Tác giả thơ Du Nguyên, bản du ca của nỗi buồn
(Baonghean) - Gặp Du Nguyên (tên thật là Đậu Thị Dung), cô gái mảnh khảnh, vẻ chừng lơ đãng, nhưng sau cái dáng vẻ ấy là những nồng nàn, mãnh liệt. Với thơ, Du Nguyên gây ngạc nhiên, bùng nổ khi trong đó cô đã “rút ruột” với những thể nghiệm độc đáo. Đọc 2 cuốn thơ của cô: “Mục: Xó xỉnh. Cười” và “ Khúc lêu hêu mùa hè”, chúng ta lại gặp một nỗi buồn giăng mắc “thùng thình” trong những con chữ tràn đầy sức sáng tạo.
Sinh năm 1988 tại Diễn Châu, Du Nguyên nói mình có phần may mắn khi được tắm mình “trong một miền văn chương thấm đẫm” khi cô là nữ sinh khối xã hội của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Sau này, cô theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Đại học Văn hóa), hiện là phóng viên Báo Công an nhân dân tại Hà Nội. Sau những tập thơ đã xuất bản, cô nhận được nhiều sự ủng hộ từ người trong giới và trở thành gương mặt quen thuộc của sân thơ trẻ hiện nay.
Tác giả thơ Du Nguyên. |
Không phải nhọc lòng để tìm kiếm xa xôi, nếu muốn hiểu về Du Nguyên hãy đọc thơ cô ấy. Con người Du Nguyên bộc lộ thành thực nơi thơ. Một cô gái với nỗi buồn trải dài. Một người nghệ sỹ phiêu du với chính cõi lòng mình. Một người trẻ già nua trong chính tuổi xuân xanh. Một cô gái đi lạc giữa phố thị ồn ào. Và cũng chính cô - người tưởng già nua và lạc lõng ấy lại chất chứa trong mình một suối nguồn sáng tạo, tràn ngập cái mới và những điều bất ngờ.
Nỗi buồn của Du Nguyên
Đi xuyên những tập thơ của Du Nguyên là nỗi buồn. Cứ như thể đó là mạch nguồn sự sống thơ cô. Chúng ta sẽ có lúc bắt gặp một nỗi buồn luẩn quẩn trong: “Mặt đất buồn rầu mọc thêm những chùm rễ đô thị/ Tôi muốn kể bạn nghe về hàng cây thèm gió/ Những bông hoa luẩn quẩn rơi/ Không thụ phấn được nỗi niềm" (Về một luẩn quẩn buồn nôn). Có khi lại là một nỗi buồn đến ngột ngạt khi: “Tôi thấy mình mắc cạn ở đây/ Thành phố tháng mười/ Ý nghĩ đang bơi/ Ngập lụt ý nghĩ” (Tôi thấy mình mắc cạn ở đây). Và có khi đó lại là một nỗi buồn như gió vừa rớt qua đêm, một nỗi buồn đẹp như mái tóc huyền người thiếu nữ, một nỗi buồn dịu dàng như đôi môi người con gái: “Buồn vừa rơi trên đôi môi dịu dàng luống tuổi/ Hình như là ai đó, rất xa xôi” (Trong giấc mơ ai cũng cười).
Nhà lý luận phê bình Văn Giá nói rằng: “Về chủ đề cô đơn, cô độc, sự vô nghĩa của đời sống hay là kháng cự và chấp nhận nỗi buồn là những cái đã có trong văn học truyền thống nhất là văn học miền Nam trước 1975. Đó là một đề tài cực kỳ sâu sắc với những Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng… Tuy nhiên, khác với các bậc tiền nhân, khi họ dùng chủ nghĩa hiện sinh để kháng cự nỗi buồn thì Du Nguyên chấp nhận nỗi buồn, để cho nó nằm trong thân xác mình, từng ngón tay, kẽ chân, cái tóc…”. Còn đối với nhà thơ Bình Nguyên Trang: “Có cảm giác như Du Nguyên là một cô gái lạc thời. Có một điều gì như mất mát trong thơ cô ấy và đôi lúc chúng ta còn cảm giác cô như một người trẻ đã đánh mất tuổi trẻ của chính mình”.
Những nỗi buồn ấy là nỗi buồn mang bản sắc Du Nguyên. Bằng cả cuộc đời và sự chiêm nghiệm, cô đã bung thả nó ra trong những dòng chữ chạy trôi trên trang giấy. Bằng cả chiều dài tuổi trẻ, cô đọng nó lại trong vài ba dòng thơ lúc ngắn, lúc dài, khi vội vàng lúc trễ nải. Chúng ta thấy một Du Nguyên trầm lắng, một Du Nguyên cố vươn lên, thoát ra khỏi mọi ràng buộc để có thể tìm thấy được bản thể , tìm thấy “Người con gái giống với tôi nhất trong số những người con gái mà tôi từng gặp”.
Khi cô ấy được hỏi rằng chị có mong những điều tươi sáng hơn trong thơ mình, cô cười nhẹ và nói: “Ai cũng mong điều tươi sáng. Nhưng ở thế hệ của tôi, chúng tôi không muốn trốn tránh hay lấp liếm thực tế bằng cách này hay cách khác… Lòng mình đang ở một điểm nào đó thì nên đi hết điểm đó rồi sẽ đến một điểm khác”. Lúc đấy tôi đã ngỡ ra rằng, tuổi trẻ của chúng ta, những điều buồn bã nhất cũng xứng đáng được trân trọng như những điều đẹp đẽ. Như Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy rằng tuyệt vọng cũng đẹp như một đóa hoa”.
Cuộc dạo chơi trên từng con chữ
Trong cuộc gặp mặt những nhà thơ trẻ Hà Nội, có độc giả đã thốt lên rằng những con chữ trong thơ Du Nguyên lạ quá, đẹp quá. Lạ như khi cô ví mình là một con cá chép khô, như khi trong thơ cô thời gian mất đi là thời gian bị cắn. Hay khi nỗi thèm khát trong cô là “Tôi thèm gió/ Thèm ngửi mùi nước đái bò, mùi phân bò/ Mùi lông lá bò, mùi ợ của bò/ Ký ức của bò vương vãi/ Nơi đây mùi nhạt nhẽo chân thật/ Mùi lòng tôi chân thật”. Và thật đẹp khi cô vẽ nên những “Bụi cỏ ngái ngủ”, “Những cây ghita gỗ kêu thùng thà thùng thình/ Nghe cái tình thùng thà thùng thình”. Cũng một độc giả của buổi gặp mặt hôm ấy đã thảng thốt nói rằng trong tất cả những bài thơ của Du Nguyên, anh ấy thích nhất là bài “Tôi là con cá chép chết khô” chỉ bởi hình ảnh “Những lúc buồn tôi ngậm tóc” sao đẹp đến thế, sao dịu dàng quá đỗi.
Và như chính tựa đề tập thơ cô “Khúc lêu hêu mùa hè”, nhà phê bình Văn Giá cho rằng đó là một cuộc chơi chữ tài tình của Du Nguyên. Khi chỉ bằng hai từ “lêu hêu” ấy thôi, cô gói ghém cái tinh thần thơ cô trong đó: buồn đấy, đau thương đấy nhưng nỗi buồn chưa bao giờ nhấn chìm con người, con người thậm chí còn mỉm cười và khấp khởi trên chính nỗi buồn đau của lòng mình.
Du Nguyên đã thật tinh tế và không hề lối mòn. Ta như thấy cả một nguồn sáng tạo dồi dào từ mỗi câu mỗi chữ của cô. Cứ ngỡ rằng hẳn cô phải kỳ công lắm, phải nỗ lực lắm trong công cuộc kiến tạo đó nhưng không hề. Du Nguyên thú nhận rằng mọi thứ như một lẽ tự nhiên, ý nghĩ và ngôn ngữ thơ cô cứ tự do và tự thân như thế. Có lẽ, trên trang giấy, cô đã là một kẻ dạo chơi thành thục. Đôi khi chính cô cũng không hiểu mình là người làm chủ ngôn ngữ hay chính ngôn ngữ mới là kẻ chiếm lĩnh mình.
Có kẻ tỏ ra ái ngại với Du Nguyên khi đọc đến tựa đề thơ hay những câu chữ táo bạo trong thơ của cô. Cô gái ấy nói về tình yêu, về tình dục, về sex với những ẩn giấu sâu kín mà người đọc nếu chỉ lướt qua đôi mắt hẳn không thể nào hiểu được. Du Nguyên giải thích rằng cô mượn hình ảnh “phụ khoa” để gợi về người mẹ mà người mẹ vốn từ xa xưa đã là hiện thân cho đất nước. Để rồi ta hiểu ra điều cô muốn gửi gắm khi viết rằng: “Rồi em yêu anh/ Đi qua vùng phụ khoa thất lạc/ rồi em yêu đất nước/ Của những hòn vọng phu và người đàn bà đẻ trăm con từ bọc trứng của rồng/ Đất nước của 3 miền phụ khoa Bắc Trung Nam/ Bắt nguồn từ dòng sông cái/ một đời phù sa khó nhọc (…Em buồn).
Đó dường như cũng là cô đấy, người luôn khao khát bóc tách được lớp vỏ của cuộc đời, của chính con người mình. Một tâm hồn đầy mẫn cảm không nhìn đời sống chỉ như những gì nó hiện hữu mà còn là ngàn vạn điều chất chứa bên trong.
Có ai đó cho rằng với thơ của Du Nguyên thật khó đọc và tràn ngập nỗi buồn. Tôi thì nghĩ điều ngược lại. Thơ Du Nguyên thú vị bởi sự mới mẻ tràn đầy trên từng câu chữ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo xem Du Nguyên là một điều khác biệt, người “đã làm cho làng thơ bớt đi sự tẻ nhạt và nhộn nhạo rất nhiều”. Du Nguyên là cô gái đã trân trọng những nỗi buồn của mình như một phần tốt đẹp của cuộc sống. Cô đã không trốn chạy, không chống cự hay chối bỏ mà nâng niu và coi trọng nó. Như chính cô đã nói rằng: “Một ngày kia, trong garage ký ức hỗn tạp đủ thứ mùi vị phù phiếm khác, tôi còn giữ được chút gì đó tinh khiết và hồn nhiên nhất. Là những năm tháng đẹp đẽ và dột nát của đời, tôi không muốn quên hay vứt bỏ vì người con gái ấy đã bên tôi quá lâu và cũng là người giống tôi nhất trong số những người con gái mà tôi từng gặp”.
T.Vinh- Q. Hoa