Trồng rau Vietgap ở Nam Đàn

04/02/2016 18:34

(Baonghean) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thu nhập cho nhân dân, mô hình trồng rau an toàn theo hướng Vietgap tại xã Xuân Hòa huyện Nam Đàn là tín hiệu khả quan cho việc đầu tư nhân rộng mô hình cũng như vươn ra chủ động tìm đến thị trường của người dân huyện nhà.

Những ngày vừa qua, thời tiết mưa lạnh khắc nghiệt làm cho nhiều diện tích rau màu bán Tết của bà con nông dân xóm 4 Xuân Hòa (Nam Đàn) bị hư hại. Chị Nguyễn Thị Hà – người dân xóm 4 cho biết: mỗi ngày chị thu mua 2 - 3 tạ rau tươi của bà con trong xóm nhập bán xuống chợ Vinh. Theo chị, năm nay thời tiết giá lạnh kéo dài làm cho rau bị hư hại nhiều nên thị trường rau rất hiếm, giá cao hơn 2 - 3 ngàn đồng/kg so với năm ngoái, cụ thể bắp cải 10 ngàn đồng/kg, xà lách 10 ngàn đồng/kg, cà tím 7 ngàn đồng/kg…Theo chị Hà, sản phẩm rau của bà con bán chạy, trời tiết rét lạnh rau không đủ để cung cấp ra thị trường.

Những năm gần đây, để phục vụ cho thị trường rau Tết, ngoài giống cà xanh quả tròn, bà con Xuân Hòa đã đưa giống cà tím Thái năng suất cao vào sản xuất.
Những năm gần đây, để phục vụ cho thị trường rau Tết, ngoài giống cà xanh quả tròn, bà con Xuân Hòa đã đưa giống cà tím Thái năng suất cao vào sản xuất. (Ảnh: Thanh Thủy)

Năm 2015, xóm 4 xã Xuân Hòa được Chi cục BVTV tỉnh chọn điểm triển khai mô hình 1 ha rau an toàn theo hướng Vietgap. Bà con sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đất, phun phòng sâu bệnh đảm bảo đúng theo quy trình, phạm vi cho phép đối với trồng rau. Nhờ tích cực bám đồng ruộng, tuân thủ quy trình chăm sóc nên mô hình cho thu nhập 75 triệu đồng/ha, cao hơn 25 triệu đồng/ha so với mục tiêu dự án. Ông Nguyễn Đức Hòa - Bí thư chi bộ xóm 8 xã Xuân Hòa, phấn khởi: Từ hiệu quả mô hình trồng rau Vietgap, vụ đông xuân 2016 bà con trong xóm mở rộng diện tích trồng rau đạt 3 ha, tập trung vùng Nhà Vang, Giặm Gáo. Bình quân từ mô hình trồng rau đạt 30 - 35 triệu đồng/hộ/năm. Mong muốn của bà con là được nhân rộng diện tích trồng rau an toàn trong các vụ sản xuất tới.

Với diện tích 9ha, thời điểm này cánh đồng rau xanh Xuân Hòa đang chộn rộn
Cánh đồng rau xanh Xuân Hòa. (Ảnh: Thanh Thủy).

