Làm giàu từ sản phẩm truyền thống

24/08/2015 08:23

(Baonghean) - Lập nghiệp với nhiều khó khăn, thách thức khi mới gia nhập thương trường, nhưng bằng niềm đam mê kinh doanh, chàng trai trẻ Hoàng Văn Tài, ở xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) đã sớm khẳng định trách nhiệm và thành công trong việc giới thiệu sản phẩm quê hương tới nhiều nơi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, 5 tuổi bố qua đời, cuộc sống gia đình khó khăn nên cả 4 chị em Hoàng Văn Tài không ai được học hành đầy đủ. Ở độ tuổi cắp sách đến trường nhưng anh đã bươn chải nhiều nơi làm thuê để có tiền phụ giúp gia đình.

Năm 2006, anh tham gia xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga, 8 năm nơi xứ người, với nhiều công việc khác nhau, anh đã có điều kiện học hỏi và hiểu rõ hơn về công việc kinh doanh. Nơi xứ người, anh đã nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Hằng (huyện Đô Lương). Sau khi tích góp được một ít số vốn, anh xác định không thể tiếp tục làm thuê mãi ở xứ người được. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trước khi về nước, qua tìm hiểu, anh được biết, tại quê vợ Đô Lương, việc sản xuất bánh đa nem truyền thống đang khá phát triển. Vì vậy, năm 2012, anh quyết định về quê, đầu tư 250 triệu đồng, lắp đặt máy sản xuất bánh tráng ở Đô Lương.

Năm 2013, anh tiến hành xây dựng cơ sở và lắp đặt máy tại nhà riêng ở xóm 3, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Ở đây với điều kiện thuận lợi là tận dụng được nguồn nhân công lúc nông nhàn, giá gạo rẻ và chất lượng cao nên cơ sở sớm đi vào hoạt động ổn định. Trong quá trình sản xuất, việc khẳng định thương hiệu được anh quan tâm hàng đầu. Để có sản phẩm chất lượng, uy tín đến với người tiêu dùng, bí quyết của anh là sử dụng nguyên liệu hoàn toàn là gạo, với nguồn nguyên liệu sạch cộng với bảo đảm an toàn vệ sinh trong khâu sản xuất, các loại sản phẩm bánh đa nem làm ra không có chất bảo quản. Loại bánh đa nem dẻo, lại không thấm nước của cơ sở Tài Hằng (tên cơ sở của anh) sản xuất đã được nhiều ki-ốt tại các chợ đầu mối chọn lựa do chất lượng tốt, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng.

Anh Hoàng Văn Tài tại cơ sở sản xuất của mình.
Anh Hoàng Văn Tài tại cơ sở sản xuất của mình.

Sau thời gian đầu tư sản xuất, kết nối tiêu thụ, anh Tài đã thu hồi được nguồn vốn và bước đầu có thêm lợi nhuận. Nhận thấy tiềm năng phát triển của loại bánh đa nem truyền thống này tại các địa phương ngoại tỉnh, anh cùng 2 người bạn khác từng lao động tại Nga quyết định mở thêm cơ sở 3 tại Lương Ninh, tỉnh Quảng Bình vào tháng 3/2015. Dù mới hoạt động nhưng sản phẩm bánh đa nem Nghệ An, bước đầu được người tiêu dùng tại Quảng Bình lựa chọn, tin dùng.

Đến nay, bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất ra khoảng 3 vạn chiếc bánh tráng, thường xuyên nhập hàng cho hơn 200 đại lý lớn nhỏ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Sài Gòn... Với 6 loại sản phẩm khác nhau từ bánh đa nem, thương hiệu bánh “Tài Hằng” đã có mặt trên thị trường với chất lượng sản phẩm được các đại lý đánh giá cao. Nhờ đó, cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 nhân công, đa số là đoàn viên, chị em phụ nữ tại địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Sau khi chi trả các khoản nhân công, nguyên liệu, anh thu lãi từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu trung bình hàng năm từ các xưởng sản xuất bánh đa nem đạt từ 800 - 900 triệu đồng.

Mặc dù công việc sản xuất, kinh doanh chiếm cơ bản quỹ thời gian, nhưng anh vẫn sắp xếp để tham gia tích cực các phong trào, hoạt động đoàn thanh niên tại địa phương, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Anh vừa được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Văn Tài cho biết: “Để thành công trước hết cần phải có ý chí nỗ lực của chính bản thân, không được chùn bước trước các khó khăn gian khổ ban đầu. Sau khi có những thành công, không bao giờ được tự thỏa mãn, kiêu ngạo mà phải thường xuyên học hỏi, tìm tòi cách làm hay, hướng phát triển mới phù hợp với khả năng của bản thân, với điều kiện thực tiễn của địa phương. Mong muốn của tôi là tổ chức Đoàn cần có nhiều chương trình thiết thực nhằm động viên, tạo phong trào giúp nhau phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên ở nông thôn, khơi dậy sức trẻ, làm giàu chính đáng trên quê hương”./.

Lê Thanh