Người "say" phá án
(Baonghean) - Hơn 30 năm trong nghề, lúc nào anh cũng tâm niệm phải góp sức trong việc đảm bảo trật tự an toàn, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân - đó là Thượng tá Phan Trung Tuyến, Phó Trưởng Công an Thị xã Thái Hòa.
Với phong thái từ tốn, Thượng tá Phan Trung Tuyến dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện nghề của một cảnh sát điều tra: Gắn bó với nghề từ năm 1984, lúc đầu thấy công việc của lính hình sự vất vả lại nguy hiểm, nhưng rồi càng làm càng “say”, càng đam mê. Trải qua nhiều địa bàn công tác, với nhiều chuyên án khác nhau, có những chuyên án kéo dài cả tháng trời, trèo đèo, lội suối, ăn ngủ trong rừng để phá án, nhưng chính vì tâm huyết với nghề mà anh vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh cho hay: “Nhiều khi “say” phá án quá, mọi công việc gia đình đều để vợ lo toan, những khi nhà có việc, con ốm chỉ có một mình vợ, có lúc cô ấy cũng giận, nhưng giận hờn qua đi, vợ tôi càng hiểu, sẻ chia với công việc của chồng, động viên tôi chuyên tâm công tác...”.
Thượng tá Phan Trung Tuyến. |
Do có hậu phương vững chắc, cộng với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, đến tháng 8/2008 anh được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Công an Thị xã Thái Hòa và được giao phụ trách công tác điều tra. “Anh đã nhanh chóng phát huy những kiến thức đã học cùng những kinh nghiệm sau nhiều năm “đánh án” để phục vụ cho công tác điều tra làm rõ nhiều vụ án, đặc biệt là những vụ án “mờ”. Chỉ tính riêng từ 2012 - 2014, anh đã chỉ đạo phá thành công 5 chuyên án về trộm cắp tài sản. Đơn cử như chuyên án mang bí số 0412K, Thượng tá Phan Trung Tuyến đã cùng đồng đội đấu tranh làm rõ đối tượng gây ra 9 vụ trộm két sắt trên địa bàn Thị xã Thái Hòa trong tháng 2/2012 và một số vụ tại địa bàn TP Vinh và tỉnh Đồng Nai.
Với chuyên án này, công tác điều tra lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm bắt bằng được thủ phạm, Thượng tá Phan Trung Tuyến đã dồn hết tâm lực cho công tác điều tra, truy xét. Cuối cùng, đối tượng qua sàng lọc đã phải cúi đầu nhận tội, số tài sản gần 1 tỷ đồng đã được thu hồi để trả lại cho người bị hại. Thành công của chuyên án đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng thêm lòng tin yêu của nhân dân đối với lực lượng Công an Thị xã Thái Hòa. Bản thân anh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, anh cho rằng “Đánh án không phải vì mục tiêu được khen thưởng mà là sớm tìm ra thủ phạm để đem lại sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân”. Và cũng bởi lẽ đó, người dân càng tin tưởng, dành tình cảm nhiều hơn đối với anh. Số máy của anh được nhiều người dân biết đến và nguồn tin đến với anh cũng nhanh hơn, kịp thời hơn, giúp nhanh chóng phá được nhiều vụ án tưởng như đi vào ngõ cụt. Ví như chuyên án bắt đối tượng Lê Nhật Đức (SN 1960, trú tại xóm Tiên Lộ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Nghĩa Đàn) về hành vi giết người được bắt đầu từ cuộc điện thoại do người dân gọi đến lúc 1h sáng vào một ngày nghỉ cuối tuần. Mặc dù đêm tối, hiện trường ít nhiều bị xáo trộn, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, nhưng với các biện pháp nghiệp vụ, cộng với cường độ làm việc cật lực, đến chiều hôm sau đối tượng gây án đã phải lộ diện.
Không chỉ xuất sắc trong điều tra phá án, Thượng tá Phan Trung Tuyến còn là người thường xuyên quan tâm, rèn luyện thế hệ trẻ và là người thổi lên ngọn lửa yêu nghề trong họ. Hàng tuần vào tối thứ 5, anh lại tập hợp anh em cán bộ chiến sỹ trẻ để tập huấn, bổ cứu những kiến thức nghiệp vụ, các văn bản, nghị định mới, cũng có khi là một buổi sinh hoạt nghiệp vụ để truyền đạt những hiểu biết, trải nghiệm của bản thân.
Khi hỏi về thành tích cá nhân, Thượng tá Phan Trung Tuyến chia sẻ: “Những chiến công, những kết quả đó là công sức của tập thể, từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ chiến sỹ…”. Phải chăng, sự khiêm tốn ở con người bản lĩnh, kiên định, quyết đoán ấy càng trở nên gần gũi, dung dị và tỏa sáng hơn trong lòng nhân dân và đồng đội. Và, khi khép lại trang viết của mình về anh, trong tôi vẫn chưa thể quên về những lời anh chia sẻ “Dù ở cương vị nào cũng phải hết mình vì nhiệm vụ, phải quyết liệt, không khoan nhượng, dám nghĩ dám làm, phải biết mang một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, xứng đáng với tôn chỉ “Vì nhân dân phục vụ” của người công an nhân dân”.
Q.A