Sao cứ phải phạt bằng... cho nghỉ học?
(Baonghean.vn)- Mới đây, ngày 7/3, Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020. Trong đó có nội dung học sinh vi phạm trật tự an toàn sẽ cho nghỉ học 3 ngày hoặc 1 tuần tùy theo mức độ vi phạm, tái phạm. Lý do là để học sinh có thời gian tự kiểm điểm, để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục và răn đe. Nói thật, cứ thấy có điều gì đó chưa ổn.
Thực ra thì chuyện kỷ luật học sinh vi phạm bằng hình thức cho nghỉ học theo thời gian nhất định nào đó, không phải chỉ riêng ở Hà Nội, và không phải đến nay mới làm. Còn nhớ, ngày trước khi chúng tôi còn đi học, hầu như các trường đều áp dụng hình thức này.
Ban an toàn giao thông tỉnh Nghệ An tặng mũ bảo hiểm, tuyên truyền luật an toàn giao thông cho học sinh. |
Khi có học sinh vi phạm, hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ họp và xét hình thức, mức độ kỷ luật. Có trường hợp kỷ luật nghỉ học mấy ngày, có trường hợp cho nghỉ học 1 tuần, có trường hợp kỷ luật cho nghỉ học một năm, có cả những trường hợp cho nghỉ học vĩnh viễn – gọi là đuổi học, cho thôi học.
Biết rằng, đi học, được học, là một quyền quan trọng, hình phạt đưa ra bằng hình thức cho nghỉ học tức là để hạn chế quyền của người vi phạm, tức là phạt bằng cách “đánh” vào quyền lợi của người vi phạm. Dẫu sao, hình thức xử phạt này chắc chắn có những lý lẽ, cơ sở đã được bàn thảo kỹ. Nhưng xét về hiệu quả răn đe, giáo dục, trong thực tế, xem ra còn nhiều điều chưa ổn.
Kỷ luật bằng hình thức phạt cho nghỉ học, dù 3 ngày, hoặc một tuần, hoặc nhiều hơn, liệu có làm cho học sinh đó tốt hơn được không nhỉ? Bởi khi thực hiện xong hình thức kỷ luật thì học sinh đó sẽ gwpj không ít khó khăn để theo kịp chương trình học tập trên lớp, năng lực tiếp thu do đó sẽ khăn khăn để theo kịp bạn bè trong lớp. Tình trạng hổng về kiến thức là điều rất dễ xảy ra, ảnh hưởng đến lực học của học sinh này và dẫn đến những hệ lụy tâm lý tiếp theo.
Cùng với đó, nếu cho rằng nghỉ học để để gia đình, địa phương quản lý, giáo dục... có vẻ cũng không mấy khả quan. Trong gia đình, trong giờ làm việc, nếu mọi người vẫn phải đi làm thì lấy ai để quản lý học sinh khi nghỉ học? Không thể tùy ý cho rằng bố hoặc mẹ cũng phải đồng thời xin nghỉ việc tương ứng với thời gian con bị phạt để ở nhà quản lý, giáo dục. Dù không thể phủ nhận rằng việc giáo dục con cái là vô cùng quan trọng.
Còn giao cho chính quyền địa phương giáo dục, răn đe, điều này có vẻ chỉ ổn về mặt lý thuyết, còn trên thực tế lại là chuyện khác. Từ việc bố trí người có trách nhiệm của chính quyền thực hiện việc giáo dục răn đe, đến thời gian, cách thực, nội dung, biện pháp, thời hạn... đều là những chuyện như thể “của ai, ở đâu”. Thời của chúng tôi đi học, nếu ai bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức nghỉ học, hình thức “phối hợp giáo dục, răng đe của địa phương” cơ bản vẫn là một vị nào đó của ủy ban xã giao cho học sinh bị kỷ luật đi... nhổ cỏ sân vận động, hay dọn dẹp cơ quan ủy ban xã, còn làm thế nào, trong bao lâu thì... mặc kệ. Học sinh làm được chăng hay chớ, sau đó thì vạ vật, chầu chực, chờ đợi, rồi được cho về nhà kèm theo một giấy xác nhận với lời lẽ rất "phù hợp yêu cầu phối hợp"...
Vì vậy, trong bối cảnh an ninh trật tự cả ở khu vực nông thôn lẫn thành thị đều có nhiều biến đổi so với trước đây, thiết nghĩ những người đang làm công tác giáo dục, những người có trách nhiệm trong việc đưa ra các hình thức kỷ luật trong các hệ thống giáo dục, trong các cấp học, cần nghiên cứu và điều chỉnh để có hình thức kỷ luật vừa nghiêm túc, vừa thiết thực, hiệu quả. Để thực sự vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục, làm cho học sinh vi phạm sau khi thực hiện "án kỷ luật" thì sẽ tiến bộ hơn.
Ví như, thay vì cho nghỉ học, thì yêu cầu học nhiều hơn, làm bài tập nhiều hơn, rồi yêu cầu thực hiện các định mức về kiến thức bắt buộc đưa ra phải thực hiện được trong thời gian “thi hành kỷ luật”. Tôi còn nhớ, thầy giáo dạy văn đã yêu cầu một bạn đọc thuộc cả truyện ngắn khi phạm một lỗi ở trong lớp. Hình thức này tỏ ra rất hiệu quả, thậm chí còn rất... thú vị, khiên cho người vi phạm phải nhớ đời mà chừa. Và rõ ràng là có tiến bộ hơn, ít nhất là cũng thuộc được một truyện ngắn.
Còn nữa, thay vì đưa về địa phương, gia đình, thì giao cho các tổ chức đoàn thể của nhà trường, của học sinh để giáo dục và răn đe. Dĩ nhiên, gia đình và địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm, vẫn phải tham gia nhưng với vai trò phối hợp chịu trách nhiệm.
Đức Dương
TIN LIÊN QUAN |
---|