Nhiếp ảnh trong đời sống
(Baonghean) - Trong quãng đời của mỗi chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ít ai mà không cần đến một bức ảnh, chí ít cũng vào dịp cưới xin, sinh nhật, hay ma chay… Cho đến hôm nay, để lớp lớp các thế hệ con cháu hiểu và biết những chiến tích, sự hào hùng của dân tộc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến phải nhắc đến công lao của nhiếp ảnh.
Nói đến vai trò của nhiếp ảnh, có một câu chuyện cảm động khi đến huyện Yên Thành mà chúng tôi được nghe và mục thị: Cả huyện có 3570 liệt sỹ và hiện tại cũng có bằng ấy bức ảnh chân dung do nhà nhiếp ảnh Phan Duật chụp trước lúc họ nhập ngũ, hiện đang được các gia đình nâng niu, lưu giữ. Để lại bằng ấy chân dung liệt sỹ, với nhà nhiếp ảnh là chuyện bình thường, nhưng với các gia đình liệt sỹ đây lại là di sản vô giá. Giữ lại những bức chân dung đó chính là giữ lại niềm thương nỗi nhớ, đây chính là sự gắn kết giữa nhiếp ảnh với cuộc sống. Như vậy, nhiếp ảnh đã len lỏi đến với từng người, từng gia đình và toàn xã hội, làm sống lại những kỷ niệm của từng con người, từng gia đình và kéo dài cả một quá trình lịch sử. Nhiếp ảnh đã đi vào đời sống xã hội, vào truyền thống văn hóa và từ đó nhiếp ảnh lại tự khẳng định mình trong đời sống xã hội.
Là một bộ môn nghệ thuật dễ hiểu, gần gũi, nhiếp ảnh đến với công chúng một cách nhanh nhất, nhạy nhất và có tính phổ cập nhất. Công chúng của nghệ thuật nhiếp ảnh khá rộng rãi, trong khi đó số lượng người tham gia sáng tác lớn, số lượng người Việt Nam thích chơi ảnh cũng rất đông.
Những năm qua nhiếp ảnh đã được Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp hết sức quan tâm. Các cơ quan ban, ngành đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp chọn ảnh là một trong những phương thức tuyên truyền chính của mình. Vì vậy, những năm gần đây, hàng năm đã có hàng trăm cuộc triển lãm chuyên ngành như: Du lịch Việt Nam đã qua mùa thứ tư, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến các nước bạn trên khắp các châu lục, góp phần làm cho bạn hiểu và biết thêm về một đất nước tươi đẹp và mến khách, Triển lãm ảnh “Hà Nội ngàn năm văn hiến” đã làm tăng thêm vẻ diễm lệ của đất kinh thành hôm nay.
Triển lãm ảnh “Trẻ em và sự quan tâm của chúng ta”, qua 5 lần tổ chức, đã thực sự là tiếng chuông nhắc nhở mọi người hãy quan tâm đến con trẻ, những mầm non của đất nước. Triển lãm ảnh “Người chiến sỹ hôm nay” khởi đầu từ năm 1991, hay triển lãm ảnh “Nét đẹp biên cương” của bộ đội Biên phòng đến nay vẫn được duy trì đều đặn, tô đậm thêm bản chất Bộ đội Cụ Hồ... Các cuộc triển lãm ảnh về môi trường được duy trì thường xuyên, qua đó nhắc nhở mỗi công dân Việt Nam rằng: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường”. Mất an toàn giao thông là “quốc nạn” cần được các ngành, các cấp và toàn xã hội quan tâm giải quyết, các cuộc thi ảnh đã làm tròn trách nhiệm của mình là biểu dương, phê bình và cảnh báo để mọi người học tập, phòng tránh và chấp hành luật lệ giao thông… Triển lãm ảnh “Văn hoá Giao thông” do Dự án JICA đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tạp chí Thế giới đẹp tổ chức với mục đích phục vụ cho nghiên cứu của Dự án...
Song song với các hoạt động triển lãm trên, những năm gần đây, bằng nhiều hình thức phong phú, các tổ chức xã hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và triển lãm ảnh chuyên ngành. Đó là các lớp học của các dự án “tự mình chụp ảnh về mình” rồi tổ chức triển lãm. Triển lãm ảnh của trẻ em bị chất độc đi- ô-xin chụp về những người bị chất độc đi-ô-xin, chính các em hiểu tâm trạng của những người thân của mình nên những bức ảnh của các em thật cảm động. Mới đây thôi, sau 5 tháng tập huấn 16 học viên được phát máy kỹ thuật số đã chụp hơn 8.000 bức ảnh về đời sống tại cộng đồng, một cuộc triển lãm mang tên “Đối mặt” gồm hơn 90 bức ảnh của 16 tác giả đã được tổ chức tại viện Goethe Hà Nội. Đây là những người khuyết tật sống ở nông thôn và thành phố thuộc Hội Bảo trợ Khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh Thanh Hoá.
Thông qua những bức ảnh tự chụp để thể hiện bản thân và quan điểm của mình trước công chúng, mục đích của triển lãm là tạo lòng tin và tăng cường sự tham gia của những người khuyết tật vào cuộc sống cộng đồng. Sử dụng máy ảnh như một chất xúc tác cho việc điều tra, thăm dò, khám phá và sau đó là sự phản ánh cuộc sống. Triển lãm ảnh “Những người di cư tự do” do Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với UNDP tổ chức sau khi kết thúc lớp học về nhiếp ảnh đã tổ chức triển lãm hết sức thành công, triển lãm trưng bày hơn 200 tác phẩm của chính những người di cư (được trang bị máy ảnh, phim và qua bồi dưỡng một thời gian ngắn) chụp về những người di cư. Họ là những người từ nông thôn lên thành phố, thuê nơi ăn ở, hàng ngày vừa đi lao động kiếm sống đồng thời lại dùng máy ảnh để ghi lại các hoạt động của họ. Bộ ảnh gây ấn tượng và phục vụ tốt cho việc nghiên cứu dự án “Di cư tự do tại Việt Nam đến năm 2050”.
Tuy nhiên nếu chúng ta không nhìn và không xem xét kỹ thì xem ra cũng có vấn đề đối với các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật. Vì rằng nếu như vậy thì nhiều người cho rằng để sáng tác một bức ảnh chỉ cần một chiếc máy ảnh, học vài ba ngày thế là chụp ra ảnh nghệ thuật mà họ không nghĩ rằng trong hàng triệu bức ảnh thì có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật. Do vậy, song song với việc phát triển phong trào nhiếp ảnh, đẩy mạnh xã hội hóa nhiếp ảnh, phải tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhiếp ảnh, có như vậy mới có phong trào nhiếp ảnh sâu, rộng và có những tác phẩm nhiếp ảnh chất lượng cao, nhất là trong bộn bề, ngổn ngang của cơ chế thị trường, đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nghệ thuật nhiếp ảnh cũng đứng trước những thách thức mới, vấn đề đào tạo bồi dưỡng phải là cốt lõi, không những bồi đỡng cho đội ngũ Nhiếp ảnh mà còn phải bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác quản lý, có như vậy việc xã hội hóa nhiếp ảnh mới đi đúng hướng và hiệu quả và Nhiếp ảnh mới làm hết vai trò của mình với các tổ chức xã hội cũng như toàn xã hội.
Vũ Văn Cảnh