Chái bếp

05/10/2015 11:43

(Baonghean) - Khi tôi sinh ra, chái bếp này đã cũ lắm rồi. Chỉ là một mái hiên nối liền giữa nhà ngang và nhà bếp thôi. Đêm khuya, khi mọi người say ngủ, khi những cánh cửa đã khép chặt thì chái bếp vẫn cứ lặng lẽ nguyên bản như ban ngày vậy.

Nó không có cánh cửa nào để che chở cho kín đáo, nó không có ánh đèn ấm áp như ở gian nhà ngang, càng không có nhiều thứ đáng quý như thóc gạo, dầu mỡ của gian nhà bếp. Nó nằm đó hứng trọn những cơn gió lồng lộng thổi từ vườn trước ra vườn sau, từ vườn sau tới vườn trước. Những đêm có trăng thì may ra chái bếp mới huyền diệu một tí nhờ ánh trăng chan kín cả những vết nứt dưới nền đất, chan lên tận những cái bị cói xơ xác không còn dùng đến mà mẹ và bà treo trên nóc chái.

Nhưng mỗi sáng sớm, chái bếp lại là nơi tấp nập nhất. Cha lăn cây chuối chưa kịp ráo nhựa từ ngoài vườn vào kê nơi chái bếp để chuẩn bị bữa sáng cho lũ heo nháo nhác trong chuồng, mẹ ngồi bóc củ hành tím, vài tép tỏi để một lát nữa thôi, mùi cơm rang dậy hương hành mỡ thơm lừng bay ra tận ngoài hàng rào dâm bụt kia, anh trai kê dép ngồi nơi chái bếp đọc cố bài tập đọc thuộc lòng, chị gái cũng ngồi nơi chái bếp sửa lại mấy cái rớ để tranh thủ buổi chiều đi cất mớ tép đồng... Và rồi, khi cha mẹ đi làm, anh chị đi học, ngôi nhà đã trở nên yên tĩnh thì tôi và bà lại bắc ghế ra chái bếp ngồi. Gió hiu hiu thổi, tôi ngồi dưới chân bà nhìn lũ ong lũ bướm bay rập rờn ngoài vườn, nhìn dàn mướp mới kịp níu giàn đã lốm đốm hoa vàng, nhìn con cóc mạ nấp chỗ chân tường mắt láo liên quan sát tìm mồi, nhìn đàn kiến thong thả men theo những khe nứt của bậc thềm tha mồi về tổ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi ngồi dựa lưng vào chân bà và nhìn mọi thứ xung quanh cho đến khi những cơn gió hiu hiu khiến tôi ríu mắt lại thì bà đứng dậy dắt tôi lên nhà trên, tôi đi vào giấc ngủ thật sâu ngay khi bà vừa quay trở lại chái bếp. Tôi ngủ nhưng tôi vẫn biết, bà đang ngồi nơi chái bếp vừa ngâm Kiều vừa trông bầy gà, vịt lít nhít không phá vườn rau của mẹ.

Mùa Đông chái bếp trở nên buồn thiu, vắng lặng. Vì không được che chắn nên vào mùa Đông, mẹ không cho mấy chị em ngồi ở chái bếp vì sợ cảm lạnh, đi lại qua đó cũng rất hạn chế, chỉ có mẹ và chị lớn bận nhiều việc ở gian bếp nên mới được phép đi lại qua đó nhiều. Lũ gà, vịt được cha lùa vào chái bếp, lấy những tấm giấy dầu quây lại để tránh mưa gió. Những buổi sớm mùa Đông, cha luồn vội tấm áo len gai chạy ào xuống chái bếp xắt chuối cho lũ lợn lúc nào cũng háu đói, mẹ và chị vội vàng nấu bữa sáng với cơm nóng và tép rang dầm nước mắm …

Lúc này đây, sau bao nhiêu năm, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, ngôi nhà ngang lợp ngói đã được thay thế bằng ngôi nhà to rộng khang trang hơn và nhà bếp thì hầu như không còn dùng đến nữa, giờ nó đã trở thành nhà kho. Nhưng chái bếp yên bình thì vẫn còn đó. Giờ nhà tôi không nuôi lợn hay gà, vịt, chỗ mà ngày xưa cha vẫn dựng gốc chuối thái dở, cái thớt và mấy con dao thái, dao bằm… thì giờ đây cha kê cái đôn, trên đó là một cây mai tứ quý đáng giá. Cái bậc thềm là ranh giới giữa chái bếp và gian bếp, nơi mà ngày xưa mẹ tôi vẫn ngồi bóc củ hành, củ tỏi mỗi buổi sớm mai thì giờ đây quanh năm bụi phủ. Con cóc mạ nấp trong góc tường có cặp mắt láo liên tìm mồi giờ chắc cũng đã thành thiên cổ….

May mắn cho gia đình tôi là bà vẫn còn minh mẫn. Bà vẫn ngóng trông những đứa cháu bé bỏng đang từng ngày vật lộn với cuộc sống thành thị, bà vẫn ngồi nơi chái bếp chờ chúng tôi về mặc xung quanh vật đổi sao dời, mặc lũ ong, lũ bướm đã bay đi rất xa, mặc màu vàng của giàn mướp đã trở nên mờ nhạt. Tôi biết vậy nên mỗi lần từ phố thị trở về, tôi cứ háo hức với nào vườn, nào cây cối, cỏ hoa, tôi không ngoảnh lại nhìn bà nhưng lòng tôi rộn lên một niềm hạnh phúc khó tả, bởi tôi biết, nơi chái bếp cũ kỹ kia, bà tôi và tuổi thơ tôi đang hiển hiện rõ nét, bằng xương, bằng thịt chứ không phải chỉ là những giấc mơ.

Phương Ngọc