Chuyện ông Xẩy Cớ
(Baonghean) - Phòng xử án chật cứng người. Hơn hai mươi năm làm chánh án ít khi ông Thiện thấy có đông người dự như vậy. Nhiều dân bản Mông Huồi Cọt và Phà Đảnh bên cạnh, cơm đùm cơm nắm từ trên núi cao kéo về.
Các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện cùng đông đảo cán bộ nhân dân thị trấn được biết phiên tòa xử Già Xẩy Cớ, người đánh chết hổ, háo hức kéo đến vừa xem xử án vừa để được tận mắt thấy “ông Võ Tòng” mới này người ngợm thế nào mà dám đánh chết con hổ lớn trên dãy Pù Xai. Vậy là mong muốn của ông cũng như lãnh đạo huyện qua phiên tòa tuyên truyền mọi người - đặc biệt là những người dân vùng sâu vùng xa - bảo vệ pháp luật, tránh vi phạm, làm những điều trái với quy định Nhà nước ban hành, được đáp ứng.
Tranh minh họa |
Già Xẩy Cớ được dẫn độ sang phòng xử án. Mọi con mắt đổ dồn về phía người đàn ông mặc bộ áo quần chàm, dáng người tầm thước nom có vẻ thiểu não chứ không phi phàm, bặm trợn như họ nghĩ. Ông ta chừng năm mươi, tóc lốm đốm bạc, không to cao nhưng khỏe mạnh, chân tay săn chắc rõ ra là người quen lội suối trèo đèo, ăn no vác nặng.
Đứng trước vành móng ngựa, mặt Xẩy Cớ cúi xuống thẫn thờ nghe tòa đọc bản cáo trạng. Bản cáo trạng chỉ mấy trang giấy mà làm sống dậy trong ông bao cơn ấm lạnh cuộc đời, bao gian nan vất vả trong cuộc mưu sinh lo cho mười lăm miệng ăn.
Xẩy Cớ được bà con bản Huồi Cọt gọi là “Chúa rừng”, “Vua rẫy” vì biết phát ba quả núi, làm ba cái rẫy, trỉa năm quả đồi, lội trăm cái khe. Chỉ cần một lưỡi búa, một con dao quắm, một mồi lửa mà khoảng rừng mênh mông con hoẵng chạy cụp tai, con gà rừng bay mỏi cánh hóa thành rẫy lúa, nương ngô. Rừng núi mênh mông, Xẩy Cớ như một “thủ lĩnh” đi chinh phục đất rừng. Vùng đất mới như cái dua túa (bánh dày) mới luộc nóng hôi hổi, lớp đất mùn dày bồi thêm tro mới xốp xáp không có phân gio nào sánh nổi. Lúa ngô cứ phơi phới mọc lên. Tới mùa thu hoạch kho chạn đầy ứ.
Nhưng rồi cuộc “xâm lăng”, “chiếm đóng” chỉ tồn tại được dăm bảy năm. Rừng cạn kiệt, thiên nhiên trả đũa, nước lũ cuồn cuộn đổ về không còn gì để ngăn chặn mặc sức rửa trôi, quét sạch màu mỡ. Rồi nắng lửa trút xuống. Suối khe cạn nước. Đoàn người lại rồng rắn ra đi, bỏ lại sau lưng đồi trọc, lau lách, cỏ hoang; bỏ lại sau lưng những lời vận động định canh định cư, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy của cán bộ huyện, tỉnh…
Xẩy Cớ xoay xở đủ cách. Sang tận Mường Lống huyện bên đưa cây thuốc phiện về trồng, thuốc phiện bị cấm, phải nhổ bỏ. Chạy xuống Mường Ải lấy cây quế về gieo, hai năm quế không vượt quá gang tay. Kéo cả nhà xuống chân đồi đào đất đắp bờ làm ruộng bậc thang, thấy lúa lên xanh mướt tưởng thành công đến nơi, nào ngờ mùa khô, người ta dọn cây đốt rẫy trên đồi, mạch nước ri rỉ rồi trốn đi đâu kéo cây lúa đi luôn.
- Hết cách rồi! Ta đóng cửa đi tìm đất tốt làm cái rẫy thôi! - Xẩy Cớ bảo cả nhà.
Ông bố Già Xa Lỳ đã già lắm nhưng đầu óc còn minh mẫn, khuyên con:
- Thằng Xẩy Cớ à! Đừng có đi xa nữa. Thua keo này ta bày keo khác. Ta nghe đài nói bên Mường Lống họ đem cây mận tam hoa, cây chè tuyết… tuyết gì đấy, à... tuyết shan về thay cây thuốc phiện. Rồi nuôi gà đen, lợn đen, nuôi cá thành công xóa được cái đói, giảm được cái nghèo, nhiều nhà trở nên giàu có. Có nơi ở huyện ta như Mường Mọc người ta trồng rừng, trồng cà phê, chanh leo chẳng những cho thu nhập cao còn được nhà nước hỗ trợ cho khoản chăm nuôi rừng. Đời sống bà con ổn định. Ta cứ làm theo họ đi!...
