Nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Lợi ích "kép"

16/11/2015 17:20

(Baonghean.vn) - Với trên 1.250 hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, Nghệ An là tỉnh giàu tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tận dụng lợi thế từ các hồ chứa, người dân Thanh Chương sống xung quanh các hồ, đập đã tiến hành nuôi trồng thủy sản dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các hình thức nuôi đều là tự phát, quy mô nhỏ lẻ.

Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương, công tác quản lý gặp nhiều hạn chế do việc nuôi trồng của người dân không tập trung, khó đánh giá được chất lượng thủy sản và thống kê sản lượng hàng năm. Bên cạnh đó, vì nuôi nhỏ lẻ nên chưa tạo ra nguồn thủy sản bền vững, có thương hiệu, uy tín, mới chỉ cung ứng được trên thị phần manh mún ở địa phương, cho giá trị kinh tế chưa cao. Đồng thời, có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu chính của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn.

Các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương.
Các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương.

Còn đối với các hồ chứa thủy điện địa bàn miền Tây Nghệ An, dù những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh dưới hình thức nuôi cá lồng trên lòng hồ, nhưng nhìn chung vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế.

Hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong) với tổng diện tích mặt hồ lên đến hàng nghìn ha trải dài qua hai xã Đồng Văn và Thông Thụ, nguồn nước sạch, lượng ô xi hòa tan trong nước cao nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.

Từ một vài hộ nuôi cá lồng ban đầu, đến nay đã phát triển lên 160 lồng cá trên toàn huyện. Số lượng này là chưa tương xứng với tiềm năng của hồ chứa nhưng bước đầu cho thấy tính khả thi, hiệu quả của hướng phát triển nuôi trồng thủy sản tại đây. Theo đánh giá thực tế, mỗi lồng cá sau 8 tháng nuôi cho sản lượng cá thịt trung bình từ 3 – 3,5 tạ cá/ lồng, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân.

Dù kết quả mang lại khả quan nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng, việc phát triển nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa thủy điện như tại địa bàn huyện Quế Phong vẫn tồn tại nhiều bất cập. Hiện tại, chưa có bất kỳ quy chế cụ thể nào ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ nuôi để hài hòa lợi ích giữa nuôi trồng thủy sản với đảm bảo bền vững mục tiêu của hồ chứa thủy điện như cung cấp năng lượng, cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, tiềm năng phục vụ du lịch sinh thái …

Vì chưa có quy chế, nên thời gian qua vẫn xảy ra những sự việc đáng tiếc như một số người dân sử dụng mìn tự chế, xung điện … để khai thác thủy sản, ảnh hưởng sinh thái lòng hồ; hoặc, các hộ nuôi chưa đúng quy trình, kỹ thuật, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, việc nuôi cá lồng hầu hết còn theo kiểu truyền thống, việc áp dụng các tiến bộ KHKT còn chưa phổ biến nên hiệu quả nuôi trồng còn hạn chế. Mặt khác, hệ thống đường giao thông lên các vùng lòng hồ thường xa xôi, hiểm trở, gây khó khăn cho việc cung cấp con giống và vận chuyển thủy sản đi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn thấp, trong khi nội lực của nhân dân hạn chế nên chưa thể khai thác hết tiềm năng dồi dào của các hồ chứa.

Một lồng cá năng suất cao trên hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương.
Một lồng cá năng suất cao trên hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương.

Khẳng định lợi ích của việc nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; đồng thời, để khắc phục những bất cập trong nuôi trồng thủy sản hiện nay, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đã lập đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An đến năm 2020, được UBND tỉnh phê duyệt số 4454/QĐ-UBND ngày 1/10/2015 với tổng kinh phí thực hiện là 124,5 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của đề án được chỉ rõ là khai thác tiềm năng và hài hòa lợi ích “kép” từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, vừa đảm bảo tính liên ngành, liên vùng trong phát triển nuôi trồng thủy sản, vừa không làm ảnh hưởng đến các mục đích sử dụng khác của hồ như thủy điện, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, cảnh quan, du lịch … Đồng thời, ứng dụng các tiến bộ KHKT nhằm phát huy tối đa tiềm năng diện tích mặt hồ chứa thủy lợi, nuôi trồng kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp nhu cầu thực phẩm tại chỗ; tạo công ăn, việc làm cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội.

Chăm sóc cá lồng trên hồ thủy điện Khe Bố (Tương Dương). Ảnh: Phương Chi.
Chăm sóc cá lồng trên hồ thủy điện Khe Bố (Tương Dương). Ảnh: Phương Chi.

Sau khi đề án được phê duyệt, Tương Dương là huyện đầu tiên tiến hành xây dựng bộ quy chế về vấn đề này. Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Tương Dương cho biết: “Toàn huyện hiện có 156 lồng cá nằm trên các hồ chứa thủy điện và đập thủy lợi như Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Nậm Khủn. Trăn trở trước thực trạng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn còn manh mún, chưa xứng với tiềm năng, khó quản lý và nhiều hệ lụy, ngay khi tiếp nhận đề án, phòng nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng bộ quy chế về quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Trong đó, quy định rõ những việc được và không được làm trên các hồ chứa thủy điện và đập thủy lợi, cùng chế tài xử phạt nghiêm minh, đúng pháp luật. Đồng thời, dựa trên mục tiêu chung trong Đề án của tỉnh, huyện đang xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2020. Đây sẽ là cơ sở chính thống, khoa học và quy mô, hứa hẹn khai thác hiệu quả tiềm năng của các hồ chứa, tạo nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho nhân dân.”

Để thực hiện thành công Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến năm 2020, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Ông Trần Xuân Học – Chi Cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Nghệ An cho biết: “Các giải pháp bao gồm về con giống và kỹ thuật nuôi, trong đó tập trung xây dựng các trại giống cấp 2 tại các khu vực có hồ chứa lớn để cung cấp nguồn giống tại chỗ, phù hợp với điều kiện sinh thái; thả nuôi trực tiếp vào lòng hồ theo hình thức quảng canh cải tiến, kết hợp mô hình V-A-C hoặc nuôi trong eo ngách, nuôi lồng. Giải pháp về vốn đầu tư sẽ huy động vốn tự có trong dân, vốn doanh nghiệp, ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho vùng hồ … Bên cạnh đó, phải sớm đẩy nhanh thực hiện giải pháp về KHKT và khuyến ngư để nâng cao nhận thức người dân, cải thiện kỹ thuật nuôi, hạn chế dùng thuốc thú y và hóa chất trong nuôi trồng, tăng áp dụng các giải pháp công nghệ để đảm bảo sinh thái vùng hồ …”

Đặc biệt, về thị trường tiêu thụ, giai đoạn đầu của đề án sẽ tập trung phát triển các loại thủy sản bản địa để phục vụ thị trường tại chỗ; dự kiến vào giai đoạn sau, khi người dân đã nắm vững các tiến bộ KHKT sẽ xác định nuôi trồng các loại thủy sản cao cấp tại một số hồ chứa phù hợp, liên kết với các nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn toàn tỉnh để bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nuôi.

Với những định hướng cụ thể, hy vọng hoạt động nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện của tỉnh ta sẽ ngày càng quy củ, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho nhân dân.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN