Món chay!
(Baonghean) - Không rõ tự bao giờ, chỉ biết từ khi còn bé tí, tôi đã lẽo đẽo theo bác gái và mẹ trong những sáng sớm tinh mơ lên chùa lễ Phật. Khi ấy, bác và mẹ tôi thường sửa soạn đôi cặp nến, hộp hương vòng, vài loại trái cây, những đóa cúc vàng còn đẫm hơi sương,… gọi là “của ít lòng nhiều” thành kính dâng lên điện Tam bảo. Trong những thứ đồ lễ dường như không bao giờ có thể thiếu được có cả những chiếc oản được gói ghém cẩn thận trong những tấm giấy kính nhiều màu sắc. Cũng như những đứa trẻ đồng trang lứa, tôi thích thú với món bánh này lắm, trước chơi, sau ăn, cái vị ngòn ngọt, thơm bùi ấy đã theo suốt ký ức tuổi thơ. Anh trai thường cốc đầu chê tôi: “Ngố thật, toàn tinh bột chứ có gì đâu mà thích thế”. Ấy vậy mà nhiều năm sau, tôi vẫn cứ có cảm tình không riêng gì với oản, còn cả những món ăn chay khác nữa, mà dĩ nhiên tất cả đều “toàn tinh bột chứ có gì đâu”!
Nhiều khi ngẫm nghĩ, tôi chắc mẩm mình phần nào chịu ảnh hưởng từ mẹ. Cũng dễ hiểu thôi, con gái gần mẹ. Mẹ có khẩu vị ăn nhạt, nên thi thoảng bà lại chịu khó ra chợ kiếm dăm ba thứ nguyên liệu dân dã như khoai sọ, đậu nành, nấm,… kết hợp với gia vị như nước tương, bột nghệ, bột điều đỏ,…, sửa soạn mâm cơm chay đơn giản cho những ngày “con gái yêu” gọi điện về nũng nịu “chán thịt cá lắm rồi mẹ ơi!”. Những bận như thế, bao giờ đặt chân tới nhà mẹ cũng đã bày sẵn bát cơm nóng dẻo kèm một vài đĩa thức ăn chay, khi thì được mẹ tạo hình thành tôm trân châu, thịt ba rọi, có hôm lại là những lát giò ăn vừa thơm vừa bùi, nem rán vàng rộm chấm xì dầu “đưa cơm”, và bao giờ cũng “khuyến mại” thêm một tô canh nấm thập cẩm thơm lành, ngọt mát. Còn tôi chỉ việc sà vào thưởng thức, vừa ăn vừa híp mắt cười thỏa mãn trong ánh nhìn âu yếm của mẹ. Mẹ gần như không động đũa, chỉ ngồi hiền hòa ngắm đứa con đang ăn đâu chỉ một bữa cơm mà là cả tình thương yêu của mẹ, thi thoảng gắp thêm đồ ăn vào bát cho tôi, rồi giục tôi cố ăn thêm chút nữa.
Những món ăn chay giản dị nhưng khó quên như chính tấm lòng người mẹ. |
Anh tôi vẫn bảo nguyên liệu mấy món chay cứ “hao hao nhau”, thế mà không hiểu làm cách gì mà mẹ lại có thể khéo léo tạo ra những món ăn nhìn rõ chân thực, ngửi thấy hấp dẫn, còn nếm thì mỗi món lại có hương vị đặc trưng. Ôm mớ thắc mắc ra hỏi mẹ, bà chỉ tủm tỉm cười: “Có gì đâu con, tuy nguyên liệu không khác nhau là mấy, nhưng cách pha trộn, chế biến; rồi tỉ mẩn trong khâu tạo hình, thêm chút tinh tế khi xào nấu, nêm nếm nữa thì dễ dàng hoàn tất được mâm cơm chay đơn giản này thôi”. Bố tôi hóm hỉnh bổ sung: “Và quan trọng nhất là món ăn phải được “cộp mác” mẹ hai đứa đích thân xuống bếp thì mới tạo ra được cái hương vị không lẫn vào đâu được đấy”. Quả không sai, nhìn mẹ tỉ mẩn chuẩn bị những món chay cho bữa cơm của cả gia đình mới thấu hiểu phần nào những tình cảm chắt chiu mẹ dành dụm cho con cháu, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của các thành viên; đồng thời cũng không quên giáo dục, chỉ bảo con cháu điều hay lẽ phải, những giá trị đạo đức đúng đắn, trường tồn. Có cơ hội đi nhiều nơi, ăn nhiều đặc sản, song với tôi, món ngon đâu chỉ bởi nguyên liệu tươi sạch, hay quá trình chế biến cầu kỳ, phức tạp, cũng không nằm ở hình thức thể hiện trên bàn ăn, mà là sự kết tinh và hòa quyện thấm đượm hương vị của tình yêu, trên hết là tình mẫu tử gắn với những bài học làm người thưở ban đầu.
Khách đến chơi nhà vẫn thường bảo hai anh em tôi có nếp sống giản dị. Tôi không xem đó là một lời khen, hay đúng hơn lời khen đó không dành cho chúng tôi. Chính những câu chuyện, những lời răn dạy của mẹ đã uốn nắn anh em chúng tôi từ lúc thơ dại đến tận khi trưởng thành. Ngay cả trong những món ăn tinh tế dù giản đơn vô cùng mà mẹ chuẩn bị hàng ngày cho con cái, cũng chứa đựng những triết lý nhân sinh mà thế hệ trước muốn truyền đạt cho thế hệ sau. Con cái là “hình chiếu” của người mẹ, lớp trẻ chúng tôi học được từ đấng sinh thành nếp sống khiêm nhường, nhân hậu, yêu quý và gần gũi với thiên nhiên trong những bữa ăn hàng ngày mẹ nấu. Trong cảm nhận của tôi, giữa những món chay và mẹ có nhiều điểm tương đồng dường như không hề khó nhận ra. Món ăn chay có điểm gì đó khiến người thưởng thức cảm nhận rõ nét hương vị giản dị nhưng lại rất tinh tế, gần gũi nhưng không hề nhàm chán, hình thức của mỗi món cũng không lấy làm cầu kỳ, kiểu cách nhưng lại thu hút ánh nhìn, cũng như người mẹ trong tâm tưởng mỗi đứa con vậy. Hình ảnh người có ơn sinh thành và nuôi nấng, dạy bảo từng bước đi của con cái, dù là khi còn chập chững hay lúc đã chín chắn và trải đời, luôn giản dị, thân thương nhưng sở hữu những nét riêng biệt trong tính cách, những nét trang nhã trong ngôn ngữ, cử chỉ không lẫn với một ai khác.
Món ăn chay tuy dễ làm, nguyên liệu dễ kiếm bởi đều là những thứ sẵn có quanh ta, nhưng trong những ngày tuần mồng Một hay Rằm, hay thậm chí trong những ngày bình thường, mâm cơm chay vẫn giữ được vị trí rất riêng, cũng như vai trò của người mẹ trong gia đình luôn vững vàng qua năm tháng bất chấp những đổi dời của lớp bụi thời gian. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn bảo “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, dù không ồn ào, phô trương, nhưng những hy sinh lặng thầm của mẹ đối với gia đình biết lấy thước đo nào tả xiết!
Thu Giang