Xẩy Cớ lắc đầu, lắc luôn lời của ông bố:
- Chí (cha) không thấy con đã xuống Mường Ải đưa cây quế về, kéo cả nhà làm ruộng bậc thang, cúng hết ma rừng ma núi mà cái đất của ta hắn không cho ở. Nhà mình đông người cần nhiều lúa, ngô để có cái ăn, cái mặc, chi tiêu trong nhà, cho các con, các cháu nó học lên. Phải đi tìm cái đất, cái rừng làm cái rẫy thôi chí à!
Dường như được Giàng phù hộ, chỉ một ngày đường Xẩy Cớ tìm được một cánh rừng khá rậm có nhiều cây to, đất phủ dày lá mục, chưa có ai phát đường rãnh, chặt vát cây giắt mảnh gỗ làm dấu. Cha con, anh em lấy trong bế những cái rìu, cái dao tự rèn còn ngời ánh thép tràn vào rừng, bắt đầu cuộc chinh phạt.
Một đêm khuya, nghe tiếng ngựa hí có vẻ hốt hoảng, ông định đánh thức mọi người dậy nhưng kìm lại. Không được đánh động. Phải bí mật xem xét tình hình ra sao đã. Ông lấy đèn pin, vớ cái búa lò dò đi lại chuồng ngựa. Ông soi đèn, giật mình thấy đám đất cạnh chuồng có vết máu. Ngay lập tức, một bóng xám từ bụi cây bên cạnh nhảy chồm vào ông. Với phản xạ của một thợ săn lão luyện, ông né người tránh được cú vồ. Con hổ dữ lập tức quay mình lại nhưng có lẽ nó đã bị thương từ trước (vết máu chính là của nó) và cú vồ hụt khiến nó đuối sức không còn nhanh mạnh, nhảy cao được nữa. Hiểu rõ điều đó, ông nắm chặt cán búa, nó vừa lao đến ông chém lia lịa vào mình nó. Một cú chém như bổ củi trúng vào đầu làm nó khuyụ xuống. Ông bồi tiếp cú nữa, nó ngã đứ đừ. Kẻ nào đặt bẫy làm nó bị thương, kiệt sức nó mới vồ trượt, bị ông hạ gục. Nếu không ông đã biến thành mồi ngon cho nó rồi…
Nhận được đơn tố cáo ông Xẩy Cớ chặt rừng phòng hộ, giết động vật quý hiếm nhà nước cấm săn bắn, ông Thiện xem rồi chuyển nó cho Phòng Tư pháp huyện.
Với kinh nghiệm của một thẩm phán có thâm niên trong nghề, có trách nhiệm với nghề lại chịu khó tìm tòi, nghiên cứu hiểu biết sâu về các dân tộc cư trú trên địa bàn; quá trình thụ lý các vụ án, đặc biệt là những vụ nhạy cảm, đối tượng là người dân tộc thiểu số ông hết sức thận trọng, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhân cuộc họp giao ban nội chính, ông tranh thủ gặp riêng lãnh đạo xã nơi bị cáo Già Xẩy Cớ cư trú, tìm hiểu về nhân thân ông ta rồi sang nơi tạm giam trực tiếp gặp kiểm tra lại lời khai, lời phản ánh của nhân chứng.
Cân nhắc, soi xét mọi điều kín kẽ, tập hợp đầy đủ chứng cứ, lập luận thấu tình đạt lý, trong cuộc nghị án ông Thiện được mọi người đồng tình thống nhất cao đưa ra được kết luận khách quan, mức án phù hợp đúng người, đúng tội…
Phiên tòa bước vào hồi kết. Già Xẩy Cớ cùng mọi người hồi hộp nghe bản luận tội, tuyên án. Chánh án Trần Đức Thiện đứng lên dõng dạc tuyên bố:
- Căn cứ cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện, xét nhân thân bị cáo là người dân tộc thiểu số không có tiền án, tiền sự lại thành thật khai báo tòa tuyên phạt bị cáo Già Xẩy Cớ hai năm tù cho hưởng án treo.
Đang đứng nghiêm nghe tòa luận tội, tuyên án, Xẩy Cớ tái mặt, đổ gục xuống. Rồi ông cố gượng lên, chắp hai tay vái lấy vái để chánh án. Miệng cất lên một loạt tiếng Mông. Phiên dịch thưa lại:
- Lạy tòa! Xin tòa soi xét lại cho con không phải tù treo mà tù ngồi thôi ạ!
Cả hội trường cười ồ lên. Ông Thiện đang đứng nghiêm cũng suýt bật cười. Ông kịp trấn tĩnh giải thích cho bị cáo rõ là cho hưởng án treo chứ không tù treo, nghĩa là cho ở lại nhà thụ án trong thời hạn hai năm dưới sự quản thúc của chính quyền địa phương.
Gìa Xẩy Cớ thở phào, mặt tươi tỉnh lại. Nhưng ông Thiện thấy nhói đau trong lòng. Thật là tình huống bất ngờ đặc biệt có một không hai trong cuộc đời làm thẩm phán, chánh án của ông. Nó chỉ là tình huống thường tình có vẻ khôi hài nhưng cười ra nước mắt, chứa đựng bao điều cần suy ngẫm...
Truyện ngắn của Đinh Thanh Quang