Bluetooth sẽ sớm bị "xóa sổ"

25/02/2016 17:43

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Washington đã tìm ra một công nghệ mới có thể thay thế Bluetooth với tốc độ cao hơn và tốn ít năng lượng hơn.

Bluetooth từng là một phát minh vô cùng hữu ích hỗ trợ việc kết nối không dây giữa các thiết bị ở khoảng cách ngắn và tốn ít điện năng. Tuy nhiên, các kỹ sư đang phát triển một loại công nghệ Wi-Fi mới có thể thay thế Bluetooth và thậm chí còn tiêu tốn ít điện năng hơn.

Bluetooth từng là một phát minh vô cùng hữu ích
Bluetooth từng là một phát minh vô cùng hữu ích

Với tên gọi Passive Wi-Fi, công nghệ này được thiết kế để chuyển dữ liệu ở cự ly gần với mức tiêu hao điện năng thấp hơn 10.000 lần so với các chipset Wi-Fi hiện nay và thấp hơn 1.000 lần so với Bluetooth LE và ZigBee. Công nghệ này được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học máy tính tại Đại học Washington.

Điểm hấp dẫn của Passive Wi-Fi đó là công nghệ này chỉ sử dụng một băng tần cơ sở số (digital baseband) trong chip Wi-Fi, trong khi đó ngày nay hầu hết chip Wi-Fi đều sử dụng cả tần số vô tuyến số và tương tự.

Một trong những nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington giải thích về công nghệ này như sau: “Điểm quan trọng nhất của Passive Wi-Fi là sử dụng sự phản xạ để tạo nên các gói Wi-Fi. Một thiết bị được kết nối sẽ tạo ra những tín hiệu sóng vô tuyến liên tục. Vi xử lý băng tần cơ sở trên một thiết bị bị động sẽ lần lượt phản xạ lại những tín hiệu sóng vô tuyến này để tạo nên những gói Wi-Fi có thể giải mã trên các thiết bị khác, kể cả smartphone.

Bạn đừng hy vọng tốc độ của công nghệ này có thể ngang ngửa với Wi-Fi tại nhà, tuy nhiên, theo nghiên cứu, tốc độ tối đa có thể lên tới 11Mpbs, tức là vẫn nhanh hơn rất nhiều so với kết nối Bluetooth. Công nghệ Passive Wi-Fi có thể được sử dụng như một chất keo hỗ trợ Internet of Things trong các ngôi nhà tương lai. Và sau cùng, các thiết bị được kết nối sẽ cần một cách để liên lạc với nhau mà không ngốn hàng kw điện của bạn cũng như không gặp phải những hạn chế như với Bluetooth.

Theo ICTNews

TIN LIÊN QUAN