Nét đẹp mùa cưới

26/12/2015 16:49

(Baonghean) - Sau 15 năm thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn hóa mới, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình đám cưới theo nếp sống văn hóa mới với nhiều cách làm hay và ý nghĩa, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng...

Những cách làm hay

Năm 2000 trở về trước từ những hạn chế trong nhận thức, quan điểm của người dân nên hầu hết các đám cưới đều được tổ chức phô trương, linh đình hàng trăm mâm, ăn uống hát hò 2 - 3 ngày... gây tốn kém, lãng phí và mất an ninh trật tự. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền xã Diễn Hùng (Diễn Châu) đã phát động phong trào “cưới theo nếp sống văn hóa mới”, vận động các gia đình tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa xã, tiệc cưới không quá 20 mâm, không có rượu, thuốc lá.

Rửa chân cô dâu, chú rể ở chân cầu thang trong một đám cưới của người Thái (nhóm Tày Mường).  Ảnh: Cao Đông
Rửa chân cô dâu, chú rể ở chân cầu thang trong một đám cưới của người Thái (nhóm Tày Mường). Ảnh: Cao Đông

Mới đầu đi vào thực hiện rất khó khăn, bởi tư tưởng người dân đã quen với việc tổ chức linh đình tại nhà. Với sự vận động, thuyết phục và cả những quy định bắt buộc, đồng thời nêu gương cán bộ, đảng viên đi trước, nên năm 2000, xã Diễn Hùng đã có đám cưới văn hóa mới đầu tiên tại nhà văn hóa xã của anh Lê Hoàng và chị Cao Lân. Ban Văn hóa xã đứng ra đảm nhận tổ chức từ khâu trang trí, loa đài, bàn ghế, nhạc, bánh kẹo, hoa quả mà chi phí chỉ hết 500.000 đồng.

Phần lễ long trọng và xúc động nhất trong đám cưới là đôi tân hôn lên dâng hoa, dâng hương ở đài tưởng niệm của xã. Tại hôn trường, dưới sự chứng kiến của 2 bên nội ngoại, bạn bè thân hữu, đồng chí chủ tịch UBND xã lên phát biểu chúc mừng hạnh phúc và trực tiếp trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai vợ chồng. Toàn bộ phần thủ tục chỉ diễn ra trong khoảng 40 phút nhưng đã để lại ấn tượng trong bà con nhân dân, đồng thời tiết kiệm được hàng chục triệu đồng cho gia chủ.

Ông Cao Linh (xóm 7) cho biết: Cả con trai và gái ông đều tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa xã. Cưới theo hình thức này vừa văn minh, gia đình lại không phải lo lắng nhiều về kinh phí, được các đồng chí lãnh đạo xã chúc phúc, trao Giấy đăng ký kết hôn trang trọng. Hiện nay, chính quyền xã không còn phải vận động nữa mà bà con Diễn Hùng đã quen cưới xin là tổ chức tại nhà văn hóa, gọn nhẹ nhưng đầm ấm, vui vẻ. Tiệc mặn cũng chỉ mời anh em nội ngoại, trong tổ tự quản, gói gọn 20 mâm trở lại nên không tốn kém như trước.

Một đám cưới xưa. Ảnh: Internet
Một đám cưới xưa. Ảnh: Internet

Qua 15 năm đi vào thực hiện đã có hơn 600 đám cưới ở xã Diễn Hùng được tổ chức tại nhà văn hóa xã, xóm. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Văn hóa xã Diễn Hùng cho biết: Các đám cưới được tổ chức tại nhà văn hóa xã, nhà văn hóa xóm đều hướng tới mục đích: Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, đám cưới phải tổ chức đơn giản, lành mạnh, không phô trương lãng phí, đúng với phong tục, tập quán. Phong trào được lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo người dân.

Bà mối làm lễ chít khăn cho cô dâu trong đám cưới người Thái ở Con Cuông Ảnh: Hữu vi
Bà mối làm lễ chít khăn cho cô dâu trong đám cưới người Thái ở Con Cuông Ảnh: Hữu vi

Xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) cũng là điểm sáng trong triển khai thực hiện đám cưới theo nếp sống văn hóa. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1980) và anh Đỗ Hoàng Long (SN 1976) là cặp vợ chồng đăng ký cưới theo nếp sống văn hóa mới đầu tiên của xã Nghi Hợp. Trong căn nhà khang trang, ấm cúng, chị Hiền giở những tấm ảnh cưới, kể: Năm 2006, lúc đó cả hai vợ chồng đều đã có việc làm ổn định (chị Hiền là giáo viên Trường THCS Nghi Hợp, anh Long đang làm ở Vinh). Khi hai vợ chồng quyết định đám cưới của mình sẽ được tổ chức tiệc ngọt tại Nhà Văn hóa xã, bạn bè, người thân ai cũng ngỡ ngàng. Bởi trong quan niệm của nhiều người, ngày cưới là ngày quan trọng nhất của cuộc đời, không thể không mời bạn bè, anh em “chén rượu nhạt”. Ban đầu hai bên nội, ngoại cũng không đồng tình, thế nhưng cả hai đã thuyết phục rằng cưới theo nếp sống văn hóa mới sẽ đỡ tốn kém hơn, lại được chính quyền xã đứng ra tổ chức, đoàn thanh niên lo loa đài, bàn ghế, dẫn chương trình, gia đình không phải lo lắng nhiều… Cuối cùng ngày vui của Hiền - Long đã trở thành ngày hội của cả xã. Bởi chưa bao giờ trong xã có một đám cưới có nhiều người dự và trang trọng đến thế. Ngoài bạn bè, người thân còn có cả những người vì tò mò đến xem đám cưới theo nếp sống văn hóa mới như thế nào. Riêng Hiền, đến tận bây giờ cảm xúc vẫn y nguyên: đó là một đám cưới vừa trang trọng, vừa ấm tình thân.

