồn lực, đầu tư manh mún, thiếu trọng tâm. Bộ máy nhân lực hoạt động trong lĩnh vực KHCN còn hạn chế, có nơi chưa có cán bộ chuyên trách, chưa dành được sự quan tâm đúng mực cho phát triển KHCN.

Những giải pháp

Để khắc phục và nâng cao chất lượng hoạt động KHCN cũng như hiệu quả trong thực tiễn, thời gian tới đây, Sở Khoa học & Công nghệ xác định tham mưu và triển khai những giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, từ 12 chương trình giảm xuống còn 6 chương trình. Trong đó, ưu tiên những đề tài, dự án do các đơn vị, cấp, ngành và doanh nghiệp đặt hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Xác định xây dựng mô hình theo chuỗi khép kín, gắn kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, lồng ghép với nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho địa phương, với 100 sản phẩm chủ lực đã được lên danh sách.

Thứ hai, để tăng cường nguồn lực cho phát triển KHCN, xác định đẩy mạnh hai mũi: phát triển KHCN trong khối doanh nghiệp và huy động nguồn lực xã hội hoá. Hiện nay, Nghệ An có 4 doanh nghiệp KHCN, nhưng trong số gần 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, mức độ tham gia vào phát triển KHCN còn chưa cao. Phải làm sao hướng đến dịch chuyển tỷ lệ ngân sách nhà nước/vốn doanh nghiệp cho phát triển KHCN, thông qua dịch chuyển tư duy của nhà doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa của KHCN đối với phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Đối với những doanh nghiệp nhỏ, sẽ vận động trích phần lợi nhuận để gây quỹ phát triển và đổi mới công nghệ và cho vay vốn để phát triển KHCN khi doanh nghiệp có nhu cầu.

Cuối cùng, cần kiện toàn bộ máy nhân lực KHCN và quản lý nhà nước, tăng tính liên kết giữa các sở chủ quản với các cấp, các ngành. Như vậy, không chỉ đảm bảo tính thực tiễn cho công tác nghiên cứu, khảo sát mà còn tạo nền tảng cho các ứng dụng KHCN đi vào đời sống một cách thuận lợi, bài bản.

Kết thúc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn, thay mặt chủ tọa đánh giá cao sự trao đổi tích cực giữa Sở Khoa học & Công nghệ và các đại biểu; đồng thời khẳng định: “Thị trường KHCN là một thị trường đặc biệt, nơi mà các tiến bộ KHCN là những sản phẩm và nhà khoa học là nhà sản xuất. Trên thị trường ấy, cũng tồn tại người tiêu dùng, mạng lưới dịch vụ,…tức là cũng cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên là Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Song song với tính liên kết, cũng phải tăng cường cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp để đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo và khả năng phục vụ thiết thực nhất cho xã hội”.

Thục Anh