Toàn xã Xuân Hòa hiện có trên 164 ha rau chuyên canh, được xem là vùng trọng điểm trồng rau của huyện Nam Đàn chuyên cung cấp sản phẩm rau tươi đáng kể cho thị trường trong huyện và các cùng lân cận. Bà Trương Thị Thành - Trưởng ban Nông nghiệp xã Xuân Hòa, cho biết: Xã rất quan tâm đến việc phát triển vùng rau màu chuyên canh, đặc biệt việc phát triển mô hình trồng rau theo hướng Vietgap là hướng đi phù hợp trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay. Để phát triển vùng rau sạch, xã khuyến khích bà con mỗi xóm đào 1 - 3 sào ao tích trữ nước để tưới rau, chỉ đạo HTX cung ứng nước thường xuyên cho bà con, đầu tư hệ thống mương máng, lưới điện tại đồng. Để thu mua sản phẩm cho bà con, trong xã hiện có 17 gia đình, 2 tư thương thường xuyên đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con nhập bán tại Chợ Chùa, các công ty Havina Kim Liên, Nhà máy dệt may Hoàng Thị Loan, các nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Vinh, bình quân đạt 10 - 15 tấn/ngày. Thu nhập từ trồng rau của người dân chiếm khoảng 20 - 25% tổng thu nhập từ nông nghiệp.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong huyện mà rau Xuân Hòa đã vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Với gía trị thu nhập  ước tính bình quân mỗi ha từ 120 -140 triệu đồng trong vụ đông xuân này, rau hàng hóa Xuân Hòa  đang mở ra cơ hội mới cho người nông dân làm giàu ngay trên đồng ruộng của mình.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong huyện mà rau Xuân Hòa đã vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Với gía trị thu nhập ước tính bình quân mỗi ha từ 120 -140 triệu đồng trong vụ đông xuân này, rau hàng hóa Xuân Hòa đang mở ra cơ hội mới cho người nông dân làm giàu ngay trên đồng ruộng của mình. (Ảnh: Thanh Thủy)

Cùng với Xuân Hòa, xã Nam Xuân hiện có 162 ha rau màu chuyên canh. Vụ đông xuân năm 2015, theo nguồn hỗ trợ mô hình nông thôn mới, xã đã xây dựng được 5,1 ha hẹ theo công nghệ an toàn tại cánh đồng Đại Đen thuộc 4 xóm. Người dân bơm nước từ giếng sạch, tưới theo công nghệ thấm, sử dụng phân chuồng khô để bón, cách ly với thuốc bảo vệ thực vật. Từ mô hình này, mỗi năm người dân có thể thu hoạch ổn định 18 lứa hái, mang về nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/ha. Đầu ra được các tư thương Thành phố Vinh về tận ruộng thu mua nên sản phẩm không đủ bán. Ông Nguyễn Hữu Thuận - Trưởng ban nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết: Từ mô hình trồng hẹ, vụ đông xuân 2016 này xã chủ động nhân rộng 8 ha hẹ theo công nghệ sản xuất an toàn. Định hướng của xã là có thể tiếp tục nâng cao nhận thức về sản xuất rau an toàn cho người dân. Đặc biệt, các cấp ngành quan tâm trong việc xây dựng thương hiệu để có thể tạo được thế mạnh cho sản xuất rau sạch trên thị trường.

Ở Xuân Hòa, không chỉ có rau mùi mà còn có rất nhiều loại rau xanh khác như bắp cải có giá 6 nghìn đồng/kg
Ở Xuân Hòa, không chỉ có rau mùi mà còn có rất nhiều loại rau xanh khác như bắp cải có giá 6 nghìn đồng/kg (Ảnh: Thanh Thủy).

Cùng với Xuân Hòa, nông dân các địa phương như Nam Anh, Nam Xuân, Xuân Lâm, Hồng Long đã phát triển vùng rau màu chuyên canh toàn huyện đạt trên 1000 ha. Mặc dù phát triển vùng rau màu rộng lớn song các mô hình sản xuất rau an toàn để nâng cao giá trị thu nhập, góp phần chiếm lĩnh thị trường trên địa bàn còn rất hạn chế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Đình Thắng - Phó phòng nông nghiệp huyện Nam Đàn, cho biết: Trên cơ sở rà soát quỹ đất và hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn, phòng đang tham mưu để huyện ban hành đề án xây dựng mô hình rau an toàn theo hướng Vietgap, đầu tư 70% tổng kinh phí mô hình cho dân. Trước mắt trong năm 2016 sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 ha rau an toàn tại Xuân Hòa theo công nghệ nhà lưới, có hệ thống tưới nước phun sương tự động, tập huấn KHKT cho dân, giống, vật tư, phân bón. Đặc biệt huyện kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tạo điều kiện phối hợp với chính quyền địa phương để thu mua sản phẩm cho dân. Đồng thời, chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất, tổ hợp tác thu mua sản phẩm rau sạch để nâng cao vị thế sau sạch Nam Đàn trên thị trường.

Lương Mai

TIN LIÊN QUAN