10 công nghệ đột phá trong năm 2015
Những công nghệ đột phá như tế bào thần kinh nhân tạo, thiết bị chẩn đoán ung thư siêu tốc hay hệ thống giao tiếp giữa các xe ôtô sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong đời sống con người.
Magic Leap
Theo MIT Technology Review, Magic Leap là thiết bị cho phép xem các hình ảnh 3D trực tiếp mà không cần kính hỗ trợ. Magic Leap được kỳ vọng sẽ thay đổi khái niệm về màn hình máy tính, rạp chiếu phim, du lịch ảo, và công nghệ game trong tương lai. Năm 2015, công ty Magic Leap ở Mỹ được tập đoàn Google tài trợ 500 triệu USD để phát triển sản phẩm. Ảnh: The Verge.
. |
Kiến trúc nano
Các nhà khoa học Mỹ đứng đầu là Julia Greer tại Viện Công nghệ California (Caltech) có thể điều khiển chính xác nguyên tử ở cấp độ nano mét để tạo thành những vật liệu mới siêu nhẹ và siêu bền. Một khi loại vật liệu này được sản xuất ở quy mô lớn, chúng sẽ tạo ra cuộc cách mạng thay thế nhiều vật liệu xây dựng phổ biến.
Tương tác giữa các ôtô
Hãng General Motors và các nhà khoa học tại trường Đại học Michigan, Mỹ, đã nghiên cứu phát triển hệ thống tương tác giữa hai xe ô tô thông qua tín hiệu không dây giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn. Công nghệ này đang được thử nghiệm tại Mỹ, Nhật và châu Âu. Nếu vượt qua những kiểm tra khắt khe, nó có thể được đưa vào sử dụng chính thức trên các mẫu xe của General Motors từ năm 2017.
Dự án Loon
Loon là dự án hợp tác giữa hai công ty Google và Facebook ở Mỹ nhằm đưa mạng internet tới hàng tỷ người ở nơi khó xây dựng cột phát sóng. Các bộ thu phát sóng sẽ được gắn vào những quả bóng khổng lồ bơm đầy khí heli, giúp hơn 60% dân số thế giới tiếp cận thông tin.
Thiết bị xác định trình tự ADN siêu tốc
Các nhà khoa học tại Đại học Hong Kong, Trung Quốc, và Đại học Johns Hopkins, Mỹ, phát triển thành công kỹ thuật xác định trình tự ADN siêu tốc cho phép phát hiện ung thư từ rất sớm. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giúp cứu sống hàng triệu bệnh nhân ung thư mỗi năm.
Biến nước biển thành nước ngọt
Dự án trị giá 500 triệu USD của chính phủ Israel nhằm khử muối trong nước biển bằng phương pháp thẩm thấu ngược, cung cấp hơn 600.000 mét khối nước sạch mỗi ngày. Hiện nay, khoảng 700 triệu người thiếu nước sạch trên toàn thế giới và con số này có thể lên tới 1,8 tỷ trong 10 năm tới do nguồn cung cấp nước sạch không đủ đáp ứng nhu cầu. Phương pháp khử muối trong nước biển bằng kỹ thuật thẩm thấu ngược có giá thành rẻ, nguồn cung dồi dào, có thể trở thành nguồn nước sạch chủ yếu của nhiều quốc gia.
Cổng thanh toán điện tử Apple
Tháng 9/2015, tập đoàn Apple của Mỹ ra mắt cổng thanh toán điện tử Apple Pay giúp cho người mua hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán tiện lợi, đơn giản và an toàn hơn rất nhiều so với sử dụng thẻ tín dụng. Theo thống kê năm 2014 tại Mỹ, hơn 3,7 tỷ USD được giao dịch qua điện thoại. "Chúng tôi tin rằng khi mọi người có thể mua hàng hóa chỉ bằng vài cú chạm nhẹ trên điện thoại, họ sẽ quên đi tiền mặt và thẻ tín dụng", Ed McLaughlin, giám đốc phụ trách mảng công nghệ thanh toán kiểu mới của MasterCard cho biết.
Tế bào thần kinh nhân tạo
Các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ sinh học phân tử Mỹ và Bệnh viện đa khoa Massachusetts đã nuôi cấy thành công tế bào não người trong phòng thí nghiệm. Công nghệ đột phá này giúp các nhà khoa học tìm hiểu những rối loạn bất thường trong quá trình phát triển của não người, từ đó phát triển phương pháp chữa trị hiệu quả, đồng thời giải mã những bí ẩn của bệnh mất trí nhớ Alzheimer, bệnh tâm thần và những căn bệnh thần kinh phức tạp khác.
Quá trình quang hợp siêu tốc
Các nhà di truyền học tại Mỹ, Anh, và Australia công bố thành tựu trong việc cải thiện khả năng hấp thụ ánh sáng Mặt Trời của cây lúa, bằng cách bẫy các phân tử CO2 bên trong những tế bào của lá. Kỹ thuật này khiến cho quá trình quang hợp diễn ra mạnh mẽ và cây tăng trưởng nhanh hơn nhiều lần. Đây được coi là một phát hiện đột phá giúp đảm bảo an ninh lương thực trong khi tăng trưởng về nguồn cung không theo kịp đà tăng trưởng của dân số thế giới.
Mạng internet của ADN
Các nhà khoa học tại Đại học California Santa Cruz, Mỹ, đã xây dựng một thư viện gene trực tuyến giúp các bệnh viện trao đổi, tìm kiếm và so sánh gene của bệnh nhân mắc bệnh nan y như rối loạn gene bẩm sinh. Mạng lưới đồ sộ này sẽ giúp các nhà di truyền học phát hiện những gene lỗi và nâng cao khả năng chữa trị thành công những căn bệnh hiểm nghèo.
Theo Vietnam+
TIN LIÊN QUAN |
---|