Phải khắc phục kịp thời, hiệu quả ô nhiễm môi trường

20/12/2015 12:02

(Baonghean) - Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nhà máy, bệnh viện đã và đang ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe, sản xuất của nhân dân vẫn chưa được xử lý dứt điểm; trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Đó là nội dung được HĐND tỉnh đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn đối với ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tại kỳ họp.

Bên cạnh nhận trách nhiệm về vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của Sở TN&MT, thông qua giải trình, ông Võ Duy Việt đã làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đang đặt ra.

Đơn cử như đối với các KCN, trách nhiệm của Ban quản lý dự án KKT Đông Nam là hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KCN phải thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; phát hiện xử lý theo thẩm quyền và tham mưu cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; huy động lực lượng ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố môi trường tại KCN theo quy định.

Hệ thống xử lý nước thải của 2 nhà máy chế biến bột cá tại xã Diễn Ngọc.
Hệ thống xử lý nước thải của 2 nhà máy chế biến bột cá tại xã Diễn Ngọc.
UBND các huyện, thành phố, thị xã nơi có KCN phối hợp giám sát hoạt động sản xuất, thu gom, xử lý chất thải của các KCN và cơ sở trong KCN trên địa bàn quản lý; báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh về cơ quan chủ quản để xử lý. Còn vấn đề ô nhiễm tại các CCN, trách nhiệm chính thuộc về UBND cấp huyện, bởi đây vừa là chủ đầu tư, vừa là cấp quản lý các CCN. Đối với ô nhiễm môi trường trong các bệnh viện, Sở Y tế là ngành chủ quan và các đơn vị phải có trách nhiệm khai thác nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo môi trường.

Sau phần giải trình, đã có 6 đại biểu HĐND tỉnh trực tiếp chất vấn Giám đốc Sở TN&MT. Đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) đồng tình cao với giải trình của ông Võ Duy Việt, đồng thời chất vấn: “Trong giải trình, ông nêu lý do nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thực hiện không đúng và nghiêm túc các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; chưa xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải đã đi vào hoạt động; đầu tư hệ thống xử lý chất thải không đúng theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; không thực hiện nghiêm quy trình vận hành hệ thống xử lý... Vậy trong quá trình các nhà máy xây dựng và vận hành, ngành có giám sát hay không?

Nước rỉ từ các sản phẩm cá không được xử lý gây nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nước rỉ từ các sản phẩm cá không được xử lý gây nhiễm môi trường nghiêm trọng.
”.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng: Giám sát việc này, trách nhiệm trước tiên là của chủ đầu tư, tiếp theo là các cơ quan chức năng, trong đó có địa phương sở tại, các ngành, đơn vị được giao chủ quản, có cả Sở TN&MT. Tuy nhiên, để giám sát một cách triệt để 100% thì cần phải cố gắng hơn nữa, bởi đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn thì dễ giám sát, kiểm soát, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, manh mún, phân tán nhiều địa bàn thì việc giám sát đang còn hạn chế. Trách nhiệm của Sở TN&MT sẽ cùng với các ngành, các chủ đầu tư tiếp tục giám sát để đảm bảo các doanh nghiệp, các đơn vị khi đi vào hoạt động đều đảm bảo đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường.

Chưa thỏa mãn với giải trình của Giám đốc Sở TN&MT ở câu hỏi này, đồng chí chủ tọa kỳ họp Hồ Đức Phớc cho rằng: Trả lời của Giám đốc Sở TN&MT chưa rõ... Trách nhiệm có rõ thì mới thực hiện khắc phục tồn tại, hạn chế. Các đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện đúng các cam kết đánh giá tác động môi trường, trách nhiệm chính thuộc ngành Tài nguyên – Môi trường. Bởi đánh giá tác động môi trường là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà nước. Vì vậy, ngành cần có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, xử lý”.

Rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu được tập kết, vận chuyển và xử lý tại khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên.
Rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu được tập kết, vận chuyển và xử lý tại khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên.

Đại biểu Đinh Thị An Phong tiếp tục chất vấn: “Theo giải trình, thì do các doanh nghiệp nhỏ, phân tán nên việc giám sát khó khăn. Tuy nhiên, thực tế ở KCN Nam Cấm, đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, thanh tra nhưng lại khắc phục chậm, không hiệu quả”. Tiếp thu ý kiến của chủ tọa kỳ họp và ý kiến chất vấn của đại biểu An Phong, Giám đốc Sở TN&MT, trả lời: “Đối với các doanh nghiệp, đơn vị làm báo cáo đánh giá tác động môi trường thì trách nhiệm của Sở tham mưu cho tỉnh phê duyệt; còn các doanh nghiệp, đơn vị thuộc đối tượng làm bản cam kết bảo vệ môi trường. Còn khi phê duyệt xong, các chủ đầu tư không đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn thiện thì phải tăng cường kiểm tra.

Phần chất vấn Giám đốc Sở TN&MT còn có ý kiến của các đại biểu khác xoay quanh vấn đề giải quyết các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; xử lý rác thải nông thôn; giải quyết việc đền bù ruộng đất bỏ hoang do ô nhiễm từ KCN Bắc Vinh cho người dân Hưng Đông; vấn đề xây dựng lò hỏa táng để đảm bảo môi trường bền vững...

Kết thúc chất vấn, đồng chí Hồ Đức Phớc cho rằng: Hậu quả của ô nhiễm môi trường đang đặt ra những thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, thách thức đến đời sống của nhân dân, đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự. Đây cũng là vấn đề đã được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp trước nhưng vẫn chưa được xử lý, khắc phục. Vì vậy, các cấp, các ngành cần phải tập trung để khắc phục kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới.

MAI HOA

TIN LIÊN QUAN