Đám cưới theo nếp sống mới ở Nghĩa Bình (Tân Kỳ). Ảnh: Trần Cảnh Yên
Đám cưới theo nếp sống mới ở Nghĩa Bình (Tân Kỳ). Ảnh: Trần Cảnh Yên

Sau đám cưới của Hiền - Long tại Nhà Văn hóa xã, còn có rất nhiều đám cưới khác cũng đã chọn nơi đây là địa điểm tổ chức ngày vui của mình.

Trao đổi với anh Nguyễn Đình Cường - Cán bộ văn hóa xã Nghi Hợp, được biết, trước đây, khi chưa triển khai đám cưới theo nếp sống văn hóa, nhiều gia đình nợ nần kéo dài cũng vì đám cưới. Vì thế mới có chuyện đám cưới con thì linh đình, rình rang 2 - 3 ngày, sau đám cưới thì nai lưng ra trả nợ, rồi sinh ra cãi vã... Biết thế nhưng tuyên truyền cho nhân dân nhận thức ra, hiểu và thực hiện cũng không dễ. Như ở xã Nghi Hợp, với cách làm lồng ghép trong các cuộc họp, qua loa phát thanh xã xuống tận xóm, qua những bài viết, những câu chuyện có thực về hậu quả của đám cưới không tiết kiệm… Chỉ đạo Đoàn thanh niên xây dựng đám cưới mẫu, từ đó nhân rộng và lan tỏa.

Nhảy múa trong đám cưới “cải biên” ở bản.
Nhảy múa trong đám cưới “cải biên” ở bản.

Ông Trần Văn Tuấn (xóm 3) vừa tổ chức đám cưới cho con trai tại nhà văn hóa cho biết: Hiện nay nhu cầu về ăn uống không còn là vấn đề, thậm chí việc đi ăn cỗ nhiều trở thành sự mệt mỏi. Để tiết kiệm, thực hiện cưới theo nếp sống văn hóa mới, tất cả các đám cưới trong làng tuy vẫn tổ chức tiệc mặn vào ngày lễ chính nhưng thành phần dự tiệc chỉ là người trong họ hàng nội, ngoại, bạn bè thân thiết của gia chủ, còn dân làng chỉ đến ăn trầu, uống nước và mừng cho gia chủ vào buổi tối hôm bắc rạp. Nhờ vậy mà trước đây, bình quân mỗi đám cưới trong làng có đến cả trăm mâm cỗ, thì nay, mỗi đám cưới chỉ còn vài chục mâm, mà các đám cưới vẫn nhận được đầy đủ sự chúc mừng, chia vui của người dân trong làng. Đúng là tiết kiệm hơn rất nhiều. Địa điểm, bàn ghế, loa đài, phông màn đã có xã cho mượn. Thật ra, điều quan trọng nhất là vợ chồng ăn ở với nhau hạnh phúc mới là quan trọng.

Hiện nay, hệ thống các nhà văn hóa ở Nghi Hợp đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị loa máy, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, vì thế chuyện đám cưới tổ chức tại nhà văn hóa không còn là chuyện hiếm nữa mà hầu như các gia đình đều chọn nhà văn hóa là địa điểm tổ chức cho ngày trọng đại của con cái. Trong năm 2016, xã Nghi Hợp đang có ý định tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn tập thể tại nhà văn hóa xã.

Để lan tỏa cưới theo nếp sống văn hóa mới

Ông Phan Hữu Lộc - Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa - Sở VH-TT & DL cho biết: Sau 15 năm triển khai, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện quy định nếp sống văn minh trong việc cưới đã được các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo với những hình thức như: Tổ chức hội nghị tập huấn, văn nghệ thông tin, phóng sự truyền hình, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức ký cam kết, xây dựng các mô hình cưới phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc, từng vùng.

Điều quan trọng nhất là nhận thức, quan điểm của nhân dân đã thay đổi rất nhiều. Có 90% đám cưới trong thanh niên không sử dụng thuốc lá, không tổ chức đón dâu theo kiểu phô trương, hình thức, không mở loa máy gây ồn ào quá giờ quy định. Vận động, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tổ chức đám cưới bằng tiệc ngọt và vui văn nghệ tại nhà văn hóa, đưa, đón dâu gọn nhẹ, bỏ các hủ tục lạc hậu, sử dụng hình thức báo hỉ sau ngày cưới. Một số địa phương đã tổ chức hình thức cưới tập thể, vui văn nghệ tại hội trường, dâng hoa tại các công trình tưởng niệm, đền, chùa, thực hiện tốt việc cưới theo nếp sống văn minh, điển hình như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên… Nhìn chung, việc cưới trên địa bàn tỉnh trong 15 năm qua thực hiện tương đối tốt theo nếp sống văn minh.

Bà mối trẻ đi mời trầu trong đám cưới người Thái ở Chi Khê - Con Cuông.
Bà mối trẻ đi mời trầu trong đám cưới người Thái ở Chi Khê - Con Cuông.

Tuy nhiên, việc thực hiện đám cưới theo nếp sống văn hóa mới trên địa bàn tỉnh ta, nhất là các huyện miền núi vẫn còn bị ảnh hưởng ít nhiều do những hủ tục, lạc hậu của đồng bào. Một số đám cưới tổ chức linh đình, mời đông khách, ở một số vùng đô thị còn hiện tượng thương mại hóa trong việc cưới...

Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới ngành Văn hóa tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới. Các cấp, ngành tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên chức về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Riêng ngành Văn hóa sẽ nghiên cứu bổ sung quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc từng địa bàn; tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và có hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Thanh Thủy - Mai Giang

TIN LIÊN QUAN