Xứng đáng là cơ quan đại diện cho nhân dân

16/03/2016 16:25

(Baonghean) - Để có được sự đồng lòng, đồng thuận của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Đàn trong việc làm đổi thay bộ mặt của mảnh đất bazan xứ Nghệ hôm nay phải kể đến những hoạt động tích cực, có hiệu quả của Hội đồng nhân dân từ huyện xuống cơ sở. Kết thúc một nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân.

Xã Nghĩa Bình - tiền thân là Nông trường Quốc doanh 1/5, lại được chia tách từ trung tâm thị trấn huyện vào năm 2010, sự thay đổi về địa chính làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, nhà ở, môi trường,... Nhớ lại những ngày đầu mới chia tách, đồng chí Trần Thị Ngọc Ngân - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghĩa Bình cho biết: “Cách đây mấy năm về trước, các thành viên Hội đồng nhân dân huyện và xã thường xuyên tiếp nhận rất nhiều các ý kiến của cử tri. Ngoài các buổi tiếp xúc cử tri còn tiếp dân tại phòng làm việc. Song cho đến nay, các kiến nghị của dân còn lại rất ít”.

 Đồng chí Lại Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn trao đổi với cán bộ, công chức xã Nghĩa Bình.
Đồng chí Lại Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn trao đổi với cán bộ, công chức xã Nghĩa Bình.

Cũng theo chị Ngân, vấn đề mà trước đây bà con nhân dân xã Nghĩa Bình quan tâm nhất là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, vấn đề này đã được giải quyết cơ bản cho 85% hộ dân. Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường được khắc phục đáng kể.

Chị Trương Thị Thủy (xóm Bình Thành) cho biết: “Gia đình tôi phải sống chung với mùi hôi thối từ phế phẩm của xưởng chế biến mủ cao su của Công ty TNHH 1/5 đã gần 30 năm nay. Mủ cao su còn chảy xuống ruộng khiến 2 ha đất của xóm Bình Thành cũng không thể cày cấy được. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, gia đình tôi và nhiều hộ dân lân cận đã có ý kiến lên Hội đồng nhân dân huyện và xã. Đến năm 2015, xưởng đã được di dời đến địa điểm khác, môi trường sống được cải thiện rất nhiều”.

Tuy mới được chia tách, phân định hành chính trong thời gian ngắn song xã Nghĩa Bình đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả tỉnh về đích Nông thôn mới trong năm 2015.

Trở lại xã Nghĩa Lâm - một trong những “điểm nóng” về công tác tiếp xúc cử tri thời gian trước đây có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Tại thời điểm năm 2008, Công ty cổ phần sữa TH bắt đầu được xây dựng trên địa bàn. Điều này đã khiến diện tích đất của địa phương bị thu hẹp, trong quá trình xây dựng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh sống của nhân dân. Ngay sau khi cử tri có kiến nghị, Hội đồng nhân dân đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để xác minh và chuyển đến Công ty cổ phần sữa TH xem xét, giải quyết. Đến nay, nhà máy đã đi vào hoạt động có quy củ, vấn đề xử lý rác thải được đảm bảo, bên cạnh đó còn giải quyết được một số lượng lớn con em địa phương vào làm việc tại nhà máy.

Về vấn đề di dời nhà ở thuộc khu vực sản xuất của nhà máy, có 2 xóm của xã Nghĩa Lâm nằm trong quy hoạch là Đông Lâm và Tân Lâm. Những ý kiến của cử tri liên quan đến vấn đề này đã từng là bài toán khó giải đối với không chỉ Công ty cổ phần sữa TH mà còn cả chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phối hợp của nhiều cơ quan, hiện nhân dân đã tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quyết định của cấp trên. Đến nay đã có 25 hộ tự nguyện tìm chỗ ở mới, nhường đất cho việc sản xuất của Công ty cổ phần sữa TH.

Không chỉ ở xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Bình mà nhiều địa bàn khác ở Nghĩa Đàn, hầu hết các kiến nghị của cử tri đều được quan tâm giải quyết kịp thời nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và các cơ quan chuyên môn.

Nhiệm kỳ 2011 - 2016, Hội đồng nhân dân huyện đã tổ chức 450 cuộc tiếp xúc cử tri, 25 phiên làm việc với 25 xã, thị trấn nhằm nắm bắt tình hình hoạt động tại các địa phương; hướng dẫn và cùng địa phương tìm ra hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mọi vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đều được tổng hợp, phân loại và chuyển tới cấp có thẩm quyền giải trình, làm rõ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 10 ý kiến, kiến nghị trên địa bàn huyện chưa được giải quyết, liên quan đến chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng ách yếu, xây dựng trường chuẩn, trạm y tế chuẩn, đặc biệt là công tác giải quyết chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được đảm bảo. Trả lời về vấn đề này, đồng chí Lại Thị Bích Liên - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn cho rằng: “Những vấn đề này thuộc về thẩm quyền xử lý của cấp trên hoặc nằm trong quy hoạch chính sách của tỉnh và Trung ương. Hội đồng nhân dân huyện đã đề đạt lên cấp trên những mong mỏi của cử tri, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quy trình xét duyệt đối với các vấn đề liên quan đến chính sách”.

Điều quan trọng nhất nhằm đảm bảo hoạt động của HĐND có hiệu quả là mỗi đại biểu đều phải nêu cao chức trách của mình, thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri thông qua nhiều hình thức để gửi bộ phận chuyên môn giải quyết, xử lý kịp thời tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Chỉ có gần gũi, gắn bó với nhân dân thì mới có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để điều hòa các cơ chế, chính sách một cách hợp lý”, đồng chí Lại Thị Bích Liên cho biết thêm